Hành trình phá đường dây lừa đảo 120 tỷ đồng qua mạng

(PLVN) - Như PLVN đưa tin, mới đây, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an bắt giữ 11 đối tượng trong đường dây lừa đảo quốc tế này. Đặc biệt đường dây tội phạm này được khám phá từ một nạn nhân bị lừa 3,9 tỷ đồng chỉ trong 20 ngày.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa bị Cơ quan Công an Thừa Thiên - Huế bắt giữ

Chiêu trò mượn tiền thực hiện dự án

Các đối tượng bị bắt gồm Ugochukwu Samuel Nnaemeka (tên gọi khác là Richard, SN 1996); Stanley Chidiebere Umed (SN 1991); Nnaka Chibuzor Frankline (SN 1984); Chimezie Ebuka Samuel (SN 1992); Chukwugekwe Godwin Ajearo (SN 1986); Ugochukuwu Okechukwu James (SN 1985); Ogo Emeka  Donal (SN 1985); Ngô Hải Nghi (SN 1996); Vũ Ái Linh (SN 1996); Đào Đăng Vũ (SN 1987) và Phạm Ngọc Duy (SN 1984). Tại thời điểm bị bắt, các đối tượng đang tạm trú tại TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, vào khoảng cuối tháng 4/2020, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được đơn trình báo của bà C.T.N.H (trú TP Huế, Thừa Thiên - Huế) bị một đối tượng lừa đảo qua mạng, chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng.

Theo khai nhận của bà H, qua mạng xã hội facebook bà có kết bạn với một người nước ngoài có tên Frederik Hannes. Sau một thời gian trò chuyện qua lại, người nước ngoài này nói với bà H là đang đầu tư làm ăn một số dự án ở Thái Lan nên đang cần tiền.

Sau đó, đối tượng đặt vấn đề mượn tiền của bà H để triển khai dự án. Tin lời người này, bà H đồng ý cho mượn. Theo cơ quan Công an, trong vòng 20 ngày (từ ngày 25/3 đến 15/4); bà H đã nhiều lần chuyển tổng số tiền hơn 3,9 tỷ đồng vào nhiều tài khoản mà người này cung cấp.

Đại tá Phạm Văn Toàn - Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ kết quả điều tra ban đầu, lực lượng đơn vị xác định có một nhóm đối tượng lừa đảo đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh và nạn nhân có thể ở nhiều địa phương. Trên cơ sở nhận định này, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã xác lập chuyên án đấu tranh và cử tổ công tác vào TP Hồ Chí Minh để xác minh, làm rõ vụ việc.

Sau 15 ngày, tổ công tác đã xác định được chân dung 5 đối tượng có liên quan đến việc lừa đảo của bà H đó là: Ugochukwu Samuel Nnaemeka (Richard), Stanley Chidiebere Umed, Nnaka Chibuzor Frankline, Ngô Hải Nghi, Vũ Ái Linh.

Quá trình điều tra, Công an đã xác định được đối tượng Richard liên lạc, trao đổi và cung cấp tài khoản ngân hàng cho đầu trên là Zion Boss qua ứng dụng Whatssap để nhận tiền của các bị hại lừa đảo tại Việt Nam. Richard sẽ thỏa thuận với đầu trên để ăn chia theo lợi nhuận từ 8-10%. Khi nhận được tiền, các đối tượng Ngô Hải Nghi hoặc Stanley Chidiebere Umed và Vũ Ái Linh sẽ thực hiện hành vi rút tiền. Các đối tượng này sẽ được chia 3-4% số tiền rút, Richard được hưởng 5-6%. 

Từ lời khai của 5 đối tượng nói trên cùng với tài liệu thu thập được, Ban chuyên án xác định và bắt giữ thêm một mắt xích quan trọng trong đường dây này là đối tượng Phạm Ngọc Duy. Đối tượng này chịu trách nhiệm tìm mua các tài khoản ngân hàng rồi bán cho nhóm đối tượng người nước ngoài với giá từ 7-8 triệu đồng. Đồng thời, các đối tượng người nước ngoài này cũng giao lại tài khoản cho Duy để Duy rút tiền cho chúng, mỗi lần Duy rút tiền sẽ được hưởng 2% trên tổng số tiền rút. 

Số tiền các đối tượng rút về do một bị hại chuyển vào tài khoản 

Lộ diện đường dây lừa đảo do người nước ngoài cầm đầu

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế còn bắt giữ thêm 4 đối tượng liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại ở Việt Nam. Trong đó, có thêm 3 đối tượng có quốc tịch Nigeria gồm: Chukwugekwe Godwin, Ajearo Ugochukuwu Okechukwu James (Smile) và Ogo Emeka  Donal (Ameka) và 1 đối tượng Việt Nam là Đào Đăng Vũ.

Quá trình điều tra, Công an đã làm rõ, các đối tượng này không liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà C.T.N.H nhưng lại liên quan đến nhiều vụ án lừa đảo ở các tỉnh, thành phố khác như Thanh Hóa, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Quảng Nam… 

Theo Cơ quan Công an, đối tượng cầm đầu đường dây này là Dalaxy Dave (người Nigieria, hiện ở tại Campuchia) điều hành mọi hoạt động trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Daxaly trực tiếp sử dụng Facebook, Zalo, Whatsapp… để kết bạn với các bị hại người Việt Nam, trò chuyện, làm quen, tạo lòng tin với bị hại, dùng các thủ đoạn như giả danh quân nhân Mỹ gửi tặng quà có giá trị lớn về Việt Nam, rủ đầu tư, góp vốn kinh doanh tại nước ngoài.

Ngoài ra, Dalaxy còn chỉ đạo các đối tượng tại Việt Nam hack các tài khoản facebook, liên hệ mua hàng online rồi gửi các đường link yêu cầu người bán hàng cung cấp mã OTP từ đó lấy trộm tiền trong tải khoản.

Nghiêm trọng hơn, nhóm đối tượng này còn giả danh cán bộ điều tra, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện cho nhiều nạn nhân đe dọa, uy hiếp, khống chế khiến nhiều người lo sợ phải nộp tiền vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp.

Khi người bị hại đã dính “câu” thì Dalaxy gửi số tài khoản ngân hàng để bị hại chuyển vào đó. Sau khi số tiền được chuyển vào tài khoản, Dalaxy chỉ đạo các nhóm đối tượng cấp dưới rút tiền. Các đối tượng cấp 1 này không trực tiếp đi rút và chỉ đạo nhóm các đối tượng cấp dưới nữa của mình đi rút để giao lại cho Dalaxy. 

Đơn cử, đối tượng Chukwugekwe Godwin đã kết bạn, làm quen với chị T.T.O (40 tuổi, trú huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) lừa số tiền 117 triệu đồng; đối tượng Smile giả danh đang ở nước ngoài, muốn gửi quà về làm từ thiện nên đã lừa của chị L.T.K.D (trú quận 7, TP Hồ Chí Minh) 183 triệu đồng; lừa của chị N.T.N (trú huyện Diễn Châu, Nghệ An) 45 triệu đồng…

 Chứng minh nhân dân được các đối tượng làm giả để sử dụng trong việc mở tài khoản ngân hàng

Nhiều thủ đoạn che đậy hành vi phạm tội

Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng khi đi rút tiền do các bị hại gửi vào đều hóa trang rất kỹ như đội mũ bảo hiểm, bịt khẩu trang, đeo kính đen nhằm che giấu thân phận tại camera an ninh các cây ATM và khu vực xung quanh. Mỗi lần rút tiền về các đối tượng giao nộp lại cho đầu trên của mình và được trả công từ 2-10% trong số tiền rút. Để có được số tài khoản ngân hàng cung cấp cho đầu trên, các đối tượng sử dụng giấy CMND giả và sim rác mở nhiều tài khoản ngân hàng hoặc mua lại tài khoản ngân hàng từ các đối tượng khác để nhận tiền lừa đảo.

Bằng thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt, chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỷ đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước. Lực lượng Công an đã phát hiện các đối tượng dùng 53 giấy chứng minh nhân dân giả mở tổng cộng 71 tài khoản ngân hàng với lịch sử giao dịch lên đến 120 tỷ đồng. 

Trong đó, đối tượng Đào Đăng Vũ chuyên làm CMND giả có dán hình ảnh của Vũ để mở nhiều tài khoản ngân hàng, sau đó bán cho đối tượng Phạm Ngọc Duy thông qua đầu mối trung gian là Hứa Văn Cường (hiện chưa xác định được nơi ở). Sau đó Cường bán lại cho Duy với giá từ 3-5 triệu đồng. Tổng cộng Vũ đã bán cho Duy 65 tài khoản ngân hàng và 9 tài khoản đã đăng ký nhưng chưa có thẻ với số tiền 100 triệu đồng. 

Theo Đại tá Đặng Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, công tác xác minh, điều tra và làm rõ đường dây phạm tội của tổ chức này gặp nhiều khó khăn do các đối tượng luôn tìm cách che đậy dấu vết như ẩn địa chỉ IP, hóa trang kỹ càng khi rút tiền, sử dụng giấy tờ giả, sim điện thoại rác, dùng xe máy của người khác, thuê nhà do người khác đứng tên.

Các đối tượng làm giả CMND, mở tài khoản và rút tiền theo sự phân công của tổ chức, hoạt động độc lập, chặt chẽ, có mối liên hệ phức tạp, không biết thông tin, chỗ ở của nhau. Tuy nhiên, Ban chuyên án quyết tâm phải chặt đứt đường dây hoạt động của các đối tượng trên tại Việt Nam. Và với sự phối hợp chặt chẽ với các cục nghiệp vụ, công an các địa phương, trong thời gian ngắn, Công an Thừa Thiên - Huế đã phát hiện và bắt giữ thành công các đối tượng.

Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra, mở rộng chuyên án lừa đảo quốc tế nhằm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Đọc thêm