Theo con số thống kê của ngành chức năng của tỉnh, Cà Mau có trên 2.000 phương tiện khai thác ven bờ, tuy nhiên trên thực tế con số này lớn hơn rất nhiều, khi xuất hiện rất nhiều phương tiện hành nghề khai thác ven biển bằng phương tiện thủy gia dụng.
Các phương tiện thủy gia dụng tiến hành bao ví, vây bắt tất cả cá mẹ, cá non tại các cửa sông, cửa biển… |
Cụ thể, giăng lưới, kéo lưới, đẩy te, lú bát quái, đáy bờ, đáy ạn… Họ chà đi, sát lại và bắt tất tần tật những sinh vật dù lớn hay bé, đồng nghĩa với việc khai thác tận diệt. Hệ sinh thái tự nhiên bị phá hủy, hoạt động này còn là một phần nguyên nhân tác động đến độ lắng phù sa, tạo lòng lạch ven đai rừng, ảnh hưởng đến sạt lở ven biển…
Cửa sông, cử biển là khu vực nguy hiểm, thường khi xuất hiện tố lốc bất ngờ. Tuy nhiên, các phương tiện khai thác nhỏ, không trang bị áo phao vẫn cứ hoạt động… đều cho rằng vì cuộc mưu sinh. |
Do đó, khi thời tiết chuyển mùa sang mưa, cũng là lúc các giống loài thủy hải sản bắt đầu vào bờ để sinh sản. Đây cũng là lúc các hoạt động khai thác ven bờ hoạt động mạnh nhất. Họ bắt đi tất cả, từ con giống bố mẹ đến con non, làm nguồn thủy hải sản vốn đã hạn chế do khai thác qua mức nay càng thêm cạn kiệt, nhiều loài biến mất… tác động đến cuộc chiến ứng phó thiên tai của địa phương và quốc gia.
Cách bờ không quá xa, nhiều tầng, nhiều lớp lưới giăng khắp lối nhằm chặn bắt tất cả các giống loài thủy hải sản vào bờ sinh sản. |
Cá lớn, cá nhỏ cũng đều bị khai thác, nhưng nguồn lợi dù rất thấp. |
Đặc biệt, địa phương đã có nhiều khuyến cáo, ngăn chặn và xem việc khai thác ven bờ như là một vấn nạn, cũng như thực hiện giải pháp chuyển đổi ngành nghề, tuy nhiên vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực. Vì thế, khai thác thủy hải sản ven bờ vẫn cứ tiếp diễn, cuộc mưu sinh của cư dân ven biển cứ thế vẫn cứ mất an toàn, thiếu bền vững, nguồn lợi tiếp tục cạn kiệt, ảnh hưởng không nhỏ đến nghề khai thác hải sản của tỉnh Cà Mau cũng như nghề cá nước nhà.