Hậu COVID-19, gỡ bỏ những ám ảnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân COVID-19 vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh gây ra do dịch bệnh dù đã hồi phục về sức khỏe thể chất, rất cần được giúp đỡ.
Đại dich COVID-19 đã gây ra nhiều tổn thương tinh thần.
Đại dich COVID-19 đã gây ra nhiều tổn thương tinh thần.

Không thể thiếu trung tâm điều trị tâm lý

Cuối tháng 9/2021, TP HCM có thêm một trung tâm trị liệu tâm lý cho bệnh nhân sau nhiễm COVID-19. Trung tâm đặt tại số 145 đường Lê Văn Thịnh, phường Bình Trưng Đông (đối diện cổng trước Bệnh viện Lê Văn Thịnh) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24/9.

Trung tâm có 3 khu bao gồm chạy thận nhân tạo, điều trị tâm lý, điều trị vật lý trị liệu và ứng dụng công nghệ cao trong y tế giúp người bệnh nhanh phục hồi.

Trung tâm được thành lập với mong muốn “chữa lành” vết thương về cả tinh thần và thể xác cho bệnh nhân sau khi mắc COVID-19, dựa trên một thực tế là những người già và người bệnh nặng có thời gian nằm điều trị lâu, phải thở máy sẽ có những tổn thương phổi, hô hấp, xơ phổi, teo cơ do hạn chế vận động dễ dẫn đến tàn tật.

Đồng thời, ở khía cạnh tâm lý, sau khi khỏi bệnh, nhiều người sẽ đối mặt với rối loạn tâm lý, trầm cảm, lo âu... do các tác động từ COVID-19 gây ra.

Thực tế, sau khi khỏi bệnh, đã có không ít bệnh nhân rơi vào nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi như liệu COVID-19 có để lại di chứng nghiêm trọng cho sức khỏe hay không, rồi nỗi ám ảnh trong những ngày điều trị, vật lộn với cái chết và nỗi băn khoăn về tương lai, những vấn đề khó khăn tài chính, công việc...

Chị N.T.L, một bệnh nhân của trung tâm cho biết, chị đến khám vì sau khi khỏi bệnh đã hơn 2 tháng nhưng chị vẫn cảm thấy tức ngực, khó thở, đêm trằn trọc khó ngủ và cứ có cảm giác miệng mình đang... có máy thở.

Tương tự, anh T.V.L., 43 tuổi cho biết, anh tìm đến trung tâm để khám vì bị tim đập nhanh, suy kiệt về sức khỏe tâm lý. Anh bị rối loạn giấc ngủ và luôn có cảm giác mình có nguy cơ mắc bệnh trở lại.

Có hàng ngàn bệnh nhân đang chịu đựng những di chứng như vậy sau khi nhiễm COVID-19. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 30% bệnh nhân hậu COVID-19 cần vào viện. Nhiều người dù có xét nghiệm âm tính nhưng chưa thực sự hồi phục về thể chất, nhiều người còn rơi vào trầm cảm, căng thẳng, đặc biệt là những F0 từng nguy kịch, phải thở máy vẫn còn di chứng phổi.

Khảo sát nhanh tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM cho thấy, 67% bệnh nhân rất mong được hỗ trợ tâm lý suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện.

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Nạn nhân của COVID-19 còn có thân nhân những người đã mất, những người bị tác động trực tiếp và gián tiếp bởi đại dịch, các bác sĩ, chuyên gia y tế nơi tuyến đầu...

Đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày mẹ ruột ra đi vì COVID-19, chị L.V.A., ngụ quận 10, TP HCM vẫn chưa một ngày nào thoát khỏi nỗi ám ảnh. Chị và mẹ sống chung với nhau, cùng mắc COVID-19 vào thời điểm cuối tháng 7/2021. Do sức đề kháng tốt nên chị A. bị những triệu chứng nhẹ, còn mẹ chị phải nhập viện để điều trị. Chỉ 10 ngày sau khi mẹ có những triệu chứng tăng nặng và nhập viện, chị A. nhận được tin mẹ qua đời.

“Từ đó đến nay, không đêm nào tôi được ngủ ngon giấc. Bao nhiêu sợ hãi, đau khổ và nuối tiếc cứ luôn ập đến. Trước mắt tôi lúc nào cũng hiện ra hình ảnh mẹ mình bị khó thở, mệt mỏi khi nhiễm bệnh, rồi tưởng tượng ra cảnh mẹ cắm ống thở, vật lộn với cái chết trong bệnh viện. Tôi đã phải điều trị trầm cảm gần một tháng nay”, chị A. bày tỏ.

Con số người chết của TP HCM do đại dịch thời gian qua là không nhỏ. Nhưng nỗi đau không chỉ dừng lại ở người đã khuất. Đằng sau mỗi một ca tử vong ấy, có biết bao nỗi đau của người thân, gia đình. Biết bao người vì cái chết của người thân mà rơi vào sang chấn. Có những trường hợp, một gia đình mất đi 2, 3 người thân, có cả trường hợp một gia đình chỉ còn duy nhất một người sống sót. Thật khó có thể hình dung hết nỗi đau đớn và ám ảnh của người ở lại lớn thế nào…

Khai trương Trung tâm trị liệu tâm lý cho bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 tại số 145 đường Lê Văn Thịnh.

Khai trương Trung tâm trị liệu tâm lý cho bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 tại số 145 đường Lê Văn Thịnh.

Để chữa lành những nỗi đau

TP HCM đã tháo dỡ những quy định giãn cách, đời sống dần trở lại bình thường. Thế nhưng, một bộ phận người dân dường như vẫn chưa thích nghi được. Có người vẫn kiên quyết coi ngôi nhà là một “pháo đài”, có người thậm chí chấp nhận cho con trẻ nghỉ học một năm để hạn chế tiếp xúc với nguy hiểm từ COVID-19. Có người thú nhận mình bị “hội chứng sợ đám đông” sau khi không ra khỏi nhà suốt 5 tháng trời. Đồng thời, vì bị ám ảnh, họ “nhìn đâu cũng thấy COVID-19”.

Theo bác sĩ Trịnh Thị Bích Huyền - bác sĩ chuyên ngành Tâm thần, tình trạng phong tỏa kéo dài, có những khu vực phong tỏa hai, ba tháng, người dân trong tình trạng cách ly, chỉ ở trong nhà một mình, không có giao tiếp với bên ngoài, dẫn đến tình trạng cô lập về xã hội, căn nguyên dẫn tới trầm cảm, lo âu.

Cạnh đó, cũng cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề tâm lý của đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu. Họ chấp nhận xa gia đình vào vùng tâm dịch, làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nắng, nóng, không có điều hòa, mặc những bộ quần áo phòng dịch trong nhiều giờ, trực tiếp cứu chữa và chứng kiến một số lượng lớn bệnh nhân nặng và cả đồng nghiệp ra đi trong khi mình bất lực không làm được gì cho người bệnh.

Có nhiều trường hợp y, bác sĩ ra đi nhận nhiệm vụ trong vùng tâm dịch, người thân qua đời mà không được ở bên. Tất cả điều đó khiến họ có thể rơi vào sang chấn tâm lý, trầm cảm như bất cứ người bình thường nào.

Tại lễ kỷ niệm Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới mới đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng chia sẻ rằng mọi người trải qua nỗi sợ hãi, lo lắng, căng thẳng trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 là điều bình thường và dễ hiểu. Nguyên do là nỗi sợ nhiễm virus trong một đại dịch COVID-19, những thay đổi đáng kể đối với cuộc sống hằng ngày của chúng ta khi bị hạn chế đi lại, giãn cách xã hội. Đó là thực tế mới của làm việc tại nhà, tình trạng thất nghiệp tạm thời, con cái học ở nhà và thiếu tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Đến nay, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP HCM đã thành lập các khoa hồi sức và phục hồi cho bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19. Có thể kể đến Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3, Bệnh viện Lê Văn Thịnh… Mỗi ngày, các bệnh viện tiếp nhận hàng trăm người đến khám, điều trị sau khi khỏi COVID-19.

Có mặt tại Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3, chị Tr.T.T. cho biết, chị nhiều lần đưa chồng đến khám vì từ sau khi mắc COVID-19 và đã có những lúc tưởng chừng như phải từ giã cõi đời, khi xuất viện trở về anh dường như trở thành một con người khác. Anh chán ăn, ít ngủ, chưa thể làm việc trở lại và ít nói hẳn, không muốn kết nối với vợ con.

Chị chia sẻ: “Sau khi tham gia điều trị, anh đã gỡ bỏ dần những dấu hiệu “lạ” nên tôi và con rất mừng. Những người tôi quen biết cũng có không ít gia đình có người rơi vào rối loạn tâm lý do COVID-19 như vậy, tôi cũng giới thiệu họ đến bệnh viện khám. Tôi nghĩ số người bị tổn thương về tâm lý sau dịch là không nhỏ, vì vậy rất cần nhiều trung tâm, cơ sở hỗ trợ như thế này thì bệnh nhân mới sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường được”.

Hiện Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam cũng kêu gọi và tập hợp hội viên, tình nguyện viên tham gia Chương trình Hỗ trợ tâm lý xã hội khẩn cấp (PSFA – Psycho Social First Aid). Chương trình hoạt động trên tinh thần thiện nguyện với sự tham gia của khoảng 250 tình nguyện viên. Họ được tập huấn về các kiến thức và kỹ năng hỗ trợ khủng hoảng tâm lý - xã hội trong đại dịch COVID-19, các kiến thức cơ bản liên quan đến COVID-19, về hỗ trợ, tham vấn, can thiệp tâm lý trực tuyến, về nguyên tắc, quy định, quy trình hỗ trợ...

Cuộc sống đang dần trở lại bình thường nhưng những vết thương do đại dịch vẫn ẩn sâu trong mọi ngóc ngách của đời sống. Và không chỉ cần đến những trung tâm, bệnh viện hỗ trợ người dân mà còn cần đến cả nhiều phương hướng, chính sách hợp lý, đúng đắn ở quy mô lớn để giải quyết những chấn thương tâm lý cho cả xã hội.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm