Trong những năm gần đây, hoạt động tín dụng hay giao dịch tại các ngân hàng, thường xuyên xảy ra sự cố khiến cho khách hàng cảm thấy bất an. Hàng loạt vụ rút ruột tài khoản từ vài chục tỷ đến vài trăm tỷ của các nhân viên ngân hàng đối với những khách hàng VIP rồi lẩn trốn. Đến nay đã có người bị bắt, bị khởi tố nhưng khách hàng thì vẫn chưa đòi lại được tiền của mình. Mới đây, một sự việc hi hữu khác, dù không mới nhưng cũng đủ khiến cho khách hàng nghi ngờ về uy tín, cũng như sự quản lý của các Ngân hàng chính là việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông ngân hàng.
Theo nguồn tin của Pháp luật Việt Nam, khoảng tháng 7/2017, ông N.V.M và ông T.M.T cùng ngụ quận Gò Vấp, TP HCM đã có đơn kiện gửi TAND TP HCM về việc tranh chấp sở hữu cổ phần của nguyên đơn với Ngân hàng TMCP Nam Á. Kèm theo đơn khởi kiện, các chứng từ liên quan cũng đã được ông M và ông T. gửi đến tòa án.
Theo đơn khởi kiện, ông M hiện sở hữu gần 11,5 triệu cổ phần. Ông T sở hữu gần 10 triệu cổ phần tại Ngân hàng TMCP Nam Á. Ông M và ông T khởi kiện và yêu cầu tòa án giải quyết các nội dung như: buộc xác định số cổ phần thuộc sở hữu của mình tại Ngân hàng TMCP Nam Á với cổ phần được xác định ở trên; buộc Ngân hàng cấp lại sổ cổ đông đã bị mất và đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền cổ đông của ông M và ông T trong thời gian làm mất cổ phần cho đến khi cấp lại sổ cổ đông đã bị mất theo quy định.
Ngoài trường hợp của hai cổ đông M và T, còn có 6 cổ đông khác của Ngân hàng Nam Á cũng đặt nghi vấn về sự việc lạ lùng này. Theo họ, từ đầu năm 2017 đến nay, họ không nhận được bất cứ thông tin gì về quyền, lợi ích hợp pháp của mình từ Ngân hàng này. Trong khi đó, nhóm cổ đông này cũng sở hữu từ trên 2,1 triệu – 15 triệu cổ phiếu, chiếm tổng tỷ lệ 16,38% vốn điều lệ của Ngân hàng này.
Theo đại diện nhóm cổ đông này cho biết, nghi ngờ sự việc này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, nhóm cổ đông đã có văn bản đề nghị HĐQT Ngân hàng Nam Á, và đơn vị được ủy quyền quản lý sổ cổ đông khẩn trương cung cấp thông tin cho các cổ đông về sổ cổ đông đứng tên thành viên; sớm ngăn chặn mọi hành vi chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông sở hữu số cổ phần trên, đồng thời, phải điều chỉnh thông tin cổ đông nếu Ngân hàng Nam Á, và đơn vị trên cung cấp không đúng sự thật.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm yêu cầu, cho đến thời điểm này, Ngân hàng TMCP Nam Á và đơn vị quản lý sổ cổ đông vẫn không có bất cứ câu trả lời nào cho nhóm cổ đông này.
Như vậy, có thể thấy, đây là sự việc hết sức bất thường đang diễn ra tại Ngân hàng TMCP Nam Á, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì hậu quả sẽ không thể lường trước. Thiết nghĩ, phía Ngân hàng TMCP Nam Á nên sớm có câu trả lời cho các cổ đông, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trả lại niềm tin cho khách hàng.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.