Để triển khai kế hoạch này, Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều biện pháp như tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống, sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo, yêu cầu rõ với các cơ sở y tế và các Vụ/ Cục/ Văn phòng/ Thanh tra Bộ Y tế cùng Sở Y tế các địa phương hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.
Tất cả các biện pháp này nhằm hướng đến chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy trong đơn vị. Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị. Đồng thời thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, nilon khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định,…
Việc làm này của Bộ Y tế đã đóng góp vào tiến trình hạn chế rác thải nhựa ở Việt Nam đang được các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân đồng loạt hưởng ứng. Bởi theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, chất thải nhựa chiếm 8 -16% chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở nước ta. Ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng.
Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Nếu trung bình khoảng 10% chất thải nhựa, túi nilon dùng một lần không được tái sử dụng, lượng chất thải nhựa từ sản phẩm sử dụng một lần lên tới 2,5 triệu tấn mỗi năm.
Việt Nam cũng thuộc nhóm các quốc gia xả nhiều rác thải ra biển nhiều nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn/năm.