Hậu Covid-19: Sân khấu “sáng đèn” đợi khán giả

(PLVN) - Dịch bệnh lùi xa, nhiều nghệ sĩ háo hức mong chờ “cháy hết mình” trên sàn diễn. Các sân khấu từ Bắc và Nam chộn rộn với những vở kịch, chương trình mới. Tuy nhiên, còn đó nỗi lo của những “ông bà bầu” thắc thỏm câu hỏi liệu hậu Covid khán giả thay đổi thói quen tới nhà hát?
Vở kịch “Mẹ và người tình”
Vở kịch “Mẹ và người tình”

Nhiều vở kịch hay đã sẵn sàng 

Giữa tháng 5, Nhà hát Kịch Việt Nam vừa khởi công vở kịch “Nữ cảnh sát SBC” là câu chuyện về những chiến sỹ Công an nhân dân không sợ hy sinh thân mình đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những điều đúng đắn, tốt đẹp nhất của cuộc sống.

Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) Xuân Bắc - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam cho hay, thời gian nghỉ dịch bệnh vừa qua, anh nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của các nghệ sĩ chia sẻ mọi người rất nhớ sân khấu và ai cũng mong được làm việc. Chính vì vậy, khi vở diễn “Nữ cảnh sát SBC” được khởi công, anh em nghệ sĩ ai cũng vui mừng. 

“Trong suốt quãng thời gian nghỉ dịch, Hội đồng nghệ thuật của nhà hát đã dành nhiều thời gian để chọn kịch bản. Trên 40 kịch bản có chất lượng được lựa chọn sẽ là “lương khô” cho Nhà hát trong thời gian tới”, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ. 

Ngoài “Nữ cảnh sát SBC”, trước Tết, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dựng xong hai vở diễn mới là “Không thể khác” và “Cô gái và chiếc xe máy”. Kế hoạch dài hơn của Nhà hát Kịch Việt Nam là dựng một vở kịch về chủ đề Bác Hồ phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, vở “Kiều” cũng đang được Nhà hát lên kế hoạch mang tới cho các em học sinh trung học trong năm kỷ niệm 200 năm Ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du.

Trước đại dịch, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã thành công ngoài mong đợi với vở ballet “Hồ Thiên Nga” qua 7 đêm diễn “cháy” vé. Trong lúc chờ hết dịch, các nghệ sĩ Nhạc Vũ kịch Việt Nam chăm chỉ tập luyện “Hồ Thiên Nga” lại tiếp tục “bay” tới khắp tỉnh, thành và nước ngoài.

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho hay, Nhà hát đã khởi động chương trình “Tiếng hát át dịch Covid”. Anh em nghệ sĩ các đoàn đều có tiết mục để dự thi, số tiền thu được gây quỹ ủng hộ cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Nhà hát Tuổi Trẻ đang sẵn sàng cho việc trở lại từ ngày 20/5 bằng hai chương trình cho thiếu nhi dịp 1/6, gồm vở kịch thiếu nhi của Nga mang tên “Hai cây phong” và chương trình kịch - ca nhạc - tạp kỹ, một “đặc sản” không thể thiếu của Nhà hát dành cho thiếu nhi. NSƯT Sĩ Tiến cho biết, các chương trình này sẽ được diễn miễn phí cho con em các y, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện khác, như một cách cảm ơn những người đã có nhiều cống hiến trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Sân khấu phía Nam chộn rộn với sự trở lại sau mấy tháng nghỉ. Sân khấu kịch Hồng Vân và Chợ Lớn sẽ tái hoạt động với 5 suất diễn “Mẹ và người tình”. Sân khấu Thế giới trẻ cũng vừa khởi công dựng vở “Đời ngược gió”.  Sân khấu Quốc Thảo sẽ diễn lại một số vở từng ăn khách như: “Bám”, “Chồng nhái”, “Người đẹp và quái vật”…

Đặc biệt, “Cánh đồng rực lửa” phục vụ miễn phí cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế như một lời cảm ơn đến những người đã trực tiếp chiến đấu chống dịch Covid-19. Đây là vở diễn vừa đoạt giải B dành cho đạo diễn, Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 2, giai đoạn 2015 - 2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức...

Khán giả có thay đổi thói quen?

Tuy các vở kịch đã sẵn sàng nhưng khán giả có trở lại hay không lại là chuyện khác. Các “ông bầu, bà bầu” đều dự đoán số lượng khán giả sẽ giảm so với thời gian trước. 

Theo chia sẻ của lãnh đạo và các “ông bà bầu” sân khấu, để đảm bảo an toàn cho nghệ sĩ cũng như khán giả, các sân khấu vẫn phải tuân thủ những quy định như đo thân nhiệt, vệ sinh tay và thực hiện giãn cách 1-2m.

“Bà bầu” Hồng Vân không khỏi lo âu cho biết chị chưa sẵn sàng khởi động. “Qua một mùa dịch căng thẳng, bao nhiêu người mất việc phải chạy đi kiếm việc làm. Bao nhiêu người phải chạy kiếm tiền lo miếng ăn, lo cho con cái học. Vì vậy, tôi băn khoăn lắm và cứ phải chờ tình hình thế nào” - nghệ sĩ Hồng Vân tâm trạng.

Cũng như nghệ sĩ Hồng Vân, nghệ sĩ Mỹ Uyên nêu thực tế: “Thật khó để người xem tìm đến các hoạt động giải trí trong khi tâm trí họ đang tập trung lo cho chén cơm, manh áo”. Đó cũng là tâm lý chung của “ông bầu” Quốc Thảo, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi…

Để kích cầu khán giả, các “ông bà bầu” có kế hoạch nhờ các nghệ sĩ, người thân, bạn bè chia sẻ các vở diễn mới trên các mạng xã hội. Ngoài ra, một số nhà hát đã đưa ra khuyến mại, giảm 20-30% giá vé, thậm chí giảm tới 50%. 

Hậu Covid, các nhà hát không dám mạo hiểm đưa ra nhiều suất diễn trong tuần. Thay vào đó, họ sẽ diễn 1-2 suất diễn trong tuần để nghe ngóng lượng khách. Vì việc chi phí cho một suất diễn là khá lớn bao gồm tiền dành cho nghệ sĩ, điện nước, anh em hậu đài… nên nếu bán được ít vé, các nhà hát đành cáo lỗi, trả tiền vé cho khán giả.

Hơn ai hết, các lãnh đạo, “ông bà bầu” và những nghệ sĩ mong muốn khán giả luôn ủng hộ nghệ thuật để sân khấu trở lại “lợi hại hơn xưa”, nhưng để được vậy thì nhà hát cũng phải luôn tìm tòi, sáng tạo để có những chương trình nghệ thuật chất lượng, như lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong cuộc họp mới đây: “Muốn khán giả tới nhà hát, phải có những chương trình nghệ thuật chất lượng”.