Hàng rau “không bán” chỉ tặng và những chuyến xe ấm lòng người dân Bắc Kạn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những câu chuyện đẹp về sự đùm bọc, sẻ chia trong khó khăn sẽ luôn là minh chứng cho sức mạnh của đồng bào ta.
Đoàn Báo Pháp luật Việt Nam chung tay hướng về bà con vùng lũ (Ảnh: Lê Hanh)
Đoàn Báo Pháp luật Việt Nam chung tay hướng về bà con vùng lũ (Ảnh: Lê Hanh)

Bắc Kạn từng là nơi cuộc sống trôi qua trong sự an yên với những cánh đồng bậc thang lúa chín vàng trải dài và những ngôi nhà nhỏ nép mình dưới chân núi. Nhưng rồi cơn bão lớn bất ngờ ập đến, nơi đây nhiều khu vực đã trở thành "rốn lũ".

Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão, trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Kạn đã có mưa to đến rất to trên diện rộng khiến tình hình sạt lở đất và ngập lụt diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên địa bàn toàn tỉnh gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu, công trình giao thông, thủy lợi, khu dân cư…

Thiên tai đã làm bị thương 04 người, hơn 2.300 nhà ở bị hư hỏng (Trong đó có 620 nhà phải di dời do sạt lở đất, ngập lụt, 10 nhà bị sập đổ hoàn toàn); Đến ngày 17/9 vẫn còn 215 nhà tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn vẫn đang ngập nước, hơn 2.000ha cây trồng bị thiệt hại.

Các tuyến giao thông tại đây bị sạt lở nghiêm trọng với gần 650 vị trí, 90 công trình thủy lợi, nhiều nhà văn hóa, trụ sở y tế, giáo dục và công trình hạ tầng khác bị hư hỏng, nhiều tài sản của Nhân dân bị vùi lấp, ngập lụt, nhiều khu vực dân cư bị sạt trượt hoặc có nguy cơ sạt trượt cao... với ước tính thiệt hại sơ bộ hơn 860 tỷ đồng.

Đoàn Báo Pháp luật Việt Nam đã vượt qua hàng trăm cây số mang theo nhu yếu phẩm và tấm lòng nhân ái để đến với bà con Bắc Kạn. Dẫn đoàn là Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam. Hành trình ấy không chỉ là nhiệm vụ, mà là sự đồng cảm sâu sắc với những nỗi đau của đồng bào đang chống chọi giữa dòng nước lũ.

Chiều 20/9, đoàn đã làm việc với Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Kạn trao quà động viên các cán bộ 2 ngành có hoàn cảnh khó khăn và ảnh hưởng thiên tai bão số.

Đoàn cũng trao 250 suất quà của bạn đọc gửi tới đồng bào tỉnh Bắc Kạn thông qua MTTQ tỉnh Bắc Kạn.

Ngày 21/9 đoàn báo Pháp luật Việt Nam làm việc tại UBND huyện Chợ Đồn ngoài các phần quà là hiện vật thiết yếu, Báo Pháp luật Việt Nam trao tặng 80 triệu đồng là quà tặng của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành gửi tới để chính quyền huyện Chợ Đồn chia sẻ với bà con đang cần.

Đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam trao quà cho bà con huyện Chợ Đồn (Ảnh: Quốc Anh)

Đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam trao quà cho bà con huyện Chợ Đồn (Ảnh: Quốc Anh)

Sau cơn bão, nhiều nơi tại Bắc Kạn chìm trong cảnh tan hoang, nhưng giữa những đổ nát và mất mát ấy, tình người lại càng sáng rõ hơn bao giờ hết.

Từng túi quà, từng lời động viên ấm áp được trao đi, không chỉ là những món quà vật chất, mà còn là sự an ủi tinh thần, tiếp thêm nghị lực để bà con vững vàng bước tiếp.

Đối với bà con Bắc Kạn, sự giúp đỡ kịp thời từ Báo Pháp luật Việt Nam không chỉ là món quà vật chất, mà còn là sự động viên tinh thần, đã mang lại sự ấm áp, khơi gợi lên niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, dù hiện tại còn muôn vàn khó khăn.

Báo Pháp luật Việt Nam không chỉ mang đến những món quà, mà còn trao gửi những tấm lòng yêu thương, sẻ chia. Đối với những nhà báo, phóng viên tham gia chuyến đi, đây không chỉ là một hành trình công tác, mà còn là sự đồng cảm. Đối với người dân Bắc Kạn, đó là những tia hy vọng trong những ngày đầy khó khăn và thử thách.

Những chuyến xe chở đầy nhu yếu phẩm mà Báo Pháp luật Việt Nam lên đường gửi đến bà con vùng lũ (Ảnh: Lê Hanh)

Những chuyến xe chở đầy nhu yếu phẩm mà Báo Pháp luật Việt Nam lên đường gửi đến bà con vùng lũ (Ảnh: Lê Hanh)

Khi thiên tai ập đến, không chỉ các đoàn thiện nguyện mà chính người dân Bắc Kạn cũng đã đứng lên giúp đỡ lẫn nhau, san sẻ khó khăn.

Câu chuyện của bà cụ tại Chợ Đồn với hàng rau "không bán" là minh chứng sống động cho tinh thần nhân văn sâu sắc ấy. Mặc dù hoàn cảnh cũng khó khăn, nhưng trong những ngày mưa lũ tàn phá, bà đã quyết định không bán rau như thường ngày mà chỉ để những ai cần thì đến lấy.

Bà cụ tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn "không bán" mà chỉ cho ai cần thì lấy (Ảnh: Hồng Khánh)

Bà cụ tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn "không bán" mà chỉ cho ai cần thì lấy (Ảnh: Hồng Khánh)

Trong chuyến công tác đến với người dân Bắc Kạn, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Phương Nga - Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh chia sẻ: Tuy Bắc Kạn không bị thiệt hại nhiều như những tỉnh khác, nhưng ngay từ trước cơn bão số 3, toàn bộ hệ thống chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã xác định nêu cao tinh thần chủ động phòng tránh thiên tai. Mỗi cán bộ đều tự nhắc mình phải hết lòng vì công việc.

"Ở cơ quan chúng tôi, vào những ngày đó, dù chưa có chỉ đạo của cấp trên, những không ai bảo ai, đều bám trụ cơ quan đề phòng bất trắc có thể ứng phó kịp thời cho người dân.

Và cũng không ai bảo, không ai kêu gọi, nhưng những quán cơm gần đó, thấy chúng tôi miệt mài bám trụ trụ sở, họ đã tự mang cơm vào "tiếp sức". Chúng tôi vô cùng ấm lòng trước nghĩa cử đó của người dân." - Bà Nga xúc động.

Bà cũng cho biết, sau khi lũ quét, một số điểm ở Bắc Kạn bị ngập sâu, bà con từ từ mọi miền tổ quốc về với Bắc Kạn, vô cùng xúc động trước nghĩa cử ấy, tỉnh cũng đã bố trí đón tiếp, người dân Bắc Kạn đáp lại ân tình đó bằng những bữa cơm không đồng, những chỗ nghỉ miễn phí.

"Có đoàn anh chị từ Bình Dương, Bình Phước ra. Họ lặng lẽ trao quà rồi lại về luôn trong đêm, chúng tôi vô cùng xúc động. Đền đáp làm sao lại những ân tình đó." - bà Nga rơm rớm nước mắt kể lại.

MTTQVN là nơi tiếp nhận sự chia sẻ của đồng bào cả nước tới bà con vùng lũ.

MTTQVN là nơi tiếp nhận sự chia sẻ của đồng bào cả nước tới bà con vùng lũ.

Tại huyện Chợ Đồn, chúng tôi cũng cảm nhận được sự xúc động của vị Phó bí thư thường trực, chủ tịch HĐND, khi bà nói: "Trong những ngày này, đồng bào cả nước đang hướng tới với bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ, trong đó có bà con Chợ Đồn chúng tôi. Đồng bào từ Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Quảng Trị,… đã đưa đến cho chúng tôi từng viên thuốc, cái cuốc, cái xẻng, chai nước, gói bánh... chúng tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Trung ương, của đồng bào cả nước để sớm khắc phục khó khăn, sớm có cuộc sống no ấm hơn nữa.”.

Sau cơn bão, Bắc Kạn vẫn còn đó những vết thương khó lành, nhưng sự tương trợ, đùm bọc của dân mình đã giúp nơi đây dần hồi sinh. Nụ cười trên môi trẻ thơ đã rạng rỡ trở lại, người dân các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đã bắt đầu tái thiết cuộc sống.

Những câu chuyện đẹp về sự đùm bọc, sẻ chia trong khó khăn sẽ luôn là minh chứng cho sức mạnh đồng bào ta. Nghĩa cử cao đẹp từ bà cụ với hàng rau "không bán", những người dân miệt mài lên rừng hái măng gửi hàng xóm lúc khó khăn và những chuyến xe thiện nguyện lăn bánh từ mọi miền Tổ Quốc đã làm sáng lên niềm tin vào tương lai cho người dân Bắc Kạn khi cơn bão quét qua. Sớm thôi, núi rừng nơi đây sẽ bình yên, xanh mát và hiền hòa trở lại!

Đọc thêm