Hành trình truy tìm kẻ bán bán gỗ “ảo” chiếm đoạt tiền tỉ

Công an Đà Nẵng vừa sơ kết chuyên án thương nhân Trung Quốc bị lừa 3,2 tỉ đồng, ra quyết định khởi tố, bắt khẩn cấp và tạm giam nhiều đối tượng trong đường dây do Lê Bá Toàn (SN 1974, ngụ khu phố 3, phường Thới An, quận 12, TPHCM) cầm đầu. 
Hình minh họa (internet)
Hình minh họa (internet)
Dù biện hộ rằng việc làm của mình chỉ để “trả đũa” và “lấy lại những gì đã mất” vì từng bị thương nhân Trung Quốc lừa tiền, nhưng Toàn vẫn không thể chối được tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức.
Bán gỗ ảo cho thương nhân Trung Quốc
Đầu tháng 10/2013, ông Pu Sheng Yong, người đại diện cho Công ty Shangghai Guoneng Logistics (trụ sở đóng tại Thượng Hải, Trung Quốc) đến Việt Nam tìm nguồn mua gỗ quý. Qua một số người bạn, ông Yong được giới thiệu và cho số điện thoại của một người đàn ông tên Nguyễn Đình Tuấn, Phó giám đốc công ty TNHH May Ái Đông (trụ sở tại ấp Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM). Tuấn “có chân” trong ngành may mặc nhưng lại chuyên môi giới mua bán gỗ tại khu vực biên giới Việt -Lào, thường có nguồn gỗ cẩm lai quý hiếm. 
Qua vài lần trao đổi, ông Yong cùng phiên dịch lên huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kom Tum) để gặp người này và đặt vấn đề cần mua một lượng gỗ lớn. Thỏa thuận xong trong 1 buổi, ông Yong về lại TP. HCM chờ Tuấn báo kết quả. 
Đúng 1 tuần sau, Tuấn cho biết, hiện mình đang có 120m3 gỗ cẩm lai, bán 94 triệu đồng/m3, đang để bên Lào, nếu ông Yong cần xem thì cho người dẫn qua. Xem xét thấy giá thị trường đang là trên 120 triệu đồng/m3, thấy “món hời”, ông Yong nhanh chóng đồng ý. Sau khi sang Lào xem hàng, về lại Việt Nam, ông Yong làm các thủ tục mua bán. 
Lúc này, Tuấn đã soạn sẵn hợp đồng (không có số) với nội dung ông Yong đặt cọc trước cho Tuấn số tiền 200 triệu đồng. Một ngày sau, ông Yong lại nhận được điện thoại của Tuấn cho biết muốn bán thêm một lô gỗ cẩm lai nữa, khối lượng 203m3, hàng có sẵn ở Quảng Trị. Ông Yong không mảy may nghĩ ngợi, tức tốc có mặt tại Quảng Trị để Tuấn dẫn đi xem một lô gỗ tại kho Hà Thành (tại TP. Đông Hà). Tuấn khẳng định “số gỗ này tôi đã mua rồi, nay muốn bán lại”. Tất nhiên Tuấn chào giá khá hời, chỉ có 98 triệu đồng/m3, đồng thời cho ông Yong xem bản sao lý lịch gỗ. 
Kiểm tra, xem xét giấy tờ, Yong thấy tất cả đều có chứng từ đầy đủ nên đồng ý mua lô gỗ trên. Theo yêu cầu của Tuấn, việc ký kết hợp đồng và đặt cọc được thực hiện tại Đà Nẵng. Ngày 30/10/2013, Tuấn soạn sẵn hợp đồng (không số) rồi mang tới khách sạn nơi ông Yong đang ở (tại quận Sơn Trà) thống nhất mua bán số gỗ trên với giá 94 triệu đồng/m3, đặt cọc 3 tỷ đồng. 
Do lúc này ông Yong không có tiền mặt nên đã điện thoại cho bạn của mình ở TP.HCM mượn tạm. Số tiền này được bạn của Yong chuyển vào tài khoản của người phiên dịch qua 1 ngân hàng có chi nhánh Đà Nẵng. Hôm sau, tại ngân hàng này, lúc ông Yong đang ký hợp đồng, cũng đồng thời tiền được chuyển cho Tuấn. Thế nhưng sau khi nhận 3 tỷ đồng tiền cọc, Tuấn cắt đứt mọi liên lạc. Mất nhiều tháng trời, cố gắng chờ đợi, liên lạc nhưng vô ích, ông Yong mới biết mình bị lừa.
: Đối tượng Toàn (Hình PC44 Công an Đà Nẵng cung cấp)
 : Đối tượng Toàn (Hình PC44 Công an Đà Nẵng cung cấp)
Tháng 3/2013, nạn nhân làm đơn tố cáo Tuấn và nhiều đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 3 tỷ đồng. Tiếp nhận thông tin, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC 44, Công an TP. Đà Nẵng) được phân công thụ lý vụ án. Trung tá Nguyễn Giới, cán bộ PC44 nhớ lại, do ông Yong hoàn toàn không rõ lai lịch, tung tích các đối tượng lừa đảo nên công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn. 
Nhiều trinh sát, điều tra viên khi tham gia đều được phân công lần ngược lại thời gian, địa điểm mà Yong đã tiếp xúc, trao đổi việc mua bán với đối tượng để tìm từng manh mối nhỏ. Suốt hàng tháng trời rà soát một loạt các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, nhưng các lực lượng vẫn không tìm thấy người khách nào mang tên Nguyễn Đình Tuấn lưu trú tại đây vào các ngày tiến hành giao dịch. PC44 đề xuất xác lập chuyên án để đấu tranh đồng bộ.
“Trả đũa” vì từng bị thương nhân Trung Quốc quỵt tiền?
Nhiều tổ công tác tiếp tục được cử đi kiểm tra danh sách những người qua lại cửa khẩu Bờ Y (Quảng Trị) vào thời gian này, nhưng cũng không ai có tên như vậy. Trinh sát kiên trì lọc danh sách, tia hi vọng hé mở, khi phát hiện một người tên Mai Văn Phon (SN 1984, ngụ xã Cư Né, huyện Krông Puk, tỉnh Đắk Lắk, nghề nghiệp mua bán gỗ) có điểm trùng hợp đáng chú ý: Phon xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu cùng thời gian với ông Yong. Sau ngày ông Yong bị lừa, không thấy Phon trở về nhà.  
Đến giữa tháng 11/2013, công an xác định Phon có mặt tại TP Buôn Ma Thuột nên lập tức mời về làm việc. Tuy nhiên, trong suốt gần 4 tháng bị tạm giam để điều tra, Phon khai báo quanh co, che giấu tung tích đối tượng tên Tuấn. Mất thêm nhiều thời gian và công sức với Phon, các điều tra viên mới tìm được người giới thiệu vị khách tên Tuấn đến gặp chủ lô gỗ ở Đông Hà có tên Nguyễn Văn Vinh (SN 1976, ngụ phường An Cựu, TP Huế). 
Qua điều tra, Vinh cho biết chỉ quen Tuấn sơ qua, không nắm rõ thân thế, nhưng có 1 chi tiết Vinh nhớ là Tuấn đã đến lưu trú tại một khách sạn trên địa bàn TP. Huế. Căn cứ vào sổ đăng ký lưu trú tại đây, đối tượng Tuấn xuất trình CMND mang tên Lê Bá Toàn (SN 1976, ngụ khu phố 3, phường Thới An, quận 12, TP.HCM). Tiếp tục xác minh, cảnh sát thu được kết quả, Toàn vừa mới lừa bán ngôi nhà đang ở cho nhiều người, sau đó đưa cả gia đình bỏ trốn, vợ con Toàn đang ở một căn hộ tại Đà Lạt, còn Toàn thi thoảng mới ghé tới.
Để tóm được đối tượng, song song quá trình mở rộng xác minh, các trinh sát PC44 được cử thay phiên nhau có mặt ở nhà Toàn để mai phục. Đầu tháng 3/2014, nguồn tin từ đặc tình cho biết Toàn xuất hiện, cảnh sát nhanh chóng có mặt, ập vào bắt đối tượng. 
Toàn cho biết, mục đích của mình khi đó chỉ muốn “trả đũa” về việc từng nhiều lần bị thương lái Trung Quốt quỵt tiền môi giới mua bán gỗ. Toàn khai, sau khi thỏa thuận và biết ông Yong mang quốc tịch Trung Quốc, Toàn liền nhờ Mai Văn Phon (quen biết trong làm ăn) sang Lào tìm nguồn mua gỗ cẩm lai, đồng thời chụp ảnh lô gỗ đem về. 
Khi xác minh đã có nguồn, Toàn liền điện thoại cho Nguyễn Thị Ánh (SN 1968, ngụ TP.HCM) và Trần Thị Ngọc Hương (SN 1966, ngụ Tiền Giang, đều có mối quan hệ làm ăn, buôn bán gỗ lâu nay) liên hệ với phiên dịch ông Yong rồi dẫn lên huyện Ngọc Hồi. Tại đây, Toàn điện cho Đinh Văn Hiện (SN 1974, quê Hải Dương, tạm trú quận Tân Phú, TP.HCM) đem con dấu (do Giám đốc Công ty May Ái Đông cầm cố cho Hiện để lấy 70 triệu đồng) lên để ký hợp đồng bán gỗ, mục đích lừa ông Yong. 
Thấy việc lừa đảo quá dễ dàng, hơn nữa, số tiền lừa chỉ mới được 200 triệu đồng thì quá ít so với “đòn đau” từng gánh nên Toàn nghĩ thêm chiêu moi tiền nhiều hơn để tiêu xài. Toàn điện hỏi xem có lô gỗ nào ở Quảng Trị rồi điện báo ông Yong như nêu trên. Để con mồi “cắn câu”, Toàn còn giả vờ thỏa thuận với chủ lô gỗ trên để mua với giá 125 triệu đồng/m3, đồng thời dặn chủ lô gỗ khi có khách vào xem, đừng nói giá cả mà bảo đã bán cho Toàn rồi. Mọi thủ tục ký kết đều diễn ra tương tự như lần 1. Có được tiền, Toàn chia cho Phon, Hiện và mình, mỗi người 540 triệu đồng, số còn lại được chia đều cho Ánh và Hương.
Từ lời khai của Toàn, cơ quan điều tra tiếp tục bắt Đinh Văn Hiện. Đến nay PC44 đã đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam đối với Lê Bá Toàn, Đinh Văn Hiện và Mai Văn Phon về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng Nguyễn Thị Ánh và Trần Thị Ngọc Hương đã bỏ trốn nên cảnh sát ra quyết định truy nã đặc biệt trên toàn quốc để tiếp tục truy bắt, xử lý./.

Đọc thêm