Lễ hội chùa Cổ Lễ năm nay diễn ra từ ngày 13- 15 tháng 9 âm lịch với các hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống: lễ rước tổ của 5 cửa họ làng Cổ Lễ lên chùa, lễ bơi chải truyền thống, các tiết mục diễn xướng tâm kinh và trò chơi dân gian…
Truyền thuyết về “Nam thiên Tam vị Thánh Tổ”
Chùa Cổ Lễ được xây dựng trên một nền đất vuông, rộng gần 10 mẫu bắc bộ, cảnh quan sơn thủy hữu tình, xung quanh có sông nhỏ và hồ bao quanh. Ngôi chùa thiêng ngoài thờ Phật, còn thờ một vị thánh đó là Thiền sư Nguyễn Minh Không, người đã từng chữa cho Vua Lý Thần Tông thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo.
Theo văn bia chùa Cổ Lễ ghi lại, Chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ XII thời Lý Thần Tôn, ngoài thờ Phật còn thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không sinh đầu thế kỷ XII, hương quán tại làng Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thuở thiếu thời, ngài chuyên làm nghề chài lưới của cha ông, năm 29 tuổi xuất gia đầu Phật. Ngài đã “Văn - Tư - Tu đốn Tức Minh Tâm kiến tính quán càn khôn”, và ngài còn là nhà Y sư nổi tiếng, đã cứu chữa cho vua Lý Thần Tôn khỏi bệnh nan y và được nhà vua phong làm “Lý Triều Quốc Sư”.
Ngài cùng Thiền Sư Giác Hải và Thiền Sư Từ Đạo Hạnh kết nghĩa anh em sang Tây vực (Bắc Ấn Độ), tầm học phép “Tam vô lậu” đắc “Giới - Định - Tuệ viên dung nhập Thánh siêu phàm du nhật nguyệt”. Ba vị Thiền sư sau khi đắc lục trí thần thông trở về nước, Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh trụ trì chùa Sài Sơn, Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không trụ trì chùa Thần Quang, Đức Giác Hải Thiền Sư trụ trì chùa Diên Phúc. Từ đó 3 vị Thiền sư trở thành “Nam Thiên Tam Vị Thánh Tổ”.
Truyền thuyết dân gian kể rằng, sau đó Thiền sư Minh Không vượt Tống quyên đồng đem về đúc “An Nam Tứ Khí” (4 bảo vật quý của Việt Nam) bao gồm: Tượng Phật cao hơn 4 mét ở chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh; Chuông Qui Điền nặng 1000kg ở Lục Đầu Giang, Phả Lại (Hải Dương); Tháp “Báo Thiên” cao 9 tầng ở Hà Nội; Đỉnh Phổ Minh nặng 1000kg ở Tức Mặc, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định).
Dân gian truyền lại, trên đường chuyên chở được số đồng “khủng” trên về đúc các bảo vật trên, Thiền sư Minh Không đã gặp không ít khó khăn, thử thách. Dân gian truyền tụng rằng, có những lúc gió to, sóng cả, không gọi được thuyền chở đồng, ngài Minh Không bằng tài phép phi phàm của mình đã dùng chiếc nón lá làm thuyền để chở an toàn số đồng về đúc bảo vật. Tưởng nhớ công lao, đức độ của Ngài, hàng năm dân làng Cổ Lễ tổ chức lễ hội truyền thống, cùng truyền tụng huyền thoại về đức Thánh tổ Minh Không.
Độc đáo ngôi chùa thiêng mang dáng dấp một thánh đường
Chùa Cổ Lễ do Quốc sư Minh Không xây dựng từ thế kỷ XII thời Lý. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, dấu tích cổ xưa bị phai mờ hoang phế. Đến năm 1902, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên một Thiền sư có đạo đức cao cả, một trí thức uyên bác, có biệt tài kiến trúc chùa tháp được giao về trụ trì chùa. Ông đã dốc tâm huyết kêu gọi các tín đồ, thập phương bỏ công, của để xây dựng lại ngôi chùa.
Trong khoảng thời gian sau đó, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên đã kiến tạo lại toàn bộ công trình chùa thành những nhóm kiến trúc có giá trị nghệ thuật riêng biệt nhưng vẫn hòa nhập với tổng thể cảnh quan, mang phong cách “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp phương Tây”. Khi chủ trì công việc xây dựng chùa, tương truyền nhà sư Phạm Quang Tuyên không cần một bản vẽ thiết kế nào, không cần một chút vật liệu hiện đại là xi măng, sắt thép mà chỉ là gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản và công sức của nhân dân để xây dựng nên ngôi chùa có kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính.
Đó chính là lý do giải thích vì sao ngôi chùa Cổ Lễ vừa mang vẻ uy nghiêm trầm mặc của một cổ tự hàng ngàn năm lịch sử, vừa mang dáng dấp hiện đại của một thánh đường Gia tô giáo với lối kiến trúc gô-tích (Gothic) của châu Âu. Nhìn từ xa chùa có dáng như một nhà thờ nhưng nhìn kỹ thì lại là một ngôi chùa bởi đôi rồng chầu rất lớn ở phía trước và các họa tiết trang trí khác. Với kiến trúc độc đáo của chùa Cổ Lễ cho thấy Hòa thượng Phạm Quang Tuyên là một kiến trúc sư bậc thầy rất tài hoa.
Tiếp bước Hòa thượng Phạm Quang Tuyên, Hòa thượng Phạm Thế Long và các thế hệ sư trụ trì kế cận đã hoàn thiện thêm những công trình nhỏ, tạo thêm sự nguy nga cho ngôi chùa.
Theo quan sát hiện trạng, trước chùa là tòa tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32m, có 8 mặt, được xây dựng từ năm 1927, trùng tu năm 2001. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào phía chùa. Con rùa được nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to bằng voi thật. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Tương truyền rằng tín đồ phật tử, khách hành hương lên đến bậc thứ 98 này, sờ tay vào bức tượng trên đỉnh tháp thì cuộc sống sẽ luôn gặp may mắn.
Tiếp theo ngôi tháp là một chiếc cầu Cuốn cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích (còn gọi là hồ Núi). Mặt cầu lát gạch cổ dẫn vào chùa Trình, còn gọi là Phật giáo Hội quán. Chùa Trình được xây vào năm 1936 và trùng tu vào năm 2001. Trong ngôi chùa Trình linh thiêng có tượng Phật Quan Âm nghìn tay, phía trước sân chùa Trình có 2 lư đồng khổng lồ.
Bên trái chùa Trình là đền Linh Quang Từ, được xây vào năm 1937, thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và hai tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ là Bảng nhãn Đào Sư Mỗ và Tiến sĩ đệ tam giáp Đào Toàn Mỗ. Bên phải chùa Trình là Khánh Quang phủ, được xây vào năm 1937, là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.
Sau lưng chùa Trình có một cái hồ lớn, giữa hồ có một quả chuông nặng 9000kg gọi là Đại Hồng Chung. Quả chuông cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất ở Việt Nam. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Tương truyền, khi thỉnh Đại Hồng Chung thì cả tỉnh Nam Định và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng chuông ngân.
Được biết, Đại Hồng Chung được đúc vào những năm đầu thế kỷ XIX, thời Hòa thượng Phạm Quang Tuyên trụ trì. Trong quá trình đúc chuông, vì tôn kính ngôi chùa linh thiêng nên nhiều tín đồ, phật tử đã công đức cả nhẫn, vòng, vàng hòa tan trong đó. Khi quả chuông khổng lồ vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá cho du khách tham quan từ đó đến nay.
Trong chùa còn có tượng Phật sơn son thếp vàng bằng gỗ bạch đàn cao 4m đặt ở trên tầng cao phải đi theo những cầu thang nhiều bậc ở hai bên mới lên đến chỗ đặt các tượng Phật. Sau lưng tượng Phật là bàn thờ với tượng Nguyễn Minh Không. Từ điện Phật, có các hành lang quanh ra phía sau nối với nhà khách và nhà tổ nơi có tượng Hòa thượng Phạm Quang Tuyên - “kiến trúc sư” của công trình chùa Cổ Lễ.
Ngôi chùa truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng
Không chỉ là địa chỉ văn hóa tín ngưỡng tâm linh, chùa Cổ Lễ còn là một di tích lịch sử cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều nhà sư đã tạm biệt cửa thiền ra trận. Đặc biệt, ngày 27/2/1947, tại ngôi chùa linh thiêng, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Phạm Thế Long, Tỉnh hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Nam Định cùng chính quyền và tín đồ trong vùng đã tổ chức mít tinh làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư cởi áo cà sa lên đường ra mặt trận, bảo vệ Tổ quốc. Bản thân Hòa thượng Phạm Thế Long là một nhà hoạt động cách mạng, sau này ông giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa VII.
Tư tưởng “Phật pháp bất ly thế gian pháp” đã thấm nhuần vào máu thịt những thế hệ chư tăng ngôi chùa này, góp phần đưa Phật giáo sống trong lòng dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc. Tuy đi tu mà những nhà sư nơi đây không xa rời thế sự, vẫn đau đáu quan tâm đến vận mệnh quốc gia. Sau đó, trong kháng chiến chống Mỹ và chiến dịch bảo vệ biên cương Tổ quốc, trường hạ chùa Cổ Lễ còn tổ chức cho bảy nhà sư tiếp bước đồng đạo, tạm biệt cửa thiền ra mặt trận đánh giặc cứu nước. Một trong những lời phát nguyện hào hùng của các vị sư còn được ghi chép lại như sau:
“Cởi áo cà sa khoác chiến bào
Tuốt gươm cầm súng dẹp binh đao
Ra đi quyết rửa thù cứu nước
Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”.
Kho tàng của những cổ vật văn hóa quý hiếm
Hiện trong chùa Cổ Lễ có nhiều hiện vật văn hóa, lịch sử quý hiếm. Ngoài Đại Hồng Chung lớn nhất đất nước, phía sau nhà thờ tổ có một gác chuông gồm 3 tầng 4 mặt, gọi là Kim Chung Bảo Các. Gác chuông này cao 13m40, được xây dựng vào năm 1997. Tầng 2 của gác chuông này có treo một quả chuông đồng to, cao 4m20, rộng 2m03, nặng 9.000kg. Chuông được đúc vào năm 2003. Tầng 3 có treo một quả chuông đồng nữa đúc từ thời Lê Cảnh Thịnh, nặng 300kg. Sau gác chuông là khu lăng mộ tổ của chùa, có tòa lăng Hòa thượng Phạm Thế Long.
Chùa Cổ Lễ còn có tượng Phật Thích Ca, cao 4,20m ngự trên tòa sen trong tư thế nhập Thiền, phía sau có vầng hào quang tỏa sáng thiêng liêng; một chuông đồng thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799); một chuông đồng nặng hơn 9 tấn đúc năm 1936; một trống đồng trơn tương truyền từ thời Lý; một lá cờ thần hai mặt ghi: “Nam thiên Thánh tổ” và “Lý triều Quốc sư”; bốn thuyền trải dùng để thi bơi trong lễ hội truyền thống.