Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh về vấn đề này.
Nguyên tắc một quốc tịch “mềm dẻo”
Vấn đề quốc tịch có vai trò quan trọng như thế nào đối với một công dân, thưa ông?
- Trước hết, cần thống nhất nhận thức rằng, quốc tịch là vấn đề chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện mối quan hệ gắn bó qua lại giữa Nhà nước và công dân, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân. Tất cả các quốc gia đều có luật để xác định quốc tịch của công dân mình.
Tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích quốc gia mà pháp luật mỗi nước áp dụng một trong hai nguyên tắc cơ bản về quốc tịch: hoặc là nguyên tắc quốc tịch triệt để (chỉ công nhận một quốc tịch), hoặc là nguyên tắc quốc tịch hữu hiệu (chỉ áp dụng quốc tịch gắn với nơi thường xuyên cư trú mà không quan tâm đến các quốc tịch khác).
Pháp luật về quốc tịch Việt Nam theo nguyên tắc một quốc tịch xuyên suốt từ năm 1945 đến nay.
Với cơ quan quản lý Nhà nước, vấn đề này quan trọng như thế nào?
- Những biến động lịch sử với hai cuộc chiến tranh giành độc lập cùng việc điều chỉnh đường biên giới với các nước láng giềng và sự dịch chuyển quốc tế đối với một bộ phận dân cư đã tạo nên tình trạng không rõ ràng về quốc tịch, nhất là đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cũng như một bộ phận người di cư tự do hiện đang sinh sống trên lãnh thổ nước ta.
Trong số những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhiều người đã có quốc tịch nước ngoài. Đối với trường hợp công dân Việt Nam đã nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng pháp luật nước ngoài không bắt buộc người đó phải thôi quốc tịch gốc và họ không xin thôi quốc tịch Việt Nam thì đến nay họ vẫn có quốc tịch Việt Nam.
Theo thống kê tại Bộ Tư pháp, từ năm 1991 (khi công tác quốc tịch được chuyển giao từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Tư pháp) đến nay, mới chỉ có 144.225 trường hợp được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài. Như vậy, đối với đại đa số người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện nay, chúng ta không có số liệu thống kê chính xác có bao nhiêu người đã có quốc tịch nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam, bao nhiêu người còn quốc tịch Việt Nam mà chưa có quốc tịch nước ngoài.
Sự không rõ ràng về quốc tịch của phần lớn người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã gây khó khăn không những cho bản thân họ trong việc tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, mà còn gây khó khăn trong việc thực hiện chủ trương, chính sách bảo hộ của Nhà nước đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài trong trường hợp cần thiết.
Tại sao Luật Quốc tịch năm 2008 lại quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam?
- Bước sang thời kỳ mới, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 tiếp tục khẳng định nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam, không quy định về việc công dân Việt Nam mặc nhiên mất quốc tịch Việt Nam nếu nhập quốc tịch nước ngoài (là vấn đề nhiều nước theo nguyên tắc một quốc tịch triệt để thường quy định), đồng thời bổ sung quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.
So với Luật Quốc tịch các năm 1998 và năm 1988, đây là quy định mới nhằm góp phần giải quyết sự không rõ ràng về quốc tịch đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, giúp cho Nhà nước nắm bắt được tình trạng thực tế về quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, từ đó có cơ sở xây dựng, hoạch định và thực hiện chính sách, pháp luật đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài khi về nước. Như vậy, đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là một chính sách đúng đắn theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế được xác định tại Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Cục trưởng Nguyễn Công Khanh |
Hiến pháp năm 2013 rất đề cao vấn đề bảo vệ quyền con người, bảo đảm quyền, nghĩa vụ công dân. Vậy theo ông, quy định về đăng ký giữ quốc tịch trên có bị coi là vi hiến không bởi sau ngày 1/7/2014 sẽ có nhiều người bị mất quốc tịch Việt Nam nếu không đăng ký giữ?
- Chúng ta đều biết, một trong những nội dung mới, quan trọng được quy định tại Hiến pháp năm 2013 là Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhưng cũng xin nhấn mạnh rằng, Hiến pháp lần này đã tách bạch khá rõ về khái niệm cũng như chế độ pháp lý đối với công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Tôi cho rằng, trên cơ sở hiểu đúng tinh thần của Hiến pháp, Luật Quốc tịch Việt Nam và các đạo luật liên quan khác tới đây phải quy định rõ đối với hai chủ thể này. Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài (có quốc tịch Việt Nam), Nhà nước cần tạo điều kiện để họ có cơ hội thực hiện các quyền, nghĩa vụ như công dân trong nước, kể cả quyền bầu cử, ứng cử.
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài (không còn quốc tịch Việt Nam), Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để họ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Đấy còn là sự duy trì mối dây liên hệ tình cảm với người trong nước.
Theo tôi, vì lý do nào đó mà họ không đăng ký giữ quốc tịch thì cũng không vì thế mà ảnh hưởng đến việc duy trì mối quan hệ với gia đình, quê hương, đất nước. Ở đây cần tách bạch giữa quyền/nghĩa vụ pháp lý của công dân với quyền nhân thân/tình cảm của con người gắn với mối quan hệ huyết thống. Nghĩa là cho dù có còn giữ hay đã thôi/mất quốc tịch Việt Nam, họ vẫn là con cháu trong gia đình, vẫn có mối liên hệ về nhân thân, nguồn cội.
Bởi thế, có thể khẳng định rằng, quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 hoàn toàn không trái với các quy định hiện nay của Hiến pháp. Trái lại, thông qua việc đăng ký giữ quốc tịch còn giúp nắm bắt, thống kê, xác định rõ thêm về tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài – vốn là vấn đề tù mù từ nhiều năm nay, gây khó khăn cho công tác bảo hộ công dân, cũng như xác định chế độ pháp lý đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Như vậy, viễn cảnh sau ngày 1/7/2014 sẽ có hàng triệu Việt kiều bị mất quốc tịch Việt Nam. Liệu đó có phải là “lỗi” của luật pháp không, thưa ông?
- Về mặt lý thuyết mà nói, viễn cảnh này chúng ta đều đã có thể nhìn thấy, tiên lượng được từ năm 2008, chứ không phải là điều bất ngờ mà hôm nay chúng ta mới giật mình nhận ra. Dự án Luật Quốc tịch năm 2008 đã được đưa ra thảo luận, trao đổi, lấy ý kiến tại nhiều phiên họp, nhiều diễn đàn và đã được Quốc hội cân nhắc kỹ khi xem xét thông qua. Mặt khác, với thời hạn 5 năm để đăng ký giữ quốc tịch, là thời gian khá dài, đủ để các cơ quan nhà nước làm công tác tuyên truyền, vận động và người Việt Nam định cư ở nước ngoài cân nhắc, quyết định. Như thế không thể coi là lỗi của luật pháp được.
Mặt khác, tôi cho rằng, pháp luật phải được thượng tôn trên nguyên tắc “pháp bất vị thân”, đã đến lúc cần rõ ràng về mặt pháp lý, ai trong số người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam. Không nên hiểu sai hoặc để vấn đề này bị lợi dụng nhằm xuyên tạc chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Người dân dù sống ở đâu, ngoài việc hưởng quyền, đòi hỏi Nhà nước quan tâm bảo hộ thì cũng phải làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước. Vì thế, việc khai báo, đăng ký giữ quốc tịch cũng phải được coi là nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước.
Giải pháp tình thế là báo cáo Quốc hội
Liên quan đến việc sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Bộ Ngoại giao đề xuất kéo dài vô thời hạn việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam hoặc hủy bỏ quy định này trong Luật. Ông có ý kiến gì về đề xuất trên?
- Tôi cho rằng, nếu tiến hành sửa đổi theo hướng kéo dài vô thời hạn việc đăng ký giữ quốc tịch hoặc hủy bỏ quy định này thì vô hình trung đã vô hiệu hóa, phủ nhận chủ trương, chính sách lớn khi xây dựng Luật năm 2008.
Tuy nhiên, nếu để có thêm thời gian cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện đăng ký giữ quốc tịch, theo tôi, có thể tính đến giải pháp tình thế là báo cáo Quốc hội cho phép gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thêm vài năm nữa. Đây cũng có thể được xem là giải pháp tối ưu nhất, khi thời hạn 1/7/2014 đang đến rất gần mà chúng ta lại không đủ cơ sở và thời gian vật chất để sửa đổi Luật.
Xin cảm ơn ông!