Để vận hành hiệu quả thị trường này hiệu quả đòi hỏi điều kiện tiên quyết là xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho các bên tham gia thị trường công bằng, khai thông nguồn lực sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, ngăn chặn những mặt trái tiêu cực.
Những quyết sách quan trọng
Cách đây hơn 2 thập kỷ, ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đảng ta đã đưa ra quan điểm chỉ đạo cơ bản, trong đó nhấn mạnh: “Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế”.
Nghị quyết cũng nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể nhằm củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế vǎn hóa, trong đó đề cập tới: Hoàn chỉnh các vǎn bản luật pháp về vǎn hóa, nghệ thuật, thông tin trong điều kiện của cơ chế thị trường; ban hành các chính sách khuyến khích sáng tạo vǎn hóa và nâng mức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ vǎn hóa của nhân dân.
Một thập kỷ kể từ thời điểm đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, đã khẳng định một trong những thành tựu của ngành văn học, nghệ thuật giai đoạn 1998 - 2008 là: Đã hình thành một thị trường hàng hóa và dịch vụ các sản phẩm văn học, nghệ thuật ở trong nước; đưa các sản phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng ra nước ngoài, góp phần khẳng định nước ta là địa chỉ giao lưu văn hóa quốc tế trong thời kỳ mới.
Sau đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cũng nêu rõ mục tiêu “xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chủ yếu đến năm 2020, phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2030, phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm.
Đáng nói, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là cột mốc quan trọng để đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ quan trọng là “Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa”.
Những dấu mốc quan trọng trong hơn ba thập kỷ đã cho thấy quan điểm rõ ràng của Đảng và Nhà nước về việc phải thúc đẩy sức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ văn hóa, phát huy những vai trò tích cực của cơ chế thị trường trong việc phát triển thị trường văn hóa, nghệ thuật và ngành CNVH.
Từ những năm 1990 đến nay thị trường hội họa Việt Nam tương đối phát triển nhưng lại tồn tại nhiều bất cập liên quan đến vấn đề bản quyền. (Ảnh minh họa) |
Hoàn thiện hành lang pháp lý là nhiệm vụ cấp thiết
Theo các nhà nghiên cứu, thị trường văn hóa là khái niệm gắn liền với sự phát triển của các ngành CNVH trong sự chi phối của quy luật thị trường. Sự hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường làm cho hoạt động sáng tạo văn hóa của các ngành CNVH dần trở thành hoạt động sản xuất văn hóa.
Đến nay, thị trường văn hóa tại Việt Nam có thể kể đến một số loại hình sản phẩm và dịch vụ như: nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, xuất bản, truyền thông, di sản văn hóa, du lịch… Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các hãng phim tư nhân, các công ty giải trí, các gallery, công ty lữ hành, các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giải trí cũng là một điểm nhấn quan trọng.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã đưa ra bản tham luận đáng suy ngẫm về thị trường văn hóa, nghệ thuật tại Việt Nam. Cụ thể, ông chỉ ra: “Khi xóa bỏ bao cấp, năm 1988, những bao cấp trong các ngành Văn hóa, nghệ thuật cũng từng bước được xóa bỏ, đến nay chỉ còn kinh phí lương của hội nghề nghiệp và chút ít tài trợ sáng tác. Trong quá trình này có ngành sống được nếu tìm được chỗ đứng trong thị trường như nhạc trẻ và hội họa, còn hầu hết các ngành khác thì gặp rất nhiều khó khăn, như sân khấu truyền thống, sân khấu hiện đại, nhạc cổ điển, phim và phần nào là văn học. Những ngành có liên quan như phê bình, nghiên cứu cũng tương tự”.
Theo đó, xã hội cần tạo ra thị trường văn hóa, nghệ thuật và văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tự chiếm lĩnh thị trường ấy. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng lấy một số ví dụ: Những năm 1990, thị trường hội họa Việt Nam rất phát triển, nhưng chủ yếu là thị trường cho người nước ngoài. Dần dần, thị trường nội địa lấy lại sức mua do sự phát triển của doanh nhân và trí thức trung lưu nội địa. Tình hình thị trường nghệ thuật Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2020, sức mua trong nước tăng dần từ 50% đến 80%, nhưng sự điều giá trong nước hoàn toàn thả lỏng.
Đáng nói, trong bối cảnh đó, những thiết chế về luật kinh doanh, về thuế xuất nhập khẩu, bảo vệ bản quyền và luật về các tổ chức nghệ thuật hoàn toàn sơ khai. Trong đó có nhiều vấn đề không có bất cứ căn cứ luật nào để xem xét, gây ra nhiều khó khăn trong việc vận hành, quản lý đối với các cơ quan Nhà nước và khả năng tiếp cận thị trường đối với các bên doanh nghiệp, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu,… tham gia thị trường.
Thực tế cho thấy, thị trường văn hóa, nghệ thuật Việt Nam hiện nay vẫn còn non trẻ so với các thị trường văn hóa, nghệ thuật phát triển trên thế giới. Việc thiếu vắng sự điều tiết, quản lý chặt chẽ thị trường này sẽ dẫn đến nhiều mặt trái tiêu cực. Đơn cử những bất cập hiện tại như vi phạm bản quyền sẽ tràn lan; rất nhiều mặt hàng văn hóa thấp kém, “câu khách” vẫn “trôi nổi” trên thị trường, đặc biệt là internet và mạng xã hội; dễ thương mại hóa các giá trị đạo đức và đời sống tinh thần; xảy ra tình trạng độc quyền, cạnh tranh không công bằng giữa các bên tham gia thị trường;…
Tuy nhiên, để hình thành và phát triển một thị trường văn hóa thực sự, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận định điều quan trọng là “phải có những thay đổi căn bản trong thể chế văn hóa, trong phương thức quản lý văn hóa, trong vấn đề bản quyền tác giả... nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo các cơ chế, chính sách phù hợp để thị trường văn hóa được rộng mở, các nguồn lực được khai thông, các tiềm năng văn hóa được phát lộ, các ngành công nghiệp văn hóa có cơ hội phát triển”.
Theo đó, Nhà nước có thể điều tiết thị trường văn hóa thông qua định hướng về nội dung, tư tưởng theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; quản lý thị trường bằng pháp luật; điều chỉnh thị trường qua các công cụ kinh tế vĩ mô như: chính sách thuế, tài chính (cấp vốn lưu động, tài trợ, đặt hàng...) hay tín dụng (vay vốn ưu đãi), đất đai hoặc chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa cho những đối tượng đặc biệt trong xã hội. Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể giữ vai trò cân đối cung - cầu ở tầm vĩ mô, đảm bảo những cân đối cơ bản trong những lĩnh vực quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.