Theo ông Dũng, thị trường ô tô Việt Nam 2 năm liên tiếp giữ sản lượng ở mức quanh con số 400.000 xe và không có tăng trưởng. Trong đó có những tháng trong quý, sản lượng xe bán giảm xuống mức thấp kỷ lục (chỉ còn hơn 10.000 xe/1 tháng) so với mức bình quân khoảng gần 40.000 xe/tháng trong điều kiện bình thường.
Bên cạnh đó, ngành ô tô thế giới còn bị ảnh hưởng nặng nề từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu chíp bán dẫn, chi phí vận chuyển tăng cao... Tuy nhiên, trong đúng thời điểm khó khăn, Ford toàn cầu lại lấy năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch cải tổ toàn diện mang tên Ford+, trong đó đưa ra các ưu tiên và chiến lược thực thi cụ thể trước mắt cũng như lâu dài.
Đặc biệt, trong năm qua, Tập đoàn Ford đã quyết định đưa Việt Nam thành 1 trong 4 thị trường trọng điểm (cùng với Thái Lan, Nam Phi, Australia) và tăng cường các hỗ trợ về nguồn lực, về chiến lược marketing và chiến lược sản phẩm.
Ford Việt Nam cũng tích cực thực hiện kế hoạch cải tổ của Tập đoàn và nhận được nhiều hỗ trợ của Tập đoàn. Trong đó đáng kể nhất là hoàn thành mở rộng nhà máy tại Hải Dương. Theo đánh giá, đây là động thái quan trọng khẳng định tầm quan trọng của thị trường Việt Nam với Ford toàn cầu, nhất là trong bối cảnh nhiều tập đoàn ô tô khác đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất ở vài quốc gia. Ford cũng đóng cửa nhà máy tại Ấn Độ.
Ông Dũng khẳng định, việc Việt Nam trở thành 1 trong 4 thị trường trọng điểm của Tập đoàn Ford là tiền đề quan trọng cho Ford Việt Nam tiếp tục phát triển trong tương lai.
“Năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức phía trước, tuy nhiên thị trường ô tô Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát và có khả năng lần đầu tiên sẽ vượt mức nửa triệu xe, đánh dấu sự khởi đầu lớn mạnh của thị trường Việt Nam”, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam nói.