Hành trình cổ tích của anh em Tiến Dũng - Tiến Dụng

Khoảng thời cuối trận đấu, cậu em trai Bùi Tiến Dũng cũng được tin tưởng cho vào sân. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2016, hai anh em mới cùng ra sân ở một giải đấu lớn. Ở quê nhà, bố mẹ của họ là những người hạnh phúc nhất khi hai con của họ đã góp phần mang đến niềm tự hào cho bóng đá Việt Nam...
Hành trình cổ tích của anh em Tiến Dũng - Tiến Dụng

Tiến Dũng và cậu em trai Bùi Tiến Dụng sinh ra và lớn lên ở xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Đầu năm 2000, gia đình nhận thấy tố chất thể thao của họ nên gửi đến trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của huyện Thường Xuân (Thanh Hóa).

Sau 2 năm cầm cự, đội bóng ở vùng quê nghèo ấy lâm vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Tiến Dũng vốn chơi trung vệ phải xỏ găng làm thủ môn do thiếu người. Gia đình vốn khó khăn, hàng tháng phải tằn tiện gửi cho mỗi anh em vài trăm nghìn đồng tiền ăn tập. Hiểu rõ điều đó, Tiến Dũng và cậu em trai chỉ biết cắn răng rèn luyện, mong chờ một ngày mai tươi sáng.

Nhưng đội trung tâm đào tạo bóng đá ấy không thể cầm cự lâu, buộc phải giải thể. Hai anh em buồn bã xách hành lý trở về nhà. May mắn lúc đó, PVF tuyển sinh học viên tại Thanh Hóa. Tiến Dũng biết rõ khả năng của Tiến Dụng nên động viên em trai thử sức. Dụng không mấy khó khăn để được nhận vào PVF, nơi anh được đài trọ toàn bộ chi phí ăn tập.

Còn Tiến Dũng một phần vì quá tuổi, phần vì lo nghĩ cho gia đình nên Tiến Dũng cũng phần nào nguôi ngoai giấc mơ vái trái bóng tròn. Suốt hơn một năm, anh ở nhà để phụ giúp kinh tế cho bố mẹ, không nề hà bất cứ công việc tay chân nào từ phụ hồ, bốc vữa, làm ruộng...

Trong lúc tính đến chuyện giải nghệ, Tiến Dụng đã động viên anh trai tiếp tục giữ vững niềm tin cũng như nhờ các thầy giới thiệu anh của mình đến thử sức ở đội trẻ Thanh Hóa. Với vẻn vẹn vài chục nghìn đồng trong túi, thủ môn sinh năm 1997 bắt xe lên thành phố, quyết tâm mở cho mình một cơ hội.

Tiến Dũng tâm niệm rằng "mình không thể thất bại". Lễ, tết trong khi các đồng đội về nhà sum họp, Tiến Dũng vẫn ở lại. Với một quả bóng, anh tự tập một mình, đơn độc và lặng lẽ. Ít người biết rằng, đó là cách để anh tiết kiệm tiền - vốn không nhiều đối với một cầu thủ trẻ.

Khổ luyện trong vài năm trời cuối cùng nỗ lực của Bùi Tiến Dũng cũng được đền đáp. Anh được HLV Hoàng Anh Tuấn trao cơ hội khi triệu tập lên U19 Việt Nam dự giải giao hữu tại Malaysia giữa năm 2016. Thời điểm đó, người gác đến xứ Thanh không phải lựa chọn số một.

Nhưng mọi thứ thay đổi quá nhanh chỉ sau chưa đầy 2 năm. Tài năng, bản lĩnh và sự vững vàng của Bùi Tiến Dũng đã được đền đáp xứng đáng. Anh chiếm vị trí số 1 ở đội U20 rồi bây giờ là U23 Việt Nam với một phong độ ấn tượng. Và càng hạnh phúc hơn khi anh được tập luyện, thi đấu cùng em trai để cùng U23 Việt Nam tạo nên một hành trình lịch sử.

Dù rất nghiêm khắc với bản thân, Tiến Dũng sống rất tình cảm với em trai và gia đình. Khi bắt đầu có thu nhập vững vàng, anh cùng em trai dành dụm để sửa sang lại căn nhà cho bố mẹ ở quê. Thi đấu biền biệt xa nhà, Dũng chưa dám nghĩ đến chuyện báo đáp to lớn, chỉ là giúp một phần nhỏ để các đấng sinh thành đỡ vất vả hơn.

Trước thềm FIFA U20 World Cup, Tiến Dụng không may bị chấn thương, lỡ cơ hội tranh tài cùng đồng đội. Nhưng Dũng vẫn động viên cậu em trai kém may mắn của mình sang Hàn Quốc, mọi chi tiêu đích thân anh thu xếp. Hành trang của Tiến Dũng khi đó có chiếc áo số 6 mà Tiến Dụng hay mặc. Khi thi đấu, anh mặc chiếc áo của Dụng bên trong, nhiều lúc rơm rớm nước mắt.

Tiến Dũng không có những tố chất thiên bẩm của một thủ môn nhưng bù lại, anh có khả năng tự định hướng tốt, kiên trì, chịu khó và có ý chí cao. Đó là những điều đã giúp anh chiếm suất bắt chính ở đội U20 cho đến U23 Việt Nam hiện tại, dù lúc đầu anh không phải là lựa chọn số một.

Một người đại diện cầu thủ đang làm việc tại châu Âu và Việt Nam rất muốn đưa Bùi Tiến Dũng sang Đức, tập luyện cùng CLB Borussia Monchenglach. Trước khi dự FIFA U20 World Cup ở Hàn Quốc, Tiến Dũng cùng U20 Việt Nam sang Đức tập huấn. Tại đây, các HLV thủ môn địa phương đã dành nhiều lời khen cho người gác đền sinh năm 1997.

“HLV thủ môn của Monchengladbach nhận xét Tiến Dũng tuy không có chiều cao lý tưởng nhưng thi đấu thông minh, điềm tĩnh, có độ lỳ cần thiết và sử dụng chân rất tốt. Đó là lợi thế em ấy có được bởi trước khi thành thủ môn, Tiến Dũng khởi nghiệp ở vị trí trung vệ”, người đại diện của Tiến Dũng cho biết.

Thậm chí, Tiến Dũng còn được so có nét giống với Manuel Neuer – thủ môn VĐTG 2016 cùng tuyển Đức. Neuer là một trong những thủ môn dùng chân hay nhất thế giới hiện nay. Những lời có cánh đó đã không làm anh lung lạc mà giúp anh quyết tâm hơn để từng ngày rèn luyện thành tài.

Đứng dậy từ sai lầm

Thủ môn sinh năm 1997 là người hùng của U23 Việt Nam ở trận bán kết gặp U23 Qatar. Anh cản phá thành công 2 cú sút của đối thủ ở loạt luân lưu, giúp đội nhà giành chiến thắng 4-3 (thắng chung cuộc 6-5) để ghi tên vào chung kết. Trước đó, anh cũng hóa giải thành công 2 cú đá khác ở các trận gặp Iraq và Hàn Quốc. Sự chắc chắn của anh trong khung thành đã giúp các đồng đội vững tin hơn.

Thủ môn là vị trí khiến các HLV khi làm việc với bóng đá Việt Nam đau đầu nhất, bởi thường xuyên mắc sai lầm, thậm chí là những lỗi cơ bản tại những giải đấu lớn. Còn trẻ tuổi và chưa đạt đến độ chín, dĩ nhiên Bùi Tiến Dũng cũng từng vấp ngã. Ở trận cuối cùng vòng loại U23 châu Á, người gác đền này mắc lỗi lớn dẫn đến bàn thua của đội nhà trước U23 Hàn Quốc.

Đó là trận đấu mà U23 Việt Nam thua 1-2 nhưng vẫn giành vé dự VCK thông qua suất dành cho 1 trong 5 đội nhì có thành tích tốt nhất. Là người cầu tiến và biết mình đang ở đâu, Tiến Dũng đã lặng lẽ rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình, từng bước khắc phục những sai sót của bản thân.

“Tiến Dũng có một thói quen là viết nhật ký cũng như tự xem lại băng ghi hình. Những pha bóng nào mắc lỗi, xử lý không tốt em ấy đều ghi lại tỉ mỉ để chắc rằng lần sau nếu gặp tình huống như thế sẽ xử lý cách nào cho hiệu quả nhất. Đặc biệt, em ấy biết giữ mình, không xao nhãng vì những lời ngợi khen”, một người bạn của thủ môn U23 Việt Nam cho biết.

Sau SEA Games 29, Tiến Dũng chiếm suất chính thức ở khung thành U23 Việt Nam. Càng chơi, anh càng thể hiện được bản lĩnh đáng nể và sai sót ngày càng ít đi. Tại vòng bảng năm nay, thủ môn của FLC Thanh Hóa có 1 số pha ra vào khiến khán giả thót tim khi gặp các đối thủ rất mạnh về không chiến như Hàn Quốc, Syria.

"Còn quá nhiều tiếc nuối...", "Dũng, mày phải bỏ ngoài tai những lời khen ngoài kia để giữ mình luôn ở mặt đất...", "hòa Syria, vào tứ kết... cũng tàm tạm thôi", đó là 3 câu trích trong cuốn nhật ký được viết lúc nửa đêm của thủ môn sinh năm 1997. U23 Việt Nam đã có trận đấu vất vả khi gặp Syria ở lượt cuối vòng bảng.

Trận hòa 0-0 có phần may mắn giúp đội nhà giành vé vào bán kết. Tuy đội nhà giữ sạch lưới nhưng Tiến Dũng không hài lòng với bản thân mình. Anh cần mẫn ghi lại những thiếu sót của bản thân bằng những câu chữ giản dị, không dài dòng nhưng đủ để hiểu mình đang ở đâu. Thủ môn là vị trí rất nhạy cảm, những liệu pháp tâm lý của HLV Park Hang-seo dù có tốt cỡ cũng chưa chắc phát huy hiệu hiệu quả nếu Tiến Dũng không biết cách tự cân bằng mình.

 

Biết cách điều chỉnh bản thân, Tiến Dũng tự tin, vững vàng bước vào trận đấu knock-out, nơi một sai sót nhỏ cũng có thể trả giá đắt. Anh trở người hùng đích thực của U23 Việt Nam. Ngoài việc cản phá 3 quả phạt đền, Tiến Dũng còn có pha cứu thua rất ngoạn mục ở phút 122 trận gặp Iraq, khi trợ lý trọng tài không thổi việt vị đối phương.

Truyền thông Qatar đánh giá Tiến Dũng, Quang Hải là những người chơi hay nhất của U23 Việt Nam ở bán kết. Họ đã làm cho trái tim của hàng trăm nghìn người hâm mộ đất nước ở đất nước này tan vỡ. Sau hàng loạt thế hệ, bóng đá Việt Nam mới có một thủ môn thi đấu điềm tĩnh đến thế trước hàng loạt đối thủ mạnh.

Hạnh phúc đong đầy

Mỗi giải đấu đi qua cũng là dịp để các cầu thủ trưởng thành hơn. Bùi Tiến Dũng đã làm quá tốt nhiệm vụ của mình tại VCK U23 châu Á 2016, nơi anh có hàng loạt pha cứu thua ngoạn mục giúp đội nhà đi đến trận chung kết. Dẫu U23 Việt Nam không có cái kết trọn vẹn khi thua U23 Uzbekistan 1-2, thủ môn sinh năm 1997 đã được sống những ngày đẹp nhất sự nghiệp.

Càng ý nghĩa hơn bởi trong khoảng thời cuối trận đấu, cậu em trai Bùi Tiến Dũng cũng được tin tưởng cho vào sân. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2016, hai anh em mới cùng ra sân ở một giải đấu lớn. Ở quê nhà, bố mẹ của họ là những người hạnh phúc nhất khi hai con của họ đã góp phần mang đến niềm tự hào cho bóng đá Việt Nam.

"Chúng tôi xin lỗi vì đã không mang Cúp về cho dân tộc. Chúng tôi đã thật sự cố gắng, nhưng mọi việc không hề dễ dàng... Tôi xin cảm ơn tới toàn thể người dân Việt Nam đã luôn đồng hành và cổ vũ ĐT U23 Việt Nam, chính nguồn động lực đó đã làm chúng tôi có tinh thần và ý chí để chiến đấu đến những giây cuối cùng, suốt cuộc đời này, chúng tôi không thể nào quên tình cảm của người hâm mộ dành cho chúng tôi".

Đó là những chia sẻ của Tiến Dũng sau trận chung kết. Mới 21 tuổi nhưng anh cùng nhiều thành viên trong đội đã ý thức rất rõ về những việc mình đang làm. Nó cho thấy bóng đá Việt Nam đang có một lứa cầu thủ tài năng và tử tế. Họ chinh phục hàng triệu người hâm mộ bằng những tâm sự chân thật ấy.

Bùi Tiến Dũng không thể viết lên 2 chữ VÔ ĐỊCH vào trang nhật ký của mình. Nhưng những điều tốt đẹp hơn, tương lai rộng mở đang chờ anh và các đồng đội viết tiếp...