Hành vi tham nhũng bị phạt tù trên 15 năm được xếp vào mức đặc biệt nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý vừa được ban hành tại Nghị định số 134/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vụ Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo (Ảnh minh họa)
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vụ Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo (Ảnh minh họa)

Trước đó, về mức độ của vụ việc tham nhũng, tại điểm d khoản 2 Điều 76 Nghị định 59/2019/NĐ-CP xác định vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 05 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nhưng tại Nghị định 134/2021/NĐ-CP đã sửa đổi lại quy định này như sau: Vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Đáng chú ý, tại Phần B Phụ lục Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi ban hành kèm theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định một trong những vị trí trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc phải thực hiện chuyển đổi công tác định kỳ đã không có vị trí công tác trong việc thực hiện “cho thuê đất, giao đất” hay “Quản lý động vật thuộc danh mục quý hiếm”.

Nay Nghị định 134/2021/NĐ-CP đã sửa đổi lại đầy đủ hơn như sau: những vị trí trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường phải thực hiện chuyển đổi công tác định kỳ gồm: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất, giao đất, quyền sở hữu, sử dụng tài sản gắn liền với đất; trong khi ở lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định thêm vị trí công tác thực hiện việc quản lý động vật thuộc danh mục quý hiếm.

Ngoài ra, Nghị định mới của Chính phủ cũng đã sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP theo hướng đầy đủ và chặt chẽ hơn. Theo đó, trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có căn cứ được quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý người có chức vụ, quyền hạn quyết định đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn;

Nghị định mới cũng quy định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; Nghị định cũng yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người có chức vụ, quyền hạn không có hành vi tham nhũng thì người đã ra quyết định phải hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn.

Đối với việc khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng, Nghị định 134/2021/NĐ-CP quy định: người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật trong việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.

Đọc thêm