'Hàng chục người có dao, mã tấu để trong cốp xe thì không thể nói là đi phục vụ cho sản xuất'

(PLVN) - Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, dao sử dụng phục vụ cho đời sống dân sinh là đúng và bình thường. Tuy nhiên, có trường hợp, đi hàng chục người có dao, mã tấu để trong cốp xe thì không thể nói là đi phục vụ cho sản xuất được. Đây là những hành vi phải nghiêm cấm, kể cả lưu giữ cũng không được.
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: VTK)
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ. (Ảnh: VTK)

Chiều 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Trong đó, một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc bổ sung dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ trong dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, điểm đầu tiên khác với các nước khác là chúng ta có một xã hội an toàn, không có súng, không có vũ khí hay công cụ đe dọa an toàn, an ninh bất cứ người dân nào. “Đây là sự tiến bộ rất lớn của xã hội. Khách nước ngoài đến Việt Nam đều cảm thấy rất an toàn, có thể đi bất cứ đâu, ngày hay đêm”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thực tế có nơi hình thành các băng nhóm đe dọa lẫn nhau bằng cách sử dụng dao hoặc công cụ chưa quản lý được. Theo các báo cáo, những vụ đâm chém nhau chủ yếu bằng dao có tỷ lệ rất lớn, chủ yếu là dùng dao nhưng chưa được đưa vào thiết chế theo Luật, xử lý rất khó.

“Có ý kiến cho rằng, dao sử dụng phục vụ cho đời sống dân sinh là đúng và bình thường. Tuy nhiên, có trường hợp, đi hàng chục người có dao, mã tấu để trong cốp xe thì không thể nói là đi phục vụ cho sản xuất được. Đây là những hành vi phải nghiêm cấm, kể cả lưu giữ cũng không được. Vấn đề này có những ranh giới nhưng cần có cách thức quản lý để xây dựng xã hội an toàn, mọi người dân không bị đe dọa bởi bất cứ áp lực hay sức mạnh nào”, Chủ tịch nước khẳng định.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. (Ảnh: VTK)

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. (Ảnh: VTK)

Chúng ta không thể nhầm lẫn giữa tạo điều kiện để các gia đình sản xuất, phục vụ đời sống, nhưng không đưa vào yếu tố đe dọa hoặc ảnh hưởng trật tự chung, an toàn chung, cần thiết phải đưa vào quản lý. Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước tin tưởng, đại đa số Nhân dân sẽ ủng hộ xây dựng xã hội lành mạnh, không có mối đe dọa.

Nói thêm về thực tế hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, có phát sinh hiện tượng tiêu cực, nhức nhối là một bộ phận thanh thiếu niên tụ thành băng nhóm sử dụng các loại hung khí nguy hiểm như các loại dao (mà dự luật đang đề xuất là dao có tính sát thương cao) và các loại vũ khí tương tự (dao hàn thêm tuýp sắt, dụng cụ đi rừng, chọc dừa, giáo, mác, lê…) làm thành vũ khí có tính sát thương cao, đâm chém nhau. Nếu chúng ta không xây dựng pháp luật được tốt nhằm ngăn chặn, phòng ngừa thì hàng ngày, hàng giờ có thể xảy ra các trường hợp đau lòng là những nạn nhân bị chịu hậu quả bởi một bộ phận thanh thiếu niên trên. Thực trạng ấy đặt ra yêu cầu cấp thiết là làm sao ngăn chặn được các đối tượng này.

Trước băn khoăn về điểm b khoản 4 Điều 3 quy định về dao có tính sát thương cao, theo ông Đức, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng cho biết cần nghiên cứu thêm để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tính toán xây dựng khái niệm chuẩn nhất, theo hướng bao quát được các loại vũ khí gây nguy hiểm, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, không để các đối tượng phạm tội lợi dụng kẽ hở pháp luật để lách luật, thực hiện hành vi gây án.

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) nhận thấy, đối với loại vũ khí thô sơ như kiếm, giáo, mác, lưỡi lê… được trang bị cho lực lượng vũ trang để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh là vũ khí thô sơ thì phù hợp; còn đối với dao và các công cụ khác cũng có thể được trang bị cho lực lượng vũ trang nhưng chỉ để sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày thì không nên quy định là vũ khí. Trường hợp sử dụng dao vào mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì chỉ nên gọi dao và các công cụ khác là hung khí gây án, không gọi là vũ khí thô sơ.

Vì vậy, Đại biểu Đức đề nghị cân nhắc để quy định cho phù hợp. Còn trong trường hợp quy định sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, do đó không nên bổ sung dao là vũ khí thô sơ trong dự thảo Luật, vì trong mỗi gia đình hầu như đều có các loại dao dùng để sinh hoạt hàng ngày nhưng khi có mâu thuẫn xảy ra, bất cứ loại dao nào cũng có thể gây sát thương và xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người.

Mặt khác, nếu coi dao là vũ khí thô sơ thì hầu hết các gia đình phải khai báo với cơ quan Công an, nếu không sẽ vi phạm vào tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí. Hơn nữa, Đại biểu Đức nêu có ý kiến cho rằng, ngoài dao còn có kéo (nhất là kéo cắt sắt), búa cũng là loại công cụ gây sát thương có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe con người thì có được coi là vũ khí thô sơ như quy định với dao không?...

Đọc thêm