Những con số đáng chú ý
Theo trang thống kê worldometers.info, tính sáng 11/2, giờ Việt Nam, trên thế giới có tổng cộng 406.064.155 người mắc COVID-19, trong đó có 5.807.352 người tử vong. Số người bình phục là 325.901.391 người. Hiện có 89.429 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực. Các thống kê cho thấy, hầu hết những người mắc COVID-19 không bị bệnh nặng và phục hồi khá nhanh chóng.
Tuy nhiên, trong một bài viết được đăng trên tạp chí Undark và được trang web của Liên minh vaccine Gavi dẫn lại, bác sĩ Jack Gorman của Đại học Columbia và Phó Giáo sư David Scales tại Trường Cao đẳng Y tế Weill Cornell cho rằng, cụm từ phục hồi để chỉ giai đoạn cấp tính của bệnh. Còn trên thực tế, khoảng 10 đến 40% các bệnh nhân Covid tiếp tục gặp các triệu chứng khác nhau trong vòng vài tuần đến vài tháng sau khi bị bệnh. Tình trạng vô căn này được gọi là hội chứng COVID-19 kéo dài hay “long Covid”.
Cho đến nay, hội chứng COVID-19 kéo dài chưa được hiểu đầy đủ và không có định nghĩa được quốc tế thống nhất về hội chứng này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong một báo cáo xác định COVID-19 kéo dài là tình trạng xảy ra ở những người có thể hoặc đã được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2, thường là ba tháng kể từ khi bắt đầu nhiễm COVID-19 với các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng và không thể giải thích bằng một chẩn đoán thay thế.
Còn hướng dẫn cho các nhân viên y tế của Anh mô tả COVID-19 kéo dài là trường hợp các triệu chứng tiếp tục kéo dài hơn 12 tuần sau khi bị nhiễm virus mà không thể giải thích được do nguyên nhân khác ngoài việc mắc COVID-19. Một số nơi xác định COVID-19 kéo dài là trường hợp người bệnh tiếp tục có những triệu chứng trong vòng 4 tuần trở lên kể từ khi nhiễm COVID-19.
Trang web của Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) xác định những triệu chứng này của tình trạng COVID-19 kéo dài có thể bao gồm cực kỳ mệt mỏi; khó thở, tim đập nhanh, đau hoặc tức ngực; các vấn đề với trí nhớ và sự tập trung (hay còn gọi là sương mù não); thay đổi mùi vị; đau khớp. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát trên các bệnh nhân được cho là mắc hội chứng COVID-19 kéo dài đã xác định được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu chứng khác.
Một nghiên cứu trên quy mô lớn của Trường Đại học College London (UCL) của Anh đã xác định 200 triệu chứng ảnh hưởng đến 10 hệ cơ quan. Các triệu chứng này bao gồm ảo giác, mất ngủ, thay đổi thính giác và thị lực, mất trí nhớ ngắn hạn và các vấn đề về diễn đạt, ngôn ngữ. Những người khác cũng đã báo cáo các vấn đề về dạ dày, ruột, bàng quang, thay đổi kinh nguyệt và các vấn đề về da.
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng khác nhau, nhưng đáng chú ý, nhiều người cho biết họ không thể làm được những việc đơn giản như tắm bằng vòi hoa sen hoặc ghi nhớ các từ. Nguy cơ cao bị đột quỵ và đau tim cũng được cảnh báo. Ngoài ra, cũng có những lo ngại về việc người nhiễm COVID-19 ban đầu chỉ có triệu chứng nhẹ hay thậm chí không có triệu chứng nhưng vẫn có thể bị suy nhược, tàn tật do hội chứng COVID-19 kéo dài.
Vaccine vẫn là công cụ quan trọng
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), tính đến đầu tháng 1/2022, ước tính có khoảng 1,3 triệu người ở Anh, tương đương 2% dân số nước này gặp phải những triệu chứng kéo dài trong hơn bốn tuần sau khi lần đầu nhiễm COVID-19. Với trẻ em, một nhóm các nhà nghiên cứu do Viện Sức khỏe Trẻ em Great Ormond Street dẫn đầu đã phân tích hơn 200.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 ở trẻ từ 11 đến 17 tuổi trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2020.
Kết quả cho thấy từ 4.000 đến 32.000 trẻ trong số này vẫn gặp các triệu chứng COVID-19 sau 15 tuần kể từ khi nhiễm bệnh. Dù có rất ít bằng chứng về việc trẻ em phải nằm liệt giường hoặc không thể đến trường do mắc hội chứng COVID-19 kéo dài nhưng các nhà nghiên cứu vẫn nhấn mạnh rằng rủi ro đối với những người trẻ tuổi là “không hề nhỏ” và trẻ em cần được hỗ trợ y tế khi gặp phải tình trạng này.
Còn tờ Times of India của Ấn Độ dẫn báo cáo của các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan, Mỹ ước tính rằng khoảng 100 triệu người khỏi COVID-19 mắc hội chứng COVID-19 kéo dài. Tỷ lệ người nhiễm COVID-19 mắc phải hội chứng này lên đến 57% đối với những người phải nhập viện vì bệnh. Theo tờ báo này, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên thế giới đang ngày càng tăng, số người hồi phục cũng tăng lên. Điều đó có nghĩa là xác suất có nhiều người bị COVID-19 kéo dài cũng tăng lên.
Cho đến nay, nguyên nhân gây ra hội chứng COVID-19 kéo dài vẫn chưa được xác định. Có ý kiến cho rằng, có thể việc bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ban đầu khiến hệ thống miễn dịch của một số người hoạt động quá mức, tấn công không chỉ virus mà còn tấn công các mô của cơ thể. Việc virus xâm nhập và tấn công tế bào của cơ thể có thể là nguyên nhân gây ra một số triệu chứng như mất khứu giác và vị giác, còn tổn thương mạch máu được cho là góp phần gây ra các vấn đề về tim và phổi.
Nhà nghiên cứu Resia Pretorius tại Khoa khoa học, Trường Đại học Stellenbosch, Nam Phi, trong một bài viết được đăng tải hôm 5/1 cho rằng, nguyên nhân của tình trạng COVID-19 kéo dài có thể là do những phân tử gây viêm bị mắc kẹt trong những cục máu siêu nhỏ. Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia của Mỹ mới đây khẳng định, ngay cả những trường hợp mắc COVID-19 nhẹ cũng có thể dẫn tới hội chứng COVID-19 kéo dài.
Trong bối cảnh như vậy, vaccine được cho vẫn là công cụ quan trọng trong việc ngừa COVID-19 và cả những triệu chứng lâu dài do nó mang lại. Bởi, việc tiêm phòng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm virus và những hậu quả về sau từ đầu. Thêm vào đó, một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu tại Khoa Dược, Trường Đại học Bar-Ilan, Israel với các bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ tháng 3/2020 đến tháng 11/2021 cho thấy, việc tiêm chủng đầy đủ đã đưa đến sự giảm đáng kể các triệu chứng hội chứng COVID-19 kéo dài phổ biến nhất ở người bệnh và tăng khả năng hồi phục hoàn toàn cho họ. Điều này đặc biệt rõ ràng hơn ở những người trên 60 tuổi.