SheTold - 30 năm thúc đẩy bình đẳng giới

Hành trình từ cô sinh viên nhút nhát đến nhà làm phim tài liệu tài ba

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ những buổi xem phim lưu động cùng mẹ trên bản làng đến giải thưởng danh giá của Liên hoan phim quốc tế Amsterdam, đạo diễn Hà Lệ Diễm đã khẳng định tài năng của mình với bộ phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương".
Đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ tại chương trình "Phụ nữ làm chủ cuộc đời - She Leads Her Life"
Đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ tại chương trình "Phụ nữ làm chủ cuộc đời - She Leads Her Life"

- Xuất phát là sinh viên chuyên ngành Báo Chí tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cơ duyên nào đưa chị đến với công việc Đạo diễn phim và còn là một thể loại phim rất khó là Phim tài liệu?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Từ lúc còn rất nhỏ, mẹ tôi rất thích xem phim, hồi đấy trên làng của tôi chưa TV, thậm chí là chưa có cả điện, chỉ có những buổi chiếu phim lưu động.

Mẹ tôi rất thích xem, nhưng con đường đi rất xa, trời lại tối, cũng khiến mẹ sợ. Vì vậy, mẹ thường rủ tôi đi xem cùng.

Những buổi chiếu phim đó đã mang đến một không khí, một cảm giác rất sống động cho những người người dân ở làng quê tôi.

Một bộ phim ngắn chỉ khoảng 30 - 40 phút nhưng lại khiến cảm xúc của khán giả thay đổi rất nhanh, vừa khóc đã chuyển sang vừa cười. Đến khi kết thúc, mọi người tiếp tục bàn tán về bộ phim, từ đó tôi đã có ấn tượng về điện ảnh.

Năm 17 tuổi, tôi phải chọn trường đại học, bố mẹ gợi ý cho tôi nghề giáo viên bởi công việc này dễ dàng hơn và đỡ vất vả, lại có thể ở gần bố mẹ.

Khi đấy, tôi rất thích Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, nhưng bản thân tôi cũng nhận ra chi phí học ở đây rất đắt đỏ. Vì vậy, tôi đã quyết định học ngành Báo Chí tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Tôi cảm thấy ngành này cũng phù hợp với ước mơ và nếu làm báo cũng có thể đi rất nhiều nơi.

Sau đấy, tôi âm thầm nộp đơn và không nói cho bố mẹ. Đến khi có giấy báo về nhà thì bố mẹ cũng mới biết và lúc này thì không thay đổi được nữa.

Từ lúc 17, 18 tuổi, tôi nghĩ rằng cuộc đời của mình là do mình quyết định, mình không hỏi bố mẹ nhiều và tự mình sẽ quyết định.

Tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tôi may mắn được các bạn ở trong lớp giới thiệu cho một khóa học làm phim tài liệu miễn phí.

Lúc mới xuống nhập học, tôi rất nhát, trong ba tháng đầu tiên, tôi không dám đi sang đường, chưa bao giờ trong cuộc đời tôi nhìn thấy nhiều xe máy và nhiều ô tô như thế. Thậm chí, có 2 bạn học cùng lớp kèm 2 bên dắt sang đường thì tôi cũng vẫn rất sợ.

Thời gian này, hầu như tôi không nói chuyện với ai, tức là chỉ đi học, về ngồi đóng cửa, chỉ đi ra tiệm sách cũ gần ký túc xá để mua sách đọc. Các bạn trong lớp khuyên tôi phải học nhiều hơn nữa.

Sau này, tôi mới dám lấy hết sự can đảm và đi một chuyến xe buýt từ trường lên Hồ Gươm.

Trên đó, tôi đăng ký học khóa học làm phim tài liệu miễn phí, từ đấy tôi mới phát hiện ra tôi thích điện ảnh và tôi nhận ra rằng phim tài liệu nó mở ra cho mình sự tự do, mình có thể quay và kể bất cứ câu chuyện nào mình muốn.

Kể những câu chuyện rất là đời thường trong xã hội. Phim tài liệu mang lại cho tôi sự tự do.

Khi bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” chiếu, tôi rất vui bởi các bạn trẻ rất thích và thậm chí các bạn ấy còn nói với bố mẹ là con muốn bố mẹ cùng con đi xem phim này, tạo ra sự giao lưu giữa các thế hệ trong gia đình.

- Với sự thành công của chị, với sự thành công của “Những đứa trẻ trong sương”, phim tài liệu Việt Nam có đang đến gần với công chúng và tiệm cận với tiêu chuẩn của thế giới hay không?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Những bộ phim tài liệu ở trên thế giới mặc dù là ít hơn, tức là những người làm phim độc lập thì luôn có khoảng không gian ít hơn những người làm phim khác, như làm phim thương mại.

Nhưng ở Việt Nam, bắt đầu từ bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã đặt nền móng đầu tiên cho những bộ phim tài liệu được chiếu rạp ở Việt Nam.

Sau đó, nhiều bộ phim tài liệu khác được ra đời, mang lại những câu chuyện rất gần gũi với cuộc sống đến cho mọi người. Mọi người đều cảm thấy bản thân mình có một chút gì ở trong bộ phim.

Đồng thời, nhờ sự thành công của “Những đứa trẻ trong sương”, trong một vài năm nay, nhận được sự hỗ trợ của nhiều cá nhân, tổ chức, bọn tôi đã tổ chức được một khóa học về phim tài liệu miễn phí ở Hà Nội.

Nhờ những thành công đó, tôi cũng có được cơ hội để để tiếp nối các nhà đầu tư Việt Nam, mở ra rất nhiều cơ hội phát triển cho tất cả mọi người.

- Từ bộ phim đầu tay “Con đi trường học” tới bộ phim thành công nhất của chị trong thời điểm hiện tại “Những đứa trẻ trong sương”, chị đều lựa chọn chủ đề Phụ nữ và trẻ em. Vậy có lý do gì đặc biệt khiến chị lựa chọn đề tài này không?

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Bản thân tôi rất thích kể những câu chuyện về phụ nữ và trẻ em. Tôi thấy họ có rất nhiều năng lượng, rất thích chia sẻ, thậm chí, họ rất tò mò về điện ảnh. Vì vậy, tôi rất thích làm việc cùng họ.

Việc làm phim của mình không phải làm phim về người đấy, về nghề đấy mà là mình làm phim cùng với nhân vật đấy. Mình cảm thấy những nhân vật phụ nữ và trẻ em sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho mình, họ thích được chia sẻ, được lắng nghe, được chơi, không giống như đàn ông.

Về những người đàn ông, tôi cảm nhận rằng họ thường phải tỏ ra mạnh mẽ, cứng đầu, làm chủ, bao quát,... Họ không có thói quen chia sẻ. Vì vậy, tôi cảm thấy rất khó để trong thời gian ngắn để hiểu được họ, họ có một tham vọng, tầm nhìn xa.

Có rất nhiều nhà làm phim làm phim về người đàn ông rất hay, còn với tôi, hiện tại, tôi thích được làm phim với phụ nữ và trẻ em.

- Trong quá trình làm phim “Những đứa trẻ trong sương”, điều gì khiến chị ấn tượng nhất và nhớ nhất?

Trong quá trình làm phim “Những đứa trẻ trong sương”, ấn tượng nhất là khi tôi đi lên Sapa. Trên đó, tôi rất ấn tượng về cách mà mọi người sinh sống. Đối với mình, đó là một vùng đất khắc nghiệt về mặt thời tiết, nhưng mọi người có một cái lì lợm, cứng đầu, cách họ nói về bản thân rất tự tin và cá tính.

Trong quá trình làm, tôi được đưa đi khắp nơi, từ đám ma, đám cưới, đám hỏi. Trong đó có một sự kiện vô cùng khác biệt về mặt văn hóa, ở cộng đồng của tôi, đám ma thì mọi người rất buồn, thương tiếc, nhưng đám ma tôi đi ở đây rất khác, mọi người nói chuyện cười, đùa, ở trong nhà thì vẫn khóc một chút, sau đó ra uống rượu với mọi người rất vui. Thậm chí, trẻ con còn rất thích đi vì chúng được ăn uống thỏa thích và còn được thử uống rượu.

Hôm đó, tôi quyết định không mang máy quay, nhưng khi đến nơi cô chủ nhà lại hỏi mình rằng sao không mang máy đến. Sau đó, chị kéo mình ra và chụp ảnh Selfish mình cùng cái quan tài.

Chính vì sự khác biệt văn hóa như vậy, tôi cảm thấy tất cả mọi người đều có sự tò mò, tò mò cô làm phim sẽ quay cái gì, họ muốn được cô ấy quay những đồ vật của mình, họ rất hào hứng và đấy là điều khiến mình cảm thấy mình yêu mến hơn vùng đất Sapa.

- Chị có thể gửi một thông điệp đến các bạn trẻ để các bạn có thêm động lực, niềm tin, quyết định với hành trình phía trước.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm: Bản thân tôi có 2 câu luôn chạy trong đầu.

Một là: Khó quá thì bỏ qua.

Hai là: Biết bản thân mình là ai là điều quan trọng, nhưng biết bản thân mình muốn trở thành ai trong tương lai thì còn quan trọng hơn. Biết mình muốn trở thành một người thế nào trong tương lai sẽ giúp mình đến với rất nhiều hành động khác nhau, nhiều cuộc gặp gỡ khác nhau và nhiều cơ hội khác nhau.

- Xin cám ơn chị!

Bài viết được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với Báo Pháp luật Việt Nam nhằm thảo luận thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế giới về quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ 4 năm 1995.