Hậu duệ Lý Quang Diệu “đấu đá” quanh căn nhà di sản

(PLO) - Hai người con của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu gần đây nhất bày tỏ thái độ mất niềm tin với người anh cả - đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long; lo sợ rằng đang có một âm mưu sử dụng các cơ quan của nhà nước để chống lại họ…
 
Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long và phu nhân Hà Tinh
Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long và phu nhân Hà Tinh

Trong một thông cáo báo chí dài 6 trang được phát đi hôm 14/6, bà Lý Vĩ Linh và người em trai út Lý Hiển Dương cùng với những người khác đã lên tiếng cáo buộc, kể từ sau khi cha họ khuất núi vào ngày 23/3/2015, đã có những toan tính phá hủy ngôi nhà của cha họ tại số 38 đường Oxley. 

Lộ chuyện "dọn đường" cho con cả

Trong thông cáo, hai ông bà Lý Vĩ Linh và Lý Hiển Dương cùng ngậm ngùi: “Chúng tôi đặc biệt đau xót khi bị đẩy vào tình thế này. Chúng tôi đang bị rối trong mớ bòng bong các nhân vật, các động cơ và quyền quản lý của anh cả chúng tôi là ông Lý Hiển Long, đương kim Thủ tướng Singapore, và vai trò của chị dâu, bà Hà Tinh.

Kể từ khi ông thân sinh ra chúng tôi tạ thế, chúng tôi cảm thấy mình bị đe dọa. Cái bóng ông Lý Hiển Long quây phủ khắp nơi. Chúng tôi sợ ông ấy dùng các cơ quan nhà nước để chống lại chúng tôi và vợ ông Lý Hiển Dương, bà Suet Fern”.

Bà Lý Vĩ Linh nói tiếp: “Đây là đất nước mà cha tôi, ông Lý Quang Diệu, đã rất yêu thương và vun đắp gây dựng. Nó là ngôi nhà cho cả đời tôi. Singapore mãi là quê hương chúng tôi. Tôi không ham thích chuyện bỏ xứ sở nhưng ông Lý Hiển Long là căn nguyên duy nhất buộc tôi phải ra đi.

Hai chị em bà Lý Vĩ Linh và Lý Hiển Dương

Hai chị em bà Lý Vĩ Linh và Lý Hiển Dương

Chúng tôi đang tự hỏi liệu quyền lực của ông Lý Hiển Long có ngáng trở các nhà lãnh đạo độc lập về chính trị? Chúng tôi thấy được nhiều nhà lãnh đạo chất lượng cao và sáng giá nhưng đang bị cản trở bởi lạm dụng quyền lực. Chúng tôi không tin anh cả của mình và mất hoàn toàn niềm tin vào ông ấy”.

Theo bà Lý Vĩ Linh, ông anh cả Lý Hiển Long đang lọt trong vòng xoáy quyền lực và sự nổi tiếng nhưng là nổi tiếng nhờ di sản của ông Lý Quang Diệu để lại. Vợ chồng anh cả đang dồn hết tham vọng chính trị cho người con trai cả Lý Hoành Nghị. 

Âm mưu "thừa kế nhà cha đẻ"

Bà Vĩ Linh nói: “Suốt đời cha tôi, ông ấy luôn chú tâm vào Singapore và tương lai của hòn đảo, ghét cay ghét đắng chuyện dựng tượng cho cha. Tấm biển nhỏ xíu được khắc ngay bên trên bức tượng của cha tôi có hàng chữ của ông “Hãy nhìn vào công việc tôi làm”. Ông Lý Quang Diệu muốn các di sản của ông nên kéo dài càng lâu càng tốt.

Chính vì lý do này mà ông từng minh bạch trước công luận trong suốt những năm nắm quyền rằng nếu sau này ông có qua đời, thì ngôi nhà ở số 38 đường Oxley phải bị phá hủy. Trong di chúc đề ngày 17/12/2013, cụ thân sinh tôi tập hợp 3 người con lại và nhắn nhủ rằng phải giúp ông hoàn thành tâm nguyện (phá nhà).

Cha tôi rất ghét các di tích, đó là lý do ông không muốn nhà mình trở thành viện bảo tàng cho người ta tới coi, và nó chỉ mở cửa cho các con và hậu duệ bước vào mà thôi”.

Ông Lý Hiển Dương tiếp lời chị: “Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng anh cả tôi và chị dâu đang khai thác ảnh hưởng của cha tôi để phục vụ cho chính họ và con cái họ. Ông Hiển Long đang chú ý đến cái gọi là “Tầng lớp quý tộc tự nhiên”, lên tiếng phản đối phá hủy ngôi nhà như cụ thân sinh tôi từng mong muốn lúc sinh thời.

Cao tay hơn, vợ chồng họ lập mưu đưa cả gia đình vào sống trong ngôi nhà này trước khi cha tôi tắt hơi. Trước tham vọng chiếm nhà ấy, ông Lý Quang Diệu đã có cuộc gặp với Nội các Singapore vào ngày 21/7/2011 nhằm thảo luận về số phận ngôi nhà riêng của mình.”. 

Theo đó, ông Lý Quang Diệu buồn rầu khi Lý Hiển Long cứ nhất mực chống lại ước muốn của mình. Ngày 3/10/2011, ông Lý Quang Diệu viết: “Hiển Long làm Thủ tướng Singapore và đang tuyên bố ngôi nhà của tôi là một điểm di sản”. Ông rất muốn phá hủy ngôi nhà của mình nhằm chặn đứng âm mưu lạm dụng nó để khiến Nội các bảo vệ ngôi nhà.

Ông cũng hủy chức giám đốc của quỹ di sản của ông mà từng giao cho Lý Hiển Long điều hành. “Cha tôi muốn sau khi ông qua đời, Di chúc của mình phải được công khai cho toàn dân chúng Singapore biết. Nhưng khi đọc di chúc của cha tôi, ông Hiển Long đã tỏ vẻ tức giận khi cha tôi giao ngôi nhà cho chị Vĩ Linh ở và nói thẳng rằng sau khi ông qua đời thì ngôi nhà cũng bị phá hủy theo hoặc nó phải ngôi nhà chuyển tới nơi mới”. 

Bà Lý Vĩ Linh bực tức: “Ông Hiển Long đe buộc chúng tôi không công khai bản di chúc của cha, muốn cả Quốc hội tin rằng cha ông đã thay đổi ý định, hy vọng người Singapore tin tưởng về ông thông qua ngôi nhà biểu tượng của Lý Quang Diệu.

Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm sẽ công bố di chúc của cha ra công luận. Buộc lòng Hiển Long phải ra trước Quốc hội để nói ông ta muốn di nguyện của cha được tiến hành. Trước mặt công luận, ông ấy tỏ vẻ hiếu thảo nhưng lại áp bức anh em trong bóng tối. Ông ta từng bước dùng quyền lực Thủ tướng ngăn chặn phá hủy ngôi nhà theo ý cha tôi”. 

Lo sợ lạm quyền thao túng chính phủ

Bà Vĩ Linh kể tiếp: “Khoảng cuối năm 2015, ông Hiển Long nghĩ cách thương lượng với Hiển Dương để mua ngôi nhà của cha ruột. Nếu ông Hiển Long thành công, ngôi nhà của cha chúng tôi sẽ không bị phá hủy.

Ngôi nhà lúc sinh thời của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu ở số 38 đường Oxley, Singapore
Ngôi nhà lúc sinh thời của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu ở số 38 đường Oxley, Singapore

Hiển Long đề nghị em trai tôi Hiển Dương phải trả cho ông ta một khoản tiền tương ứng với giá trị ngôi nhà tại thời điểm hiện tại (và hiến tặng ½ giá trị ngôi nhà cho công tác từ thiện). Chúng tôi cũng nhận được cam kết rằng Hiển Long sẽ rút ra khỏi tất cả các quyết định của chính phủ liên quan đến ngôi nhà số 38 đường Oxley”.

Ông Lý Hiển Dương than vãn: “Nói đi nói lại, mặc dù ông Hiển Long tự cam kết rút ra khỏi các quyết định của chính phủ, nhưng ông ấy vẫn giữ chức đại diện cho Ủy ban di sản quốc gia. Hiển Long đang rất mâu thuẫn. Ông ấy thừa hiểu quyền lực chính trị của ông là do ông là con trai của Lý Quang Diệu và vì thế ông ấy cố sống cố chết bảo vệ ngôi nhà tránh nó bị phá hủy như là cái cớ để thu phục lòng tin của người dân Singapore.

Hiển Long còn nghĩ ra cách chơi chữ thiếu trung thực khi nói rằng: “Cha tôi muốn chấp nhận bất kỳ quyết định nào của chính phủ để bảo tồn ngôi nhà 38 đường Oxley. Một mặt ông Hiển Long muốn chính phủ dùng sức mạnh để bảo vệ ngôi nhà, mặt khác ông ấy cũng muốn chiếm luôn nó. Hiển Long và Hà Tinh đều tỏ vẻ khó chịu với di nguyện phá ngôi nhà của cha tôi, mà trong khi chị Vĩ Linh lại sống hợp pháp trong nhà.

Sự khôn ngoan của Hiển Long là ông ấy không muốn gây ra bất kỳ thách thức pháp luật nào. Hai tuần trước khi cha tôi đặt bút viết di chúc, ông vẫn bảo lưu ý định phá nhà sau khi qua đời. Cả 3 người con đều giữ một bản sao di chúc của cha tôi. 

Theo chị em bà Lý Vĩ Linh có một sự tương thông ý tưởng giữa di chúc của ông Lý Quang Diệu và người dân Singapore, số đông người dân Singapore muốn phá ngôi nhà khi ông Lý tạ thế. Báo cáo độc lập từ cuộc khảo sát YouGov được công bố vào ngày 22/12/2015 cho thấy có đến 77% người Singapore có đồng ý phá hủy ngôi nhà của Lý Quang Diệu và chỉ 17% người chống lại nó.

“Cha chúng tôi luôn coi dân tộc là trên hết, mà không mưu cầu nổi tiếng riêng cho mình. Chúng tôi rất buồn vì bị cuốn vào canh bạc chính trị của ông Hiển Long. Chúng tôi luôn bị giám sát chặt chẽ ngay khi ở trên quê hương mình. Chúng tôi không tin ông Hiển Long ở vai vế người anh cả lẫn nhà lãnh đạo đất nước…”- chị em bà Lý Vĩ Linh tuyên bố với báo chí./.

Đọc thêm