Hàng hóa thông qua cảng biển phát triển ấn tượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những tháng đầu năm nay chứng kiến lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Việt Nam phát triển rất ấn tượng. Điều này đòi hỏi các cảng biển cần tiếp tục được quy hoạch, phát triển để đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp.
Hàng hóa thông qua cảng biển ngày càng tăng.
Hàng hóa thông qua cảng biển ngày càng tăng.

Tăng trưởng cao

Theo thống kê tháng 4/2021 của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT), khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong ba tháng đầu năm 2021 đạt 172.447.000 tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng hóa container thông qua cảng biển tiếp tục tăng trưởng hai con số, đạt 5.927.000 Teus, tăng 17% so với năm 2020. 

Đáng chú ý, một số khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao, bao gồm: Khu vực Thái Bình tăng 113%, khu vực Đồng Tháp tăng 68%, khu vực Thừa Thiên - Huế tăng 47,9% và khu vực Quảng Ngãi tăng 33%. Đặc biệt, một số khu vực cảng biển có lượng hàng thông qua lớn, sản lượng giảm thời gian dịch bệnh Covid -19 bùng phát, song tăng trưởng dương trong vài tháng gần đây.

Cụ thể là khu vực Hải Phòng tăng 13%, khu vực TP HCM tăng 4,8% so với cùng kỳ. Các khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua lớn nhất là TP Hồ Chí Minh đạt 40,614 triệu tấn, Vũng Tàu đạt 28,39 triệu tấn, Quảng Ninh đạt 22,57 triệu tấn và Hải Phòng đạt 22,94 triệu tấn.

Riêng hàng hóa container, một số khu vực có khối lượng thông qua tăng cao, gồm Quảng Nam tăng 80%, khu vực Mỹ Tho tăng 57%. Các khu vực cảng biển khác có hàng container thông qua lớn nhất cả nước, tăng mạnh container xuất nhập khẩu như khu vực Vũng Tàu tăng 26%; khu vực Hải Phòng tăng 17%, khu vực TP HCM tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Thống kê của Cục Hàng hải cũng cho thấy, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại các cảng do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) quản lý đạt gần 24 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 13,7% tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển của cả nước. Trong đó, cảng Hải Phòng có khối lượng hàng hóa thông qua lớn nhất với 5,896 triệu tấn. 

Ông Nguyễn Xuân Sang – Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển nước ta trong thời gian qua có mức tăng trưởng tương đối cao so với vài năm gần đây. Theo dự báo, nếu tình hình Covid-19 tiếp tục được khống chế tốt, trong thời gian tới, mức tăng trưởng sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt được những mốc kỷ lục. “Tăng trưởng hàng hóa thông qua các cảng biển phản ánh mức độ phát triển của nhiều doanh nghiệp trong nước”, lãnh đạo Cục Hàng hải đánh giá.

Cần tiếp tục phát triển cảng biển

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, trong những năm tới, công tác xây dựng và triển khai các quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển và quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Cục Hàng hải Việt Nam.

Để công tác phát triển cảng biển được thực hiện tốt, Cục Hàng hải đã phân công các Phó Cục trưởng phụ trách và các phòng chuyên môn chủ động làm việc với các địa phương trong việc tìm kiếm vị trí đổ chất nạo vét duy tu luồng hàng hải; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục về môi trường để đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án theo kế hoạch được giao.

Theo Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GTVT, tổng kinh phí để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam ước tính khoảng từ 150-200 nghìn tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư đối với các bến cảng, cầu cảng chuyên dùng). Trong đó, kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển dự kiến khoảng từ 35-40 nghìn tỷ đồng. Việc rót vốn đầu tư, phát triển cảng biển được bố trí theo thứ tự ưu tiên từ cấp 1-3.

 Đây là số vốn rất lớn, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước sẽ rất khó được thực thi. Do đó, theo Cục Hàng hải Việt Nam, việc xây dựng hệ thống cảng biển sẽ được xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng tham gia.

Một số dự án sẽ được Bộ GTVT ưu tiên đầu tư trước trong thời gian tới như xây dựng các bến tiếp theo thuộc cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu; nâng cấp cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng); di dời, chuyển đổi công năng các bến cảng trên sông Cấm (từ cảng Đoạn Xá đến cảng Vật Cách) thuộc cảng biển Hải Phòng và khu bến trên sông Sài Gòn phù hợp với quy hoạch liên quan.

Đối với cảng chuyên dùng, sẽ tập trung đầu tư các bến cảng gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, các khu liên hợp công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện sử dụng than, khí thiên nhiên hóa lỏng và các bến cảng khách quốc tế gắn với các trung tâm du dịch quốc gia... 

Đọc thêm