“Happy New Year”, khúc ca của tuyệt vọng và hân hoan

(PLVN) - Khi thời khắc giao thời của năm mới đang đến, cũng là lúc ca khúc “Happy New Year”, ca khúc kinh điển của thế giới vang lên. Đó cũng là khi lòng người lắng lại trong cảm giác nao nao, chờ đón một mùa xuân mới, một năm mới của cuộc đời mình.
Ban nhạc ABBA thể hiện bài “Happy New Year” vào những năm 1980.
Ban nhạc ABBA thể hiện bài “Happy New Year” vào những năm 1980.

Là một ca khúc đón mừng năm mới, thế nhưng “Happy New Year” của ABBA, ban nhạc Thụy Điển lẫy lừng lại không phải là một khúc hát náo nhiệt, vui tươi, rộn ràng. Trái lại, khúc ca ấy có cái gí đó trầm lắng, lặng lẽ, lưu luyến. Có cả âm điệu buồn buồn, dịu dịu bên cạnh niềm vui của một sự khởi đầu. Ấy thế mà, hàng bao thập niên qua, đó vẫn là giai điệu không thể nào thay thế vào mỗi dịp đón năm mới của người dân toàn thế giới.

“Happy New Year” không chỉ là một ca khúc hay. Nếu chỉ đơn thuần là hay, nó đã không sống trong trái tim của bao thế hệ qua bao thập kỉ như thế. Nỗi buồn và niềm vui ẩn chứa trong “Happy New Year”, đó là buồn vui của nhân loại, của thời đại.

Ca khúc ra đời năm 1979, đánh dấu sự chia ly của chính những người sáng tác ra nó. Nhưng lớn lao hơn, là sự chia ly, tan vỡ, chết chóc của cả một thời đại. Thập niên 70 được coi là một thập niên diễn ra nhiều nỗi kinh hoàng và mất mát. Năm 1973, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói, thất nghiệp. Cuối năm 1979 là giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Đây cũng là giai đoạn diễn ra các cuộc chiến tranh, nội chiến tang thương như cuộc đảo chính đẫm máu của Pinochet, những cuộc diệt chủng kinh hoàng của Suharto ở Đông Timor, Mengistu ở Ethiopia, của Pol Pot ở Campuchia… Cạnh đó là sự gia tăng bạo lực ở Trung Đông khi Ai Cập và Syria tuyên chiến với Isreal, nhóm khủng bố Tháng Chín Đen tổ chức bắt cóc và giết hại 10 vận động viên Israel vào Olympic mùa hè 1972 tại Munich, Đức và hàng loạt vụ đánh bom khủng bố, khủng bố máy bay… đẫm máu khác.

Thập niên 70, nhân loại cũng phải chứng kiến hàng loạt những thiên tai khiến nhiều người chết và mất tích như cơn bão Bhola tấn công Đông Pakistan và bang Tây Bengal của Ấn Độ khiến hơn 500.000 người tử vong, trận động đất tại Đường Sơn, Trung Quốc đã làm 242.769 người thiệt mạng và 164.851 người bị thương.

Đó là một thập niên đầy bão tố và bài hát ra đời ở ngưỡng cửa của một thập niên mới. Những người sáng tác bài hát, như bao thanh niên khác của thời đại, khi ấy mang trong lòng cả những tổn thương, đau đớn, đổ vỡ và hoang mang lẫn niềm hy vọng, mong mỏi một tương lai tươi sáng. 

Vì thế mà, âm hưởng của thời đại tràn ngập trong từng giai điệu lẫn lời hát. Đó là khi con người đứng giữa đổ vỡ của thế giới và cảm thấy lòng mình hoang tàn:

“Bây giờ tôi cảm thấy rằng mọi giấc mơ ta từng có ngày nào đều đã chết/Chẳng còn gì ngoài xác hoa giấy trên sàn/Một thập niên vừa chấm dứt, nào ai biết một thập niên tới đây điều gì sẽ đến/Điều gì đang đợi chúng ta vào cuối năm tám mươi chín…”.

Nhưng nếu chỉ có đau thương và tuyệt vọng, hẳn “Happy New Year” đã không trở thành ca khúc đại diện cho sự khởi đầu. Điều đẹp đẽ nhất mà thượng đế ban tặng cho con người chính là niềm hy vọng. Hy vọng là hoa trên đá, là mầm cây giữa mảnh đất cỗi cằn, là thần dược nuôi nấng tâm hồn con người vượt mọi khổ đau.

“Chúc mừng năm mới, chúc mừng năm mới/Cầu chúc cho chúng ta rồi một ngày nào đó sẽ thấy được một thế giới nơi mọi người đều là bạn bè/Chúc mừng năm mới, chúc mừng năm mới/Cầu chúc cho chúng ta đều có hy vọng và can đảm để chấp nhận thử thách/Vì nếu không chúng ta có lẽ nên nằm xuống và chết/Tôi và bạn”.

Chúng ta đã có những thập kỉ bình yên và hạnh phúc. Chúng ta đã đón nhận năm mới, cũng như lắng nghe ca khúc “Happy New Year” ấy ở tâm thế vui vẻ và hân hoan. Nhưng rồi những biến cố của năm 2020 ập đến. Đại dịch toàn cầu khiến hàng loạt người chết, khiến bao quốc gia điêu đứng, bao gia đình tan nát, bao người thất nghiệp. Đến nay, cả thế giới vẫn căng mình chống chọi. Rồi, những vụ khủng bố, những cuộc đốt đền và hủy hoại di sản, những vụ rơi máy bay kinh hoàng...

Việt Nam cũng thế, vừa gồng mình chống dịch, lại chống cả bão lớn, lũ dữ, hạn mặn… Có thể nói, sau năm 2020, thế giới sẽ chẳng bao giờ còn như trước, những thay đổi to lớn và khủng khiếp đã diễn ra, tác động trực tiếp hay gián tiếp đến mỗi quốc gia, mỗi phận người.

2020 cũng là năm kết thúc của một thập kỉ. Một thập kỉ ghi nhận nhiều bước tiến vượt bậc của nhân loại với những thành tựu về kinh tế, văn hóa và khoa học kĩ thuật khiến con người được kéo gần hoặc bị đẩy xa nhau hơn. Một thập kỉ đầy hạnh phúc nhưng cũng biến động đến không ngờ. Giờ đây, nhân loại đang hy vọng vào một thập kỉ mới, tươi sáng hơn, để hàn gắn và chữa lành.

Với mùa xuân 2021, bài hát “Happy New Year” dường như càng thấm thía hơn bao giờ hết. Bởi giờ đây, nhân loại đã “cảm” được một cách sâu sắc sự day dứt, đổ vỡ và tuyệt vọng. Cũng rung động tự đáy lòng với niềm mong mỏi và hân hoan vào tương lai của thế giới trong ca khúc ấy.

Giao thừa năm nay của chúng ta, “Happy New Year” vẫn vang lên ở thời khắc chuyển giao. Lòng người vẫn cứ nôn nao, xuyến xao như lần đầu được nghe thấy ca khúc ấy, lần đầu được đón một mùa xuân mới. Một năm đã qua, một thập kỉ đầy biến động cũng đã qua. Nỗi đau vẫn còn đó, nhưng mỗi người đều phải học cách chấp nhận, chữa lành tổn thương của chính mình, cùng nhau hàn gắn thương tổn của thế giới.

Những biến cố, mất mát, đau đớn cũng đáng trân trọng như niềm vui, hạnh phúc hay thành tựu. Bởi biến cố đã dạy cho con người ta bài học để trưởng thành. Và trong cuộc đời, nỗi buồn cũng đẹp, cũng cần phải có như niềm vui. Như thông điệp mà “Happy New Year” ABBA đã đem đến cho nhân loại.