Hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội: Người tiêu dùng có “đồng lõa”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, mạng xã hội đã trở thành một kênh mua sắm phổ biến và tiện lợi nhưng cũng là nơi hàng giả, hàng nhái tràn lan. Những sản phẩm này gây ra sự thiệt hại về kinh tế, tuy nhiên, điều đáng nói, một bộ phận người tiêu dùng coi việc mua sắm hàng giả, hàng nhái là… bình thường
Hàng nhái thương hiệu nổi tiếng LV được bán công khai trên một sàn thương mại điện tử.

Hàng nhái thương hiệu nổi tiếng LV được bán công khai trên một sàn thương mại điện tử.

Công khai bán hàng giả, hàng nhái

Đầu tháng 8 vừa qua, qua kiểm tra hộ kinh doanh trên địa bàn TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt cửa hàng bày bán các sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như: Gucci, Louis Vuitto... Toàn bộ hàng hóa đều giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, được các hộ kinh doanh này bán qua mạng xã hội. Trước đó, tại nhiều địa phương khác, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện nhiều cửa hàng, kho hàng chứa, trưng bày, bán các sản phẩm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Hermès, Gucci... với giá trị hàng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Trong vài năm trở lại đây, các trang mạng xã hội như: Facebook, Instagram, và TikTok trở thành thị trường sôi động cho hoạt động kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các cửa hàng trên mạng cũng đi kèm với sự gia tăng đáng lo ngại của hàng giả, hàng nhái. Các loại hàng hóa bị làm giả, nhái phổ biến nhất bao gồm thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện tử và thậm chí cả dược phẩm.

Trong đó, hàng giả, nhái “hàng hiệu” là hành vi kinh doanh khá phổ biến, công khai trên mạng. Trên các trang cá nhân, hội nhóm Facebook nhan nhản những người bán hàng cá nhân đăng tải hình ảnh hoặc livestream (phát trực tiếp) buôn bán các sản phẩm giày dép, quần áo, túi xách, phụ kiện... “gắn mác” những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Một số cá nhân được gọi là Kol (người có sức ảnh hưởng trên mạng) còn có chiêu bài “thanh lý hàng hiệu xài rồi”, bằng cách thu mua các sản phẩm hàng hiệu cũ đã qua sử dụng, nhưng “độn” thêm hàng nhái, bán với giá “trên trời”. Cách đây ít lâu, một “nữ doanh nhân” khá có tiếng trên mạng đã bị người mua hàng “bóc phốt” vì bán túi hàng hiệu đã qua sử dụng, nhưng người mua đến hãng kiểm tra lại là hàng nhái nên phải lên tiếng xin lỗi và trả tiền lại cho người mua.

Bên cạnh đó, một bộ phận người bán hàng lập lờ bằng cách bán hàng nhái với mác “hàng F1” (giống thật), hàng hiệu Quảng Đông (tức hàng nhái thương hiệu sản xuất từ Trung Quốc)... nhưng với mức giá rẻ chỉ bằng 1/100 sản phẩm hàng hiệu. Đáng nói là các sản phẩm hàng giả, nhái này không chỉ bán công khai trên mạng xã hội, website mà còn xuất hiện cả trên các trang thương mại điện tử.

Người dân cần nâng cao ý thức tiêu dùng

Hậu quả của việc mua phải hàng giả, hàng nhái không chỉ dừng lại ở việc người tiêu dùng mất tiền mua những sản phẩm kém chất lượng. Nhiều loại hàng giả, đặc biệt là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng. Ngoài ra, vấn nạn hàng giả còn gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chân chính. Các thương hiệu lớn phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số, uy tín thương hiệu bị tổn hại và những chi phí không nhỏ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Một phiên livestream “hàng hiệu F1” công khai trên Facebook.

Một phiên livestream “hàng hiệu F1” công khai trên Facebook.

Một thực trạng đáng nói là hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu xa xỉ tồn tại nhan nhản ở Việt Nam có sự góp phần không nhỏ bởi nhu cầu và ý thức mua hàng của người tiêu dùng. Nhiều người vẫn coi việc mua sản phẩm giả, nhái để sử dụng là chuyện hoàn toàn bình thường. Xem một số livestream bán hàng giả, hàng nhái công khai trên mạng xã hội, số lượng người vào xem, đặt mua không nhỏ, mặc dù họ biết đấy là sản phẩm giả, nhái. Vì thế, làm sao để người dân cẩn trọng hơn khi mua hàng và nâng cao ý thức tiêu dùng cũng là một trong những giải pháp để chặn bớt sự tràn lan của hàng giả, hàng nhái. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả xã hội.

Người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức và ý thức để tự bảo vệ mình trước vấn nạn. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra một môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, lành mạnh.

Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 6/2024, trả lời chất vấn đại biểu về các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chống lại hàng gian, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng diễn ra một phần do các quy định, trách nhiệm và chế tài xử lý đối với hành vi này còn thiếu và chưa đủ mạnh.

Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự kiến trình Chính phủ trong quý 3 năm nay.

Đọc thêm