Hàng Việt đừng dễ dãi chỉ “thuê gia công, gắn mác”

(PLVN) - Điện thoại Samsung, máy ảnh Canon “made in Việt Nam” nhưng đó là 2 thương hiệu hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản. Iphone “made in China” nhưng những chiếc điện thoại đó vẫn được biết đến là “gốc” Mỹ. Giờ đây, khái niệm hàng hóa sản xuất ở đâu không còn quan trọng nữa mà quan trọng là nó mang thương hiệu gì.
Khi đã định vị được thương hiệu, thì điện thoại Samsung dù “made in Vietnam”, vẫn là thương hiệu Hàn Quốc
Khi đã định vị được thương hiệu, thì điện thoại Samsung dù “made in Vietnam”, vẫn là thương hiệu Hàn Quốc

“Đừng quan trọng hàng hóa được sản xuất ở đâu” 

Hiện nay, số lượng hàng hóa thương hiệu Việt sản xuất tại Trung Quốc khá nhiều, đặc biệt là các mặt hàng gia dụng, điện tử, giày dép. Tất nhiên không hề có ý định xem nhẹ những sản phẩm “made in China” mang thương hiệu Việt, nhưng rõ ràng đang có luồng ý kiến băn khoăn về việc nhiều sản phẩm thương hiệu Việt nhưng lại đặt sản xuất tại Trung Quốc. 

Vậy hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc có vấn đề gì không? Câu trả lời chắc chắn là không vì hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới đều đặt các nhà máy gia công sản xuất ở Trung Quốc, như Adidas, Mango… và cả thương hiệu Apple đình đám. Do đó, không có gì phải lo lắng khi thuê gia công từ Trung Quốc. 

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, trong khi các thương hiệu lớn trên thế giới đặt gia công tại Trung Quốc vẫn mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho quốc gia nơi “đẻ” ra thương hiệu ấy bằng nguyên liệu sản xuất, bằng máy móc thiết bị, bằng thiết kế sáng tạo… thì những sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam sản xuất tại Trung Quốc có thể mang lại những gì cho nền kinh tế Việt Nam?

Tại một chương trình gala “Tự hào hàng Việt”, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, cho rằng, cần hiểu đúng bản chất thế nào là hàng Việt, đồng thời đưa ra dẫn chứng Apple đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc nhưng chiếc điện thoại Iphone vẫn được cả thế giới biết đến là thương hiệu Mỹ. Điều này hàm chứa giá trị gia tăng của Iphone để lại ở Mỹ là nhiều nhất. 

“Sản xuất ở Việt Nam nhưng thực ra khâu sản xuất chỉ chiếm 10%, nguyên vật liệu chỉ chiếm 5%, giá trị thương hiệu có thể chiếm tới 30%, bí quyết công nghệ có khi chiếm đến 50% trong sản phẩm… thì chúng ta nên sở hữu khâu nào? Đừng quan trọng hàng hóa được sản xuất ở đâu mà chúng ta chiếm được khúc nào có giá trị nhất trong chuỗi sản xuất này”, ông Phú đặt vấn đề. 

Có thể thấy rằng quan điểm của ông Phú không sai khi mang những thương hiệu hàng đầu thế giới như Iphone, Samsung, Canon… ra “soi chiếu”. Vì các thương hiệu này lần lượt thuộc về Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản dù các sản phẩm này hiện đang được sản xuất ở Trung Quốc, Việt Nam... Nhưng, những thương hiệu Việt khi chưa định vị được hình ảnh, giá trị gắn với Việt Nam mà đã gia công sản xuất ở Trung Quốc thì có được coi tương đương với… Apple, nhất là khi Việt Nam chỉ thực hiện được các khâu “đặt hàng, gắn mác và làm công tác bán hàng”?

Phải định vị thương hiệu trước khi thuê gia công

Năm 2018, lần đầu tiên, Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê hàng hóa mà Việt Nam gia công cho đối tác nước ngoài và hàng hóa Việt Nam thuê gia công ở nước ngoài. 

Theo thống kê này, trong năm 2016, hoạt động gia công hàng hóa của Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD với nguyên liệu đầu vào chủ yếu do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu (chiếm tới 62,3% so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công). Ở chiều ngược lại, trong năm 2016, DN Việt Nam trả 8,2 triệu USD cho đối tác nước ngoài khi thuê gia công, lắp ráp. Điều đáng nói, phí gia công các DN Việt Nam trả cho đối tác nước ngoài so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao, chiếm 56,2%. 

Như vậy, có thể thấy, khi đối tác nước ngoài gia công ở Việt Nam, họ nhận lại được 62,3% giá trị hàng hóa sau gia công thì Việt Nam chỉ nhận lại được 43,8% giá trị hàng hóa sau khi thuê gia công. Lý giải về việc Việt Nam nhận lại chưa đến 50% giá trị hàng hóa sau gia công, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, do ngoài phí gia công trả cho nước ngoài, DN Việt Nam còn phải trả thêm chi phí cho việc mua nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp. 

Cần nhắc lại, năm 2017 kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc tăng 53,4% so với năm 2016 do Samsung Việt Nam mở rộng đầu tư, nhu cầu nhập khẩu thiết bị, linh kiện tăng đột biến. 

Vậy DN Việt khi thuê nước ngoài gia công sản xuất hàng hóa có thể cung cấp gì cho quốc gia đặt gia công? Đây dường như là một câu hỏi không dễ tìm ra lời giải đáp khi Việt Nam đang phải nhập khá lớn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị từ Trung Quốc. Trong khi đang phải nhập nhiều nguyên liệu sản xuất như thế thì chúng ta có thể xuất khẩu sang Trung Quốc nguyên liệu sản xuất để chứng minh hàm lượng giá trị Việt trong những thương hiệu Việt? 

Một chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay, đa phần các DN Việt đều làm thương mại, chủ yếu đặt hàng về rồi gắn mác Việt Nam. Vị này khẳng định, nếu cứ tiếp tục làm thương mại như thế thì nền sản xuất Việt không thể vực dậy được. Nền kinh tế không thể vững chắc được nếu thiếu đi sự sản xuất. 

Bởi sản xuất là thêm nhân công, là đầu tư máy móc, là trung tâm nghiên cứu… Chỉ khi đó mới có giá trị gia tăng cho hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Và chỉ khi đã định vị được thương hiệu Việt với thế giới thì câu chuyện gia công sản phẩm ở đâu mới không còn là vấn đề quá lớn, như Iphone, Samsung, Canon, Huyndai… đang làm.

Đọc thêm