Cú vấp đầu đời
Sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em. Là con giữa, sau Puih Phú (sinh năm 2005, làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai) còn 4 em nhỏ. Thương bố mẹ, thương các em, Phú đã nghe lời kẻ xấu dụ dỗ đi làm lương cao. Phú nói: “Khi đi, em sợ cha mẹ ngăn cản vì từ bé em chưa từng đi đâu xa. Thế nên, em lặng lẽ cùng mấy người trong xóm khăn gói lên đường mà không báo cho ai biết”.
Nụ cười đã trở về trên gương mặt của Puih Phú |
Theo lời Phú kể, những kẻ môi giới đã dụ dỗ thanh niên trong làng vào Nam làm với lời hứa hẹn thu nhập từ 18- 20 triệu đồng một tháng. Sau khi đi làm một thời gian sẽ được ứng tiền gửi về cho bố mẹ. Tin lời, Phú đã đi ngay trong đêm không một lời từ biệt người thân.
Tháng 7/2022, Đồn Biên phòng Ia O (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) đã quyết định khởi tố vụ án hình sự mua bán, lừa 7 thanh thiếu niên người Jrai ở xã Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai) vượt biên sang Campuchia xảy ra cuối tháng 6/2022.
Cũng như Phú, Puih Đại (sinh năm 1998, trú cùng thôn) có lẽ không bao giờ quên ngày 19/6/2022. Trước đó, Đại được một người rủ đi làm xa với “miếng mồi” công việc nhẹ lương cao. Đêm đó, Đại quyết tâm đi dù người vợ đang mang thai chuẩn bị đến ngày sinh. Đại chia sẻ: “Em chỉ nghĩ đi làm một thời gian để có tiền mua sữa cho con, mua cho con cái nôi, cái xe đẩy. Kẻ xấu còn bảo rằng: Đi làm sẽ được ứng tiền gửi về cho vợ. Thế là em nghe lời. Em đi luôn, em không nói với vợ, với mẹ, em chỉ nói với chị gái là em đi làm ăn xa, kiếm được nhiều tiền lắm”.
Tin vào một tương lai tốt đẹp, Puih Phú cùng 6 thanh niên trong làng chia nhau thành hai đợt lên đường. Những chuyến xe đưa những thanh niên này vào Nam, rồi lại chuyến xe nối tiếp đưa những hành trình ấy đi xa hơn, sang bên kia biên giới. Những chàng trai, cả đời chỉ quen với cái cuốc, cái phay, đi rừng. Thế nhưng, sau hàng chục tiếng ngồi xe họ đã bước chân tới một nơi xa lạ. Cũng chính từ lúc này, họ biết rằng cuộc đời đã bước sang một ngã rẽ khác.
Ngã rẽ, biến những chàng trai chân chất thành những người ngày ngày ngồi bên máy tính lừa tiền chính những người dân của mình. Puih Đại nói: “Họ hướng dẫn bọn em lập tài khoản zalo, facebook… mỗi ngày phải ngồi ở máy tính để lừa mọi người trúng thưởng, nạp tiền chơi game, đánh bạc qua mạng. Bọn em sinh ra từ nương rẫy, làm sao có thể đi lừa được. Bọn em xin về thì người quản lý ở đây bảo phải chuộc. Cuối cùng chúng em đành phải điện thoại về nhà…”.
“Thấy công việc không phù hợp nên bọn em có xin nghỉ về nhà nhưng họ không cho. Vì không làm đủ chỉ tiêu nên họ xích mình lại rồi đánh đập, dí điện, bỏ đói nhiều ngày. Thậm chí họ còn dọa giết. Hầu như mấy anh em trong làng đều bị hành hạ thường xuyên từ ngày này qua ngày nọ”, Puih Đại bàng hoàng nhớ lại.
Hạnh phúc ngày về
Khi ô tô của đồn biên phòng Ia O dừng lại trước cổng làng Kloong, những thanh niên bước xuống xe trong vòng tay chờ đợi, vỡ òa cảm xúc của người thân, của cộng đồng người Gia Rai. Những cái ôm, những nụ cười và cả những giọt nước mắt của ngày đoàn tụ. Bà Ksor Sam (một người mẹ có con được giải cứu) lao tới ôm lấy đứa con của mình, bàn tay liên tục nắn đôi vai như thể khẳng định đây không phải là giấc mơ.
Chiếc xe của đồn biên phòng đỗ ở cổng làng Kloong, đưa những đứa con trở về làng. |
Trong khi đó, lặng lẽ từ xa, bố của Puih Phú đứng nhìn đứa con trở về trong vòng tay của dân làng. Đêm hôm trước, người đàn ông này đã thức trắng đêm để chờ con trai trở về dù cán bộ biên phòng động viên ông về nhà nghỉ khi nào con trai về đến nơi sẽ gọi. Thấy con lành lặn trở về, bố của Phú đi bắt ngay một con heo lễ tạ Yàng. Ông nói “Mình biết ơn bộ đội lắm, biết ơn Đảng lắm. Mình cứ nghĩ là mất nó (con trai-PV) rồi, ai ngờ nó đã trở về lành lặn”.
Nắng len lỏi trên những phên tường nhà Puih Đại. Đại đang chẻ củi cho vợ để chuẩn bị cho những ngày Tết. Đại bảo: “Gần 1 tháng xa nhà, khi em trở về vợ đã đẻ con. Em mới hiểu ra rằng không đâu bằng gia đình, quê hương, bản làng. Chẳng có “việc nhẹ lương cao” nào cả. Mình có đi làm bằng sức lực chân chính mới có tiền lo cho vợ con. Giờ những ngày rảnh em đi mót củi khô, đi làm cỏ…Tuy có vất vả nhưng tối về ngủ ngon. Được gần vợ, con, bố mẹ”.
Sau cú vấp đầu đời, mỗi chàng trai đã chững chạc hơn, có trách nhiệm hơn với cuộc sống, với gia đình |
Nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt những chàng trai như Puih Đại, Puih Phú, Puih Môi, Ksor Liec…. Sau cú vấp đầu đời, mỗi chàng trai đã chững chạc hơn, có trách nhiệm hơn với cuộc sống, với gia đình. Puih Phú nói: “Nhà em có mấy đám rẫy, hàng ngày em đi làm rẫy cùng với bố mẹ. Ngày hết việc, em đi làm thuê cho người ta cũng được 200.000 một ngày. Số tiền xứng đáng với sức lao động mà em bỏ ra”.
Chia tay làng Kloong khi chiều muộn. Tiếng trẻ con nô đùa, tiếng mọi người ý ới gọi nhau về làm tôi liên tưởng tới những đàn chim rủ nhau về tổ. Puih Phú níu tay tôi nói: “Chị cứ chụp ảnh, quay phim chúng em nhiều vào để cho không ai bị sập bẫy như tụi em nữa”. Nhìn gương mặt của chàng trai 18 tuổi cười đầy hồn nhiên. Bất giác tôi thấy trong lòng mình như đang rung lên một bản nhạc. Tôi tin, mùa xuân đã trở về với làng.