TP HCM Thùy Liên, 25 tuổi, được người thân đưa đến Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược trong tình trạng liên tục gào khóc, cào cấu khắp người, muốn tự sát.
Liên sống cùng người yêu tại quận 10, TP HCM, đã dự định kết hôn nhưng phải hoãn lại nhiều lần do Covid-19 diễn biến phức tạp. Giãn cách xã hội dài ngày đã khiến công việc của cô gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm, đồng thời phát sinh mâu thuẫn khó hàn gắn với chồng sắp cưới trong bối cảnh phải ở trong nhà quá lâu. Lâu dần, cô không làm chủ được cảm xúc, thường xuyên gào khóc, thậm chí muốn cắt, rạch tay chân để tự sát.
Tiếp nhận thông tin, bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Hiếu Minh (Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) căn cứ vào nguyên nhân và dạng rối loạn của bệnh nhân để cho thuốc, trị liệu tâm lý. "Khó khăn về kinh tế, quan hệ tình cảm đổ vỡ khiến cô ấy bị sang chấn tâm lý, căng thẳng. Nguyên nhân một phần do tác động từ đại dịch", bác sĩ Minh nói.
Thuỳ Liên là một trong những người tìm đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM khám tâm lý trong những ngày gần đây. Lúc trước, một buổi có khoảng 5 bệnh nhân thì hiện nay số người đến khám tăng lên 10, một số đăng ký trễ phải về, chờ hôm sau quay lại. 95% trong số họ ở tuổi 25-50.
Theo bác sĩ Minh, có 3 nhóm bệnh nhân đến khám sau giãn cách xã hội. Nhóm một là người từng có vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần đã điều trị khỏi, hiện tái phát do ảnh hưởng của Covid-19. Nhóm hai là bệnh nhân mới, bị căng thẳng bởi các yếu tố kinh tế xã hội tác động từ đại dịch như phá sản, thất nghiệp, bế tắc trong cuộc sống... Nhóm ba có người thân là F0, hoặc bản thân là F0, chịu nhiều đau thương mất mát sau đại dịch...
"Vấn đề đa số bệnh nhân gặp phải là rối loạn lo âu. Hội chứng này tác động nặng nề lên cả cơ thể lẫn tinh thần", bác sĩ Minh cho biết. Về mặt cơ thể, người bệnh sẽ bị hồi hộp, tim đập nhanh, đau dạ dày, mệt mỏi... Về tinh thần, bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, tình trạng này chiếm 50% số ca đến khám. "Nhiều người có biểu hiện tự hủy hoại bản thân (self-harm), muốn cắt tay cắt chân, có ý định tự sát sau thời gian ở nhà quá lâu", bác sĩ Minh chia sẻ.
Một bệnh nhân đến gặp bác sĩ Lâm Minh Hiếu để điều trị vấn đề tâm lý, chiều 26/10. Ảnh. Trí Minh
Lượng bệnh nhân tìm đến Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E Hà Nội, cũng tăng đáng kể từ nửa tháng nay. Trong đó, Nguyễn Hoa (18 tuổi) có hành vi tự hủy hoại bản thân, được gia đình đưa đến khám trong tình trạng mệt mỏi, đau bụng, ít nói, ngại tiếp xúc với người lạ.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung (Khoa Sức khỏe Tâm thần) cho biết, ban đầu cô gái bị đau bụng kéo dài, đã xét nghiệm, nội soi nhưng không tìm ra bệnh. Về sau, bác sĩ phát hiện Hoa có biểu hiện trầm cảm nặng, đã dùng dao dọc giấy rạch lên cơ thể, mỗi vết dài 2-3 cm nhưng gia đình không hay. Hiện, dưới hai cánh tay cô có khoảng 30 vết cắt chằng chịt. Chưa kể, trong thời gian nằm viện, bệnh nhân có ý định tự sát.
Tìm hiểu từ gia đình, bạn bè của cô, bác sĩ Chung được biết, Hoa học giỏi nhiều năm liền nhưng sống tách biệt với gia đình, thu mình, ít bạn bè, tâm trạng luôn nặng nề với áp lực thành tích. Gần 3 tháng ở trong phòng không trò chuyện cùng ai khiến nữ sinh ngày càng bí bách và u uất, dẫn đến hành vị tự hủy hoại bản thân.
"Sau mỗi lần làm tổn hại mình, bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn, nên có xu hướng tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế", bác sĩ Chung nói. Phương pháp điều trị cho Hoa là thuốc kết hợp tư vấn tâm lý.
Ngoài lo lắng và căng thẳng, đa số các bệnh nhân Khoa Sức khỏe Tâm thần tiếp nhận có tư tưởng chống đối, bất cần, bỏ ăn, rối loạn giấc ngủ... Nhóm bệnh này thường là nữ, tuổi từ 12 đến 20, gia đình khá giả nhưng bố mẹ ít quan tâm. Các bác sĩ cho rằng, những sang chấn tâm lý, căng thẳng này nếu kéo dài có thể gây hậu quả khác lên thần kinh, tim mạch, tiêu hóa và cả cảm xúc, hành vi cá nhân.
"Người bệnh giảm khả năng tự chăm sóc bản thân, suy nghĩ hoặc hành vi tiêu cực, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người khác", bác sĩ Chung phân tích. Do đó, các thành viên trong gia đình cần quan tâm đến người bệnh nhiều hơn. Với người có xu hướng rối loạn tâm lý cần đưa đi gặp bác sĩ. Ngoài ra, người dân có thể dùng liệu pháp ngâm chân nước nóng trước khi ngủ, tập thiền, yoga, sinh hoạt và ngủ nghỉ một cách khoa học...
Hiện có nhiều chương trình tư vấn miễn phí về tâm lý qua hình thức trực tuyến, nếu thấy người thân có biểu hiện bất thường nhưng ngại đưa đến bệnh viện khám, các gia đình có thể liên hệ đến tổng đài để được hỗ trợ. "Việc chịu đựng các triệu chứng dai dẳng, âm ỉ rồi mới tới gặp bác sĩ sẽ khiến căn bệnh trở nên nghiêm trọng, có thể không kịp cứu vãn", các bác sĩ khuyến cáo.
Covid-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe tinh thần , khiến các ca trầm cảm tăng lên. Theo Covid-19 Blues, một cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện bởi Tổ chức Phòng chống tự tử Ấn Độ có trụ sở tại Bangalore, số người có ý định tự tử, hành vi ngược đãi bản thân hoặc tái phát bệnh đều tăng mạnh. Từ đó, các bác sĩ tư ghi nhận số khách hàng nhiều hơn trong những tháng gần đây, với các nguyên nhân gây bệnh bao gồm bị cách ly, virus, bất ổn tài chính, thất nghiệp, bạo lực gia đình và căng thẳng.
Một khảo sát do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức từ tháng 9 cũng cho thấy 53,3% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC, thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới 66,7%. Khoảng 67% bệnh nhân mong muốn được tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong điều trị và sau khi xuất viện.
Tương tự, theo kết quả một cuộc khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Covid-19 khiến 63% người 18-24 tuổi lo âu hoặc trầm cảm, 25% số đó dùng chất kích thích nhiều hơn và khoảng 25% nghĩ đến việc tự sát.
* Tên bệnh nhân đã thay đổi.