Hàng ngàn người dân chiêm bái Phật ngọc Hòa bình Thế giới

(PLO) -Từ ngày 15/10 đến 30/10, chùa Thiên Hưng (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) nghinh đón Phật ngọc Hòa bình Thế giới. Sức hút từ tuyệt tác cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức ở ngôi chùa đặc biệt đã thu hút đông đảo Phật tử, người dân tham dự.
Phật tử và người dân đến chiêm bái Phật ngọc hòa bình thế giới
Phật tử và người dân đến chiêm bái Phật ngọc hòa bình thế giới

Hân hoan chào đón Phật ngọc

Không để người dân trong và ngoài tỉnh Bình Định phải tiếc nuối như hồi tháng 6 vừa qua khi tượng Phật ngọc Hoà bình Thế giới không thể về Bình Định theo đúng kế hoạch, lần này, chùa Thiên Hưng đã cung nghinh được Phật Ngọc về chùa trong niềm hân hoan của tất cả mọi người.

Sáng ngày 13/10, một chiếc xe container được một đoàn xe hộ tống, di chuyển theo hướng Bắc Nam, đến phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) rẽ bánh vào chùa Thiên Hưng, ngay thời điểm đó, người dân nơi đây ai nấy vui mừng rạng rỡ vì sắp được tận mắt thấy một tuyệt tác vĩ đại.

Cũng từ thời điểm đó, người dân chờ đón giờ phút khai mạc chương trình Tuần lễ chiêm bái Phật ngọc Hoà bình Thế giới tổ chức tại chùa. Trong 2 ngày nhà chùa tiến hành tôn trí Phật Ngọc, nhiều người dân đã tìm đến chùa chiêm bái, khi bức tượng lần đầu tiên và có lẽ cùng là lần cuối cùng ghé thăm tỉnh lẻ miền Trung.

Sáng ngày 15/10 (rằm tháng 9 âm lịch), dù tới 9h, ban tổ chức mới khai mạc và Phật Ngọc còn đang được che phủ, nhưng ngay từ rất sớm, dòng người từ các nơi đã đổ về khoảng sân rộng trước chùa, kiên nhẫn chờ đợi. Trong giờ phút tấm vải che bảo tượng tháo xuống, hàng nghìn Phật tử và dân chúng chung trong bầu cảm xúc dâng trào.

Vẻ đẹp kỳ vỹ, trang nghiêm của tượng Phật ngọc hoà bình thế giới khiến bất cứ ai đứng trước cũng phải ngỡ ngàng, tỏ lòng thành kính và cảm thấy nhỏ bé trước Phật. 

Khởi nguyên của Phật ngọc là một khối ngọc khổng lồ nặng 18 tấn, được tìm thấy vào năm 2000, nằm sâu dưới một rặng núi ở miền Bắc Canada. Ngỡ ngàng trước khối ngọc màu xanh đẹp rực rỡ chưa từng thấy, người ta đặt nó với cái tên “Niềm kiêu hãnh của Bắc cực”.

Năm 2003, khối ngọc được ông ông Ian Green vốn làm nghề kinh doanh mua đấu giá với số tiền 1 triệu đô. Làm theo lời sư phụ là nhà sư Zopa Rinpoche, ông Ian đã mời những người thợ điêu khắc hàng đầu của Thái Lan từ vùng Chiang Rai để khắc tượng Phật Ngọc theo khuôn mẫu của tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bên trong bảo tháp Đại Giác Ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ.

Tiến hành lựa chọn, điều chỉnh mô hình tượng từ năm 2007 và tiến hành khắc tượng vào đầu năm 2008, cuối năm 2008, sau gần 1 năm ròng rã với hàng chục thợ điêu khắc tượng Phật bậc thầy của Thái Lan, tượng đã hoàn thành. Từ năm 2009, được tượng bắt đầu hành trình triển lãm Phật ngọc trên khắp thế giới, trong đó Việt Nam là quốc gia đầu tiên.

Chùa Thiên Hưng là điểm thu hút khách du lịch bậc nhất Bình Định
Chùa Thiên Hưng là điểm thu hút khách du lịch bậc nhất Bình Định

Những nguyện ước tốt đẹp

Người ta cho rằng, được chiêm bái và đảnh lễ tượng Phật được tạo ra từ một loại ngọc quý hiếm là duyên lành khó có được trong cuộc đời này.  Đức Phật đã từng đề cập điều này trong Kinh Thủ Ấn Tăng Tín Lực rằng:

“Chỉ một phút giây ngắn ngủi chiêm ngưỡng Phật tượng, hành giả ấy đã được vô lượng công đức rồi, huống chi người ấy được đối trước Phật tượng mà lễ bái, cúng dường, thì công đức còn nhiều hơn gấp bội”.

Có phải vậy không khi được chiêm bái Phật ngọc hòa bình thế giới tại chùa Thiên Hưng, dòng người xếp hàng lần lượt bước đến kính cẩn vái lạy, lễ Phật.

Dưới chân Phật Ngọc, dường như ai nấy cũng đều có những lời khấn cầu, nguyện ước tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân, gia đình và mọi người xung quanh. Niềm tin được Phật che chở, phù hộ, cho cuộc sống ngày mai với những an lành, như ý giúp mỗi người cảm giác an yên.

Tuổi già sức yếu phải chống gậy, không thể đứng xếp hàng hay chen chúc lên bậc cầu thang chiêm bái Phật Ngọc, cụ Lê Thị nay đã 95 tuổi hành lễ ngay tại khoảng sân đất cách xa tượng Phật Ngọc. Mặc cho trời nắng gắt, cụ ông từ tốn khấn vái, toàn tâm gửi gắm những lời ước cho gia đình, cho con cháu.

“Sống gần thế kỷ, đây là lần đầu tiên tôi được thấy tượng Phật Ngọc đẹp đến vậy. Biết được ý nghĩa bức tượng, tôi cầu mong cho con cháu mạnh khoẻ, chân cứng đá mềm, gia đình được yên ấm, ăn nên làm ra, cầu cho xã hội hoà bình, thịnh vượng. Cầu cho đồng bào 5 tỉnh miền Trung sớm vượt qua cảnh lũ lụt, ổn định cuộc sống…”, cụ Thị tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Ba, 70 tuổi, huyện Tuy Phước cho biết bà đến chùa từ lúc 6h sáng trên một chuyến xe chở nhiều Phật tử. Gia đình bà có người mắc bệnh nan y và nhiều điều bất hạnh, đến hành lễ trước Phật Ngọc, bà cầu mong cho bệnh tình người thân được chữa khỏi, gia đình qua đi chuyện buồn. Chưa biết điều ước có thành không, nhưng cụ Bà thấy nhẹ lòng sau khi chiêm bái Phật Ngọc.

Không chỉ đơn giản là các hoạt động hành lễ, chiêm bái Phật Ngọc, chương trình chùa Thiên Hưng tổ chức còn nhiều hoạt động ý nghĩa khóa niệm Phật cầu nguyện hòa bình, lễ phóng sinh, lễ cầu quốc thái dân an mưa thuận gió hòa, các khóa lễ cầu an cho Phật tử gần xa, triển lãm tranh Phật giáo và thư pháp Phật học – đồ thờ Phật giáo, chương trình thơ và nhạc Phật giáo…

Đặc biệt lần này, trong khuôn khổ chương trình, Đại đức Thích Đồng Ngộ, Trụ trì chùa Thiên Hưng cũng là Trưởng ban tổ chức còn có nhiều hoạt động ý nghĩa như khóa lễ dành riêng cho Phật tử, người khiếm thị; phát quà cho người khiếm thị, phát học bổng cho con em nhà nghèo hiếu học…

Anh Nguyễn Hùng Thanh, Phó Chủ tịch Hội người mù tỉnh Bình Định khi nói về tấm lòng của sư thầy trụ trì đã không giấu được xúc động. Bởi đối với Phật tử, người khiếm thị, tuy đôi mắt không còn sáng nhưng lòng luôn hướng Phật từ bi và khao khát được sẻ chia, yêu thương. Với họ, bất cứ sự đồng cảm, giúp đỡ nào dù là nhỏ nhất cũng mang sức khích lệ to lớn để thêm động lực vượt qua bất hạnh.

Ngôi chùa đặc biệt

Không phải ngẫu nhiên mà chùa Thiên Hưng là nơi cung nghinh Phật ngọc Hoà bình Thế giới lần này. Ngôi chùa được xây dựng trên địa bàn thuộc phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn; hướng chính điện nhìn ra phía Đông Nam, nơi cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, xung quanh có hào nước bao bọc; là một trong những ngôi chùa đặc biệt và nổi tiếng bậc nhất tỉnh Bình Định.

Không cổ kính tuổi đời trăm năm, cũng không nằm ở vị trí tựa sơn vọng thuỷ, nhưng trên dưới 5 năm trở lại đây, chùa Thiên Hưng trở thành một trong những ngôi chùa kỳ vỹ và nên thơ nhất Bình Định, đặc biệt đây được biết đến là nơi cất giữ viên ngọc Xá lợi Phật thứ 5 được Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng cho Việt Nam.

Lý do nữa khiến chùa Thiên Hưng trở nên hấp dẫn và trở thành điểm thu hút du khách có lẽ là ở vị trụ trì đặc biệt, Đại đức Thích Đồng Ngộ. Những người dân nghèo ở thị xã An Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung có lẽ đã quen thuộc với những hoạt động thăm hỏi, phát quà từ thiện do sư thầy Đồng Ngộ tổ chức. 

Đọc thêm