Vùng đất của những bài thuốc quý
Những bài thuốc cổ truyền không chỉ mang giá trị y học mà còn là biểu tượng văn hóa lâu đời của cộng đồng Dao đỏ. Trước sức ép của cuộc sống hiện đại, người Dao đỏ đang nỗ lực bảo tồn và phát huy kho báu này, đồng thời biến nó thành hướng đi mới để cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng sống.
Tại Phan Thanh (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), nơi tỷ lệ hộ nghèo chiếm 82% dân số, việc tìm kiếm một giải pháp phát triển bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu. Chính quyền xã nhận ra giá trị lớn lao của những bài thuốc cổ truyền trong việc bảo tồn văn hóa và phát triển sinh kế.
Các bài thuốc chữa dạ dày, viêm gan, xương khớp hay những lá tắm hồi phục sức khỏe sau sinh không chỉ là phương pháp chữa bệnh hiệu quả mà còn mang tiềm năng kinh tế nếu được khai thác đúng hướng.
Tìm hướng phát triển tiềm năng
Ông Bàn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Phan Thanh chia sẻ: “Bản thân tôi được lãnh đạo huyện cho đi tham quan, học tập nhận thấy rằng ở các địa phương khác đất đai cằn cỗi hơn, các loại cây thuốc ít hơn, điều kiện về địa hình, giao thông không thuận lợi như xã Phan Thanh, nhưng bà con nơi đó vẫn triển khai, thực hiện rất tốt. Trong khi địa phương của tôi đang hàng ngày lãng phí các loại cây thuốc, thế hệ trẻ ngày càng thờ ơ với các bài thuốc quý của cha ông truyền lại”.
Chính những lý do đó đã thôi thúc ông Bàn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Phan Thanh, thành lập Câu lạc bộ Cộng đồng dân tộc Dao đỏ bảo tồn và phát triển các bài thuốc cổ truyền.
|
Câu lach bộ Cộng đồng dân tộc Dao đỏ kế thừa và phát triển những bài thuốc cổ truyền (Ảnh: Lê Hanh) |
Đây không chỉ là nơi quy tụ những người yêu mến y học cổ truyền mà còn là ngọn lửa giữ gìn những giá trị tinh thần và văn hóa. Ông Bàn Đức Thắng được người dân tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ
Câu lạc bộ có hơn 30 thành viên, cùng nhau tổ chức các buổi họp định kỳ để chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá hoạt động và tìm hướng phát triển các bài thuốc.
Từ những loại cây thuốc quý được tìm thấy trong rừng sâu, các thành viên đã nghiên cứu cách trồng và chăm sóc tại vườn nhà, nhằm giảm áp lực lên rừng tự nhiên.
Những sản phẩm như cao thảo dược, trà thanh nhiệt, lá tắm đã được quảng bá rộng rãi qua mạng xã hội và các hội chợ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Nhằm tạo sự gắn kết giữa các thành viên, hàng tháng Câu lạc bộ phân công các thành viên chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt dưới nhiều hình thức như hát, múa, nói chuyện chuyên đề và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội để quảng bá về các sản phẩm của nhóm. Từ các buổi sinh hoạt, thành viên trong Câu lạc bộ sẽ chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, và cùng nhau đoàn kết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để cùng nhau phát triển.
|
Câu lạc bộ Cộng đồng dân tộc Dao đỏ thường xuyên trao đổi để tìm ra những giải pháp phát triển tốt nhất (Ảnh: Thanh Tùng) |
Những buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ đã góp phần tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tư tưởng, suy nghĩ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, mà cần phát huy tính chủ động, phấn đấu tự lực vươn lên, tạo công ăn việc làm cho bà con giúp xóa đói giảm nghèo.
Giữ bản sắc, vượt thách thức
Dù tiềm năng lớn, hành trình bảo tồn y học cổ truyền của người Dao đỏ không hề dễ dàng. Sự phát triển của y học hiện đại, nguy cơ mất đi nguồn cây thuốc do khai thác rừng bừa bãi và sự thiếu quan tâm của giới trẻ là những thách thức lớn. Ngoài ra, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thuốc vẫn còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất.
|
Người Dao đỏ băng rừng tìm cây thuốc quý (Ảnh: Lê Hanh) |
Trước những thách thức ấy, chính quyền và cộng đồng đã đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả. Câu lạc bộ đã vận động các gia đình trồng cây thuốc tại vườn nhà, đồng thời phối hợp với các tổ chức khoa học để cải tiến kỹ thuật trồng trọt và bảo quản. Bên cạnh đó, các bài thuốc cổ truyền được đề xuất đưa vào chương trình sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), nhằm nâng cao giá trị thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Không chỉ dừng lại ở kinh tế, y học cổ truyền của người Dao đỏ còn là biểu tượng cho giá trị đạo đức và văn hóa. Những thầy thuốc được cộng đồng tôn vinh bởi họ không chỉ chữa bệnh mà còn sống trung thực, giữ gìn các giá trị truyền thống. Qua các bài thuốc, họ gửi gắm thông điệp về tình yêu thiên nhiên, sự kiên trì và lòng nhân hậu.
Với sự đồng lòng của chính quyền, cộng đồng và các tổ chức xã hội, y học cổ truyền của người Dao đỏ đang từng bước vượt qua khó khăn để khẳng định giá trị. Những bài thuốc quý không chỉ được bảo tồn mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và phát triển bền vững.
|
Người Dao đỏ nỗ lực tìm hướng phát triển những bài thuốc cổ truyền (Ảnh: Lê Hanh) |
Trong tương lai, cần có thêm nhiều nghiên cứu khoa học để chứng minh hiệu quả của các bài thuốc cổ truyền, kết hợp chúng vào phác đồ điều trị hiện đại nhằm nâng cao giá trị. Đồng thời, việc phát triển du lịch y tế, gắn các bài thuốc với trải nghiệm văn hóa của người Dao đỏ sẽ là hướng đi đầy triển vọng, mang lại lợi ích toàn diện cho cộng đồng.
Với chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, người Dao đỏ đang tiếp tục phát triển các bài thuốc quý để phục vụ thị trường. Đây là hướng đi để phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống của cả cộng đồng.
Câu chuyện của người Dao đỏ ở Phan Thanh không chỉ là hành trình bảo tồn y học cổ truyền mà còn là bài học về sự sáng tạo, kiên trì và tinh thần đoàn kết. Từ những nỗ lực không ngừng, họ đang viết nên một chương mới, nơi giá trị truyền thống hòa quyện với sự phát triển bền vững để mở ra tương lai tươi sáng cho cả cộng đồng.