Từ Hội đồng trẻ em đến Quốc hội trẻ em
Thực tế cho thấy, việc thực thi nhóm quyền tham gia của trẻ em trong bối cảnh xã hội còn nhiều quan niệm xưa cũ, cổ hủ như: trẻ con thì biết gì, con cái không được cãi lời cha mẹ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy…, không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực bền bỉ của Chính phủ Việt Nam, hiện nay nhóm quyền được tham gia nói riêng và công tác đảm bảo quyền trẻ em nói chung đã được đánh giá cao.
Minh chứng là ngày 8/4/2024, tại trụ sở Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã đánh giá cao Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đáng tự hào, đặc biệt trong việc triển khai thực hiện chính sách ưu tiên về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trong đó có việc đảm bảo thực thi các quyền trẻ em.
Thời gian vừa qua, đã có một loạt sự kiện minh chứng cho việc trẻ em Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong hành trình thực thi quyền trẻ em nói chung và quyền tham gia của trẻ em nói riêng từ xây dựng ý thức đến cất tiếng nói. Mở đầu là Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II - năm 2024 do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội và các cơ quan liên quan vừa tổ chức vào cuối tháng 9/2024. 306 đại biểu trẻ em tham gia phiên họp đã thảo luận về 2 chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Em Thào Mí Phềnh - đại biểu trẻ em tới từ Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lũng Chinh, Mèo Vạc, Hà Giang, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết: “Năm nay, em được các thầy, cô giáo đề cử và được trở thành một đại biểu của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II. Ở trường em, có nhiều bạn học xong lớp 9 không còn được đi học nữa. Ước mong của em muốn chia sẻ với các cô, các chú, các bác ở đây là mong em và các bạn được đi học đầy đủ, trong một môi trường không có bạo lực học đường, không bị ảnh hưởng bởi tác hại của thuốc lá điện tử hay các chất kích thích”.
Em Nguyễn Thủy Tiên - Chủ tịch Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Em tham gia Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Trị từ lớp 4. Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Trị là một mô hình nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, từ đó làm cầu nối để gia đình, nhà trường và các bác lãnh đạo có thể lắng nghe những ý kiến của trẻ em. Theo em nhận thấy, đối với trẻ em tỉnh Quảng Trị nói riêng và trẻ em cả nước nói chung, hai chủ đề của phiên họp giả định lần này cũng là hai vấn đề rất cấp bách, rất phổ biến thường thấy trong đời sống của trẻ em”…
Cũng cần biết rằng, để tiến tới các Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, thì trước đó, Hội đồng trẻ em các tỉnh, thành đã và đang là diễn đàn để trẻ em cất lên tiếng nói của mình. Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và nhiệm vụ đại diện, tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em, thời gian qua, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã chủ động phối hợp với các ban, Bộ, ngành T.Ư, các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trẻ em hướng dẫn các tỉnh, thành đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố xây dựng và vận hành mô hình Hội đồng trẻ em. Đến nay, cả nước đã có 17 Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 40 Hội đồng trẻ em cấp huyện và 4 Hội đồng trẻ em cấp xã. Hoạt động của mô hình được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, thiết thực tại cơ sở đã trở thành một kênh thông tin hiệu quả, chính thống để trẻ em gửi gắm tâm tư, nguyện vọng.
Thông qua các kỳ họp Hội đồng trẻ em, các thành viên Hội đồng trẻ em đã được trau dồi, nâng cao kỹ năng, phát huy tinh thần đoàn kết, học tập lẫn nhau; là môi trường rèn luyện kiến thức chính trị - xã hội, kỹ năng hiệu quả. Nhiều kiến nghị, đề xuất của trẻ em đã được các cấp chính quyền tiếp thu trong quá trình ban hành các chính sách cụ thể về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Tháng 11/2023, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã ban hành Kết luận về việc tăng cường triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em” giai đoạn 2023 - 2027 và đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2027, 100% tỉnh, thành phố thành lập Hội đồng trẻ em cấp tỉnh.
Trao quyền cho trẻ em gái
Trong khuôn khổ kỷ niệm ngày Quốc tế Trẻ em gái 11.10, Bộ GD&ĐT đã phối hợp cùng Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức buổi họp giả định Trao cơ hội để trẻ em gái thể hiện vai trò lãnh đạo. (Ảnh: Hà Minh) |
Trong khuôn khổ kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp cùng Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức buổi họp giả định “Trao cơ hội để trẻ em gái thể hiện vai trò lãnh đạo”. Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ dự án Sức khỏe Thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2 (2023 - 2025) do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Tổ chức Plan International Việt Nam triển khai thực hiện.
Trong vai Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, em N.B.Ngọc (sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đặt câu hỏi cho đại diện các trường về thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong môi trường học đường. Em N.H.Giang, đóng vai Hiệu trưởng giả định Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng cho biết, tình trạng này hiện nay đang gia tăng một cách đáng báo động. Trước đây hầu hết đối tượng sử dụng rơi vào học sinh lớp 8 - 9, nhưng hiện nay, nhiều em lớp 6 và 7 cũng đã và đang dễ dàng tiếp cận. Học sinh có thể không hút ở lớp mà chuyền tay nhau sử dụng vào giờ ra chơi hoặc sau giờ học, nhiều em đã lén lút ra sau lớp hoặc vào nhà vệ sinh để sử dụng.
Xoay quanh chủ đề cải thiện chất lượng dịch vụ y tế học đường, em N.M.Hùng trong vai trò điều phối viên giả định của dự án Sức khỏe Thanh thiếu niên Việt Nam nhấn mạnh: “Để phòng y tế học đường đáp ứng sự hài lòng của học sinh, cần đảm bảo các tiêu chí như đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, công khai thủ tục, bảo mật thông tin và có thái độ nhân viên thân thiện, chu đáo. Nhân viên y tế cần được đào tạo kỹ năng chuyên môn và giao tiếp với học sinh, cùng với việc thiết lập quy định làm việc rõ ràng”.
Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT nhận định: “Bộ GD&ĐT ghi nhận và sẽ tổng hợp, xem xét tất cả các ý kiến đóng góp ngày hôm nay trong quá trình xây dựng chính sách liên quan. Đối với nội dung thuốc lá thế hệ mới, bên cạnh việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu, mua bán, thì việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá với học sinh, cả trên phương diện sức khỏe và ý thức chấp hành pháp luật, là vô cùng quan trọng… Đồng thời mong muốn của các em về một phòng y tế trường học thân thiện là một mong muốn chính đáng. Tới đây, Vụ Giáo dục thể chất sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam và các đối tác để xây dựng hướng dẫn kỹ thuật này để thí điểm trong dự án và làm cơ sở nhân rộng trong toàn quốc”.
Hà Anh chia sẻ trong buổi thảo luận giữa Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi, Giám đốc Quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam Migena Shulla và các cán bộ hai tổ chức. (Ảnh: Quế Chi) |
“Trao quyền cho trẻ em gái - Girls Takeover 2024” là một sáng kiến được Đại sứ quán Thụy Điển và Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc trao quyền cho trẻ em gái và nữ thanh niên trải nghiệm các vai trò lãnh đạo. Năm nay, Hà Anh (20 tuổi, sinh viên Đại học Luật Hà Nội) đã có một ngày đóng vai Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi. Bên cạnh việc trải nghiệm một ngày làm Đại sứ, Hà Anh còn có cơ hội được tham gia vào một cuộc thảo luận vô cùng ý nghĩa xoay quanh chủ đề tạo cơ hội và trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ và trẻ em gái. Chia sẻ sau ngày trải nghiệm, Hà Anh cho biết: “Girls Takeover 2024 là minh chứng cho tiềm năng to lớn của trẻ em gái và nữ thanh niên việc dẫn dắt và tạo ra những thay đổi tích cực. Chương trình này trao cho chúng tôi cơ hội để cất lên tiếng nói của mình, đối mặt với các thách thức và hành động tìm ra những giải pháp thiết thực”...
Nỗ lực để tất cả trẻ em đều biết và thực thi quyền của mình
Tiếp nối Báo cáo khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” năm 2020, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SC) vừa công bố Báo cáo khảo sát “Đánh giá sự tham gia của trẻ em Việt Nam” năm 2024. Khảo sát được thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam gồm: Yên Bái, Hà Nội, Đà Nẵng, Kon Tum, TP HCM và Đồng Tháp trong thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 05/2024, với sự tham gia chia sẻ ý kiến từ 831 trẻ em, trong đó 50 có trẻ em khuyết tật và trẻ em LGBTQI+, cùng với phụ huynh, người chăm sóc và các bên liên quan. Theo báo cáo, sự tham gia của trẻ em ở gia đình có những lát cắt tích cực thể hiện qua tỷ lệ khá cao trẻ em thường xuyên và rất thường xuyên được lắng nghe/tôn trọng ý kiến từ cha mẹ (56,7%). Báo cáo cũng cho thấy trẻ em nam có xu hướng được lắng nghe nhiều hơn; tại trường học là nơi trẻ em tiếp cận thông tin và hoạt động xã hội, nhưng chưa có nhiều cơ hội để các em được tự tin bày tỏ ý kiến (63% học sinh chưa bao giờ trao đổi với lãnh đạo trường); tại cộng đồng, mức độ tham gia của trẻ em còn khá thấp (trên thang điểm từ 1 - 5, chưa có hoạt động nào đạt điểm trung bình từ 3 trở lên cho thấy sự tự chủ và tham gia của trẻ em tại cộng đồng còn hạn chế hơn so với gia đình và trường học).
Theo bà Phạm Thị Thủy - Trưởng phòng phát triển tham gia của trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, thời gian vừa qua quyền trẻ em đã được các cơ quan, Bộ, ngành, tổ chức rất quan tâm, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức truyền thông về quyền trẻ em, xây dựng các tờ rơi, tờ gấp về quyền và bổn phận của trẻ em, đồng thời tổ chức hội thảo, tọa đàm về quyền trẻ em. Tuy nhiên, con số 20,1% trẻ em chưa từng nghe và biết đến về quyền trẻ em, chúng ta cũng phải thấy rằng cần tăng cường công tác truyền thông hơn nữa, tập huấn cho trẻ em, nhất là trẻ em trong nhà trường.