“Núp bóng” để cạnh tranh không lành mạnh
Thời điểm mùa thu, cũng là thời điểm gần cuối năm, vào mùa lễ hội, các sản phẩm mứt, hoa quả sấy bắt đầu được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là các sản phẩm nông sản sấy như chuối, khoai lang, các loại mứt hoa quả và sản phẩm liên quan đến hồng như hồng treo gió, hồng sấy dẻo… Đây cũng là lúc, các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn vào thị trường, “núp bóng” hàng Việt đánh lừa người tiêu dùng.
Có thể nhắc đến các sản phẩm đang được ưa chuộng trên thị trường thời điểm này là hồng treo gió, hồng sấy dẻo. Đây là thời điểm hồng chín rộ tại Đà Lạt và các khu vực lân cận, nhà vườn liên tục cho ra đời những mẻ hồng treo, hồng sấy ngon dẻo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít sản phẩm trên thị trường hiện nay có nguồn gốc từ Trung Quốc. So với các sản phẩm hồng chính gốc được làm thủ công tại các nhà vườn uy tín, hồng nhập từ Trung Quốc có màu sắc tươi, để được rất lâu mà không bị hỏng và giá thành thấp hơn rất nhiều.
Đại diện cơ sở sản xuất hồng treo gió Quỳnh Chi tại thôn Đất Làng, xã Xuân Trường, huyện Cầu Đất, TP Đà Lạt cho biết, hồng treo trong nước thường có giá cao do quy trình chế biến thủ công, mất nhiều thời gian và công sức. Cạnh đó, hồng do không có chất bảo quản hoặc dùng bảo quản trong định mức quy định, nên sản phẩm buộc phải hút chân không, không để bên ngoài được lâu, thời hạn sử dụng ngắn.
Ngược lại, hồng nhập khẩu từ Trung Quốc được sản xuất hàng loạt, với quy trình công nghiệp, sử dụng các chất bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng, do đó giá thành rất thấp. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng giữa hàng nội địa chất lượng cao và hàng nhập khẩu giá rẻ, kém an toàn.
Nguy cơ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng
Câu chuyện về sản phẩm hồng Trung Quốc “núp bóng” hồng Việt đã tồn tại từ nhiều năm nay, gây nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất, bán lẻ hồng trong nước. Cạnh đó, hàng loạt các loại nông sản sấy trong nước cũng đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm “lạ” không rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất.
Chị Ngô Thị Thùy Nhi, phụ trách sản phẩm của thương hiệu nông sản sấy Đà Lạt B.Y cho biết: “Bản thân sản phẩm của chúng tôi được sản xuất từ gốc bằng cách thu mua nguyên liệu, tự chế biến, còn phân phối cho nhiều đơn vị khác. Thế nhưng, trong quá trình kinh doanh, có những đơn vị vào chào mời sản phẩm tương tự với giá nhập thấp hơn nhiều so với giá chúng tôi sản xuất.
Ví dụ như loại lang mật Đà Lạt sấy dẻo, trong khi giá thu mua khoai mật hiện nay để sản xuất cũng đã gần 20 ngàn đồng một kí và một kí khoai lang tươi khi làm ra sản phẩm sấy dẻo chỉ còn 300g. Thế nhưng, các đơn vị này sẵn sàng chào giá khoai lang mật sấy dẻo chỉ 50 ngàn đồng/kg. Không những thế, khoai lang dẻo là sản phẩm khó bảo quản, chỉ để được cao lắm là hai tháng ở ngoài trời ở nhiệt độ thường. Trong khi đó, sản phẩm được tiếp thị có thể để hơn nửa năm không hề hấn gì.
Tương tự, nhiều sản phẩm dâu, chuối, mít… sấy cũng được chào bán với màu sắc đẹp, giá thấp hơn sản phẩm trong nước nhiều và thời hạn bảo quản lâu gấp 3, 4 lần. Đây thực sự là bài toán khó cho các doanh nghiệp sản xuất nông sản sấy trong nước, vì phải đối mặt với sự so sánh giá của khách hàng và cũng là “thử thách” cho nhà bán lẻ khi đứng trước lựa chọn nhập hàng một bên là hàng trong nước giá cao, hạn dùng thấp và hàng Trung Quốc giá nhập thấp, hạn dùng lâu “vô hạn”.".
Theo các chuyên gia y tế, các loại hoa quả sấy nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc có thể chứa các chất bảo quản, phẩm màu và hóa chất độc hại nhằm giữ cho sản phẩm có màu sắc đẹp và thời gian bảo quản lâu hơn. Những hóa chất này nếu sử dụng quá liều hoặc không được kiểm soát đúng cách có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, hoặc ảnh hưởng lâu dài đến gan, thận.
Thực tế, không ai biết rõ những loại hoa quả sấy này đã qua quy trình chế biến như thế nào, liệu có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không. Những điều này tạo nên sự hoang mang và mất niềm tin vào thị trường thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm được giới thiệu là "hàng Việt".
Trước thực trạng trên, nên chăng các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát và xử lý các hành vi gian lận thương mại, đặc biệt là tình trạng nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, “núp bóng” hàng Việt. Việc tăng cường các biện pháp kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần phải tự trang bị kiến thức và cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm. Thay vì chỉ nhìn vào giá rẻ và mẫu mã bắt mắt, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc sản phẩm, chọn mua từ các nhà cung cấp uy tín, tránh xa những sản phẩm có dấu hiệu bất thường như màu sắc quá tươi, giá quá rẻ so với mặt bằng chung.
Một số doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các nhà vườn nhỏ lẻ, đang phải đối mặt với áp lực lớn từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Do đó, người tiêu dùng cần có sự ủng hộ với sản phẩm nội địa chất lượng cao, giúp nâng cao vị thế của hàng Việt Nam trên thị trường và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.