Trả lời báo chí, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô đánh giá, việc các đối tượng tấn công vào hệ thống đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code (luồng xanh) của Tổng cục Đường bộ là hành vi rất nghiêm trọng.
Trong ngày 26/7, hệ thống đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code ghi nhận bị tấn công với tần suất trung bình 500 request/giây khiến hệ thống thường xuyên bị treo, gián đoạn. Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Thông tin và Truyền thông vào cuộc truy tìm ngăn chặn việc tấn công này.
Trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm cấp bách, hệ thống dữ liệu “luồng xanh” đặc biệt quan trọng, đóng vai trò phục vụ kinh tế - xã hội. Thạc sỹ, Luật sư (LS) Nguyễn Đức Hùng (PGĐ Cty Luật TNHH TGS - Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, việc các đối tượng thực hiện hành vi tấn công gây cản trở, khó khăn trực tiếp cho công tác phòng chống dịch COVID-19 của Nhà nước hiện nay.
Hệ quả của hành vi này là nhiều xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu như thức ăn, nước uống, đồ dùng sinh hoạt… cho các địa điểm đang có dịch bệnh không thể kịp thời, gây tình trạng khan hiếm, không đảm bảo được cuộc sống hằng ngày cũng như sức khỏe người dân để phòng chống dịch bệnh.
Nguy hiểm hơn, các xe chở các thiết bị hỗ trợ chống dịch như máy thở, khẩu trang y tế… mà không đến kịp thời do không có giấy phép thông hành có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Do đó, cơ quan điều tra cần sớm vào cuộc phát hiện xử lý các đối tượng có hành vi xâm phạm nghiêm trọng vào hệ thống an ninh quốc gia; giúp hệ thống không bị gián đoạn; để công tác phòng chống dịch bệnh được diễn ra suôn sẻ.
Theo LS Hùng, hành vi đã xâm phạm nghiêm trọng vào hệ thống an ninh quốc gia, mang dấu hiệu quy định tại Điều 19 Luật An ninh mạng 2018. Cụ thể là hành vi gây cản trở, rối loạn, làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, ngăn chặn trái phép việc truyền đưa dữ liệu của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử (điểm b, khoản 1 Điều 19).
Tùy theo tính chất, động cơ và mức độ gây thiệt hại từ cuộc tấn công, thủ phạm có thể bị xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
Về xử lý vi phạm hành chính, theo khoản 2 Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì với một trong các hành vi: i) truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; ii) Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; iii) Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; iv) Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép hoặc v) Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng, đối tượng thực hiện là cá nhân bị xử phạt từ 30 – 50 triệu đồng. Mức phạt trên gấp 2 lần nếu đối tượng thực hiện là tổ chức.
Về hình sự, hành vi tấn công mạng trên có dấu hiệu của tội “Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” theo Điều 287 Bộ luật Hình sự. Tùy theo số tiền thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại mà người vi phạm có thể phải chịu mức phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm; phạt tiền từ 30 – 200 triệu đồng…
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"