Hành trình đưa “giấc mơ kỳ ảo” đến với độc giả Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks), là một trong những nhà phát hành sách đi đầu trong thể loại phiêu lưu, kỳ ảo (fantasy) của Mỹ.
Bà Nguyễn Lệ Chi và hành trình cùng Chibooks đưa dòng văn học giả tưởng đến người trẻ Việt.
Bà Nguyễn Lệ Chi và hành trình cùng Chibooks đưa dòng văn học giả tưởng đến người trẻ Việt.

Chibooks không chỉ đạt được thành công khơi dậy niềm đam mê đọc sách của thanh, thiếu niên, mà còn phát triển tài năng của những cây bút trẻ như Cao Việt Quỳnh – tiểu thuyết gia nhí nhỏ tuổi nhất Việt Nam. Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Xuất bản vừa qua, bà Nguyễn Lệ Chi là một trong 81 người làm xuất bản tiêu biểu trên cả nước được trao giải thưởng.

Có một dòng chảy độc đáo

Cơ duyên đưa bà Nguyễn Lệ Chi cũng như Chibooks đến với dòng văn học giả tưởng không phải là sự tình cờ, đó là cả một quá trình. Vào thời điểm mới thành lập tháng 12/2008, Chibooks bắt đầu với việc chọn xuất bản dòng văn học lãng mạn (romance) và chicklit (một dòng thể loại văn học lãng mạn về những phụ nữ trẻ trong độ tuổi 20).

“Tôi chỉ hy vọng những tác giả trẻ mong muốn sáng tác thể loại văn học giả tưởng hãy tự tin lên, đừng để bất cứ tác phẩm nào chi phối các bạn. Không ai có thể biết được câu chuyện của các bạn sẽ dẫn dắt đến đâu, ngoại trừ chính các bạn. Hãy để cảm xúc của bạn dẫn lối, biết đâu nó sẽ là những thành công bất ngờ” - bà Nguyễn Lệ Chi.

Trong thời điểm đó, đối tượng người đọc được công ty hướng đến là phụ nữ và trẻ em. Sách của một số tác giả nổi tiếng đã được Chibooks xuất bản như Rachael Gibson, Isabel Wolff, Carly Phillip… Sau khi đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, Chibooks đầu tư thêm dòng văn học giả tưởng (fantasy) của Mỹ.

Vào thời điểm mười năm trước, phiêu lưu, kỳ ảo là dòng sách chưa có nhiều nhà xuất bản lựa chọn. Bà Chi cho rằng: “Dòng văn học phiêu lưu, giả tưởng rất được ưa chuộng ở nước ngoài, có nhiều bộ truyện đã được chuyển thể thành phim gây tiếng vang trên toàn thế giới”. Bà Nguyễn Lệ Chi vốn là Thạc sĩ ngành Đạo diễn Điện ảnh của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, đồng thời bà cũng từng là biên tập viên, dịch giả, nên bà luôn mong muốn đem một góc nhìn mới, đột phá trong tiểu thuyết đến với độc giả.

Dòng văn học kỳ ảo, vốn được biết đến là một địa hạt không biên giới, nơi nhà văn có thể thả sức tưởng tượng, mở rộng các chiều không gian, thời gian; từ thế giới phép thuật, tiên, yêu ma, đến quá khứ, tương lai, thực tại, hư ảo… Vì vậy, khi đọc bản gốc bằng tiếng nước ngoài của những tác phẩm fantasy bà nhận thấy mỗi câu chuyện có rất nhiều hình ảnh kích thích trí tưởng tượng, khơi dậy sự tò mò: “Khi đọc, độc giả cảm tưởng giống như có một bộ phim chạy qua trước mặt”.

Để đưa dòng văn học giả tưởng đến gần với các độc giả Việt vào thời kỳ đầu, Chibooks đã nỗ lực rất nhiều. Vì đây là thể loại đòi hỏi người đọc phải cảm nhận để có thể hòa mình vào thế giới của tác phẩm. Chibooks thường xuyên tổ chức các fan club, buổi họp mặt để quảng bá tác phẩm, đồng thời giúp các độc giả có thể cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ niềm yêu thích.

Ngoài ra, với một số tác phẩm ăn khách, Chibooks cũng thường tặng kèm móc chìa khóa, hình ảnh, in hình các nhân vật, các biểu tượng trong sách lên áo phông. Từ đó, công ty tạo ra được một lượng bạn đọc trung thành với thể loại fantasy, yêu thích văn phong và đồng hành xuyên suốt với các tác phẩm do Chibooks xuất bản.

Hiện nay, Chibooks đã xuất bản rất nhiều tựa sách fantasy của các tác giả nổi tiếng trên thế giới như bộ truyện tám tập “Thành phố xương” (City of Bones) của Cassandra Clare – Bộ sách giả tưởng đô thị đầu tiên đứng trong danh sách bán chạy nhất của New York time Bestseller, được chuyển thể thành phim năm 2013. “Percy Jackson” – bộ tiểu thuyết kỳ ảo dựa trên ý tưởng từ các vị thần Hy Lạp của Rick Riordan đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên gây được tiếng vang lớn trên thế giới, hiện tại vẫn đang nhận được sự chú ý của nhiều người hâm mộ.

Còn nhiều bộ truyện nổi tiếng khác như Biên niên sử gia tộc nhà Kane của Rick Riordan lấy ý tưởng từ các vị thần Ai Cập cổ đại, “Đạp cõi trần một người dưng” của Rae Carson bộ tiểu thuyết lấy ý tưởng từ “cơn sốt vàng California” ở Mỹ vào thế kỷ XIX. Đây đều là những bộ truyện thu hút đông đảo độc giả trên toàn thế giới. Bởi sự kết hợp giữa các dữ liệu quen thuộc trong cuộc sống và những sáng tạo độc đáo từ trí tưởng tượng của tác giả.

Và “Người Sao Chổi” làm nên tên tuổi tác giả nhí

Sau hành trình dài tập trung phát triển dòng văn học giả tưởng của Mỹ, hiện tại, Chibooks đang hướng đến xuất bản dòng văn học kỳ ảo của những tác giả Việt. Bà Nguyễn Lệ Chi cho biết lý do sự chuyển dịch này: “Trong quá trình xuất bản Chibooks nhận được rất nhiều sự tin cậy của các tác giả. Đặc biệt, trong hai năm giãn cách do dịch COVID-19, công ty nhận được rất nhiều bản thảo từ những tác giả Việt Nam”. Hầu hết họ đều là những người trẻ, trong độ tuổi 20, trí tưởng còn phong phú, bay bổng. Sau khi đọc bản thảo, Chibooks thấy có những tác phẩm đạt yêu cầu để xuất bản, cho nên quyết định sẽ ủng hộ các tác giả Việt Nam.

Gần đây nhất là “hiện tượng nhà văn nhí” Cao Việt Quỳnh – tác giả trẻ nhất Việt Nam trong 10 năm trở lại đây, cuốn sách đầu tiên trong bộ “Người Sao Chổi” được xuất bản khi em mới chỉ chín tuổi. Tập cuối cùng được ra mắt vào hai ba năm sau, khi em tròn mười hai tuổi.

Bộ truyện kể "Người Sao Chổi" kể về hành trình của Thành - trạc tuổi tác giả, vô tình bị nhiễm một loại hóa chất và trở thành người có siêu năng lực. Thành đến một thị trấn và gặp được những người có siêu năng lực khác như mình. Tuy nhiên, một thế lực xấu có ham muốn sử dụng siêu năng lực của cậu để tấn công Trái Đất và Thành - chính là Người Sao Chổi - đã cùng những người bạn của mình chủ động đi tìm và đánh bại thế lực xấu xa. Hiện tại bộ sách đạt giải Sách Quốc gia năm 2022 cho Hạng mục Sách Thiếu nhi. Điều này trở thành động lực để Chibooks nuôi hy vọng có thể tìm thấy và phát triển tài năng của nhiều tác giả Việt sáng tác thể loại fantasy.

Sau tài năng văn học nhí Cao Việt Quỳnh đã được Chibooks hy vọng sẽ tìm nhiều hơn những tác giả Việt.

Sau tài năng văn học nhí Cao Việt Quỳnh đã được Chibooks hy vọng sẽ tìm nhiều hơn những tác giả Việt.

Tuy nhiên, là một công ty có thế mạnh trong xuất bản sách dòng văn học giả tưởng, bà Nguyễn Lệ Chi đánh giá có rất nhiều cơ hội và thách thức với những sáng tác văn học thuộc thể loại này của tác giả Việt. Đầu tiên, đây là một dòng văn học rất phù hợp với những tác giả trẻ trong độ tuổi từ 15 - 25, là “mảnh đất màu mỡ” để người viết có thể thoả sức sáng tạo mà không bị trói buộc bởi bất cứ giới hạn, độ tuổi.

Đi kèm với thuận lợi, là khó khăn, hiện nay, có rất nhiều tác giả sáng tác theo lối mòn, nhầm lẫn giữa văn học giả tưởng và fanfic (thể loại nhái lại từ những tác phẩm nổi tiếng đi trước) thay vì làm ra những tác phẩm hoàn toàn mới. Bà Chi chia sẻ, công ty đã nhận được rất nhiều bản thảo có cốt truyện giống những tác phẩm nổi tiếng khác ví dụ như Harry Potter chỉ thay tên và một số chi tiết khác. Bà cho biết: “Có nhiều bạn trẻ nghĩ rằng chỉ cần viết một câu chuyện dựa trên cốt truyện hoặc ý tưởng từ những tác phẩm nổi tiếng khác, nhưng khi đọc, ban biên tập sẽ phát hiện ra ngay”.

Theo bà Nguyễn Lệ Chi, một tác phẩm văn học giả tưởng để có thể xuất bản được, ngoài một ý tưởng hay, độc đáo, cần phải có kết cấu mới. Có nhiều tác giả gửi bản thảo đến Chibooks nhưng viết “chưa tới” cũng rất đáng tiếc. Đặc điểm của fanfic đó là sự giả tưởng, sáng tạo ra một thế giới độc đáo, riêng biệt không trùng lập. Để có được điều này, bản thân mỗi tác giả cần đọc thật nhiều để có thể hiểu kỹ về đặc điểm của dòng văn học này, đồng thời kích thích, phát triển trí tưởng tượng. Bên cạnh đó, theo bà Chi, mỗi tác giả cần phải có ý tưởng riêng, thoát ra khỏi sự “kìm kẹp” của những tác phẩm đi trước, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.

Đọc thêm