“Hậu” tái cơ cấu Vinashin nhìn từ vụ người lao động kiện đòi trợ cấp

Cùng với việc thắng kiện, sự ra đi của một cán bộ gạo cội với lý do “môi trường làm việc không phù hợp” rồi lại phải “đáo tụng đình” để được chi trả vài đồng trợ cấp là một bài học thực sự xót xa.Nó làm cho dư luận phải bật lên câu hỏi phải chăng sau hơn 2 năm “thay máu”, con tàu Vinashin vẫn còn quá nhiều rối ren nhất là câu chuyện nhân sự và chính sách “dụng nhân tài”, “dụng con người”?

Phải nghỉ việc vì “môi trường làm việc không phù hợp”, ông Lê Văn Thuyến, người từng chắp bút viết các đề án phát triển Vinashin, đề án xin cơ chế vay tiền ưu đãi trả nợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động khi Vinashin tái cơ cấu… mới đây buộc phải “đáo tụng đình” để đòi tiền trợ cấp.

Bản án sô 02 của TAND Quận Ba Đình
Bản án sô 02 của TAND Quận Ba Đình

Tòa án nhân dân Quận Ba Đình, Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án lao động về việc “trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là ông Lê Văn Thuyến, sinh năm 1961 và bị đơn là Tập đoàn Vinashin.

Ông Lê Văn Thuyến đã có thâm niên công tác gần 30 năm trong ngành đóng tàu, trong đó thời gian công tác tại Tập đoàn Vinashin gần 13 năm. Ông Thuyến từng giữ cương vị tham mưu cho lãnh đạo Vinashin, Phó ban tổ chức cán bộ,trưởng ban đổi mới doanh nghiệp, trưởng ban lao động tiền lương...Đặc biệt, ông cũng là người chắp bút viết hàng loạt các đề án của Vinashin như đề án phát triển Vinashin  đến năm 2010, đề án chuyển mô hình hoạt động Vinashin  sang mô hình cty mẹ-cty con năm 2003, đề án xin cơ chế vay tiền ưu đãi trả nợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động khi tái cơ cấu Vinashin…

Sau khi tái cơ cấu Vinashin, lãnh đạo mới từ nơi khác về điều hành đã “thay máu” toàn bộ, bao gồm cả việc xáo trộn nhân sự. Ông Thuyến đang ở vị trí công tác liên quan đến nhân sự, là người gần 30 năm gắn với công tác tổ chức và con người, có kinh nghiệm trong việc thực hiện chế độ, chính sách với người lao động ngành đóng tàu bị thuyên chuyển sang công tác kế hoạch tổng hợp theo mô hình mới.

Ông Thuyến cho biết do công việc này không phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm ông tích lũy được suốt gần 30 năm công tác trong ngành đóng tàu nên dẫn tới hiệu quả công việc không được phát huy. Mỏi mòn trong vị trí mới, ông Thuyến đã quyết định xin chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 8/2011.

Một góc nhà máy đóng tàu thuộc Vinashin vắng vẻ, đìu hiu

Một góc nhà máy đóng tàu vắng vẻ, đìu hiu,ảnh NLĐ Online

Ngày 12/10/2011 Tập đoàn Vinashin đã có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Thuyến và sau đó chi trả trợ cấp thôi việc cho ông với thời gian là 10 năm 6 tháng, trong khi tổng thời gian ông làm việc tại Vinashin (tại tập đoàn  là gần 13 năm và tại công ty con thuộc tập đoàn là 16 năm 7 tháng), tổng cộng là 29 năm.

Nhận thấy việc chi trả trợ cấp không đúng các quy định của pháp luật, ông Thuyến đã tiến hành khởi kiện tập đoàn Vinashin, yêu cầu Vinashin phải chi trả trợ cấp cho ông trong thời gian 16 năm còn lại.

Trước tòa, đại diện Vinashin trình bày, ông Thuyến có 16 năm 7 tháng công tác tại nhà máy đóng tàu Bạch Đằng trước khi chuyển lên Tập đoàn vì vậy nhà máy đóng tàu Bạch Đằng mới là nơi phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Thuyến.

Hội đồng xét xử nhận định, ông Thuyến làm việc tại nhà máy đóng tàu Bạch Đằng thuộc Vinashin sau đó chuyển lên tập đoàn. Trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho ông Thuyến thuộc về tập đoàn Vinashin ( theo quy định tại điều 42, Bộ luật lao động và điểm c, khoản 3, điều 14, Nghị định 44/2003 quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động).

Hội đồng xét xử quyết định: buộc Tập đoàn Vinashin trả trợ cấp thôi việc cho ông Lê Văn Thuyến. Tổng công ty Bạch Đằng có trách nhiệm chuyển trả cho Tập đoàn Vinashin số tiền Tập đoàn đã trả cho ông Thuyến.

Ông Thuyến đã thắng kiện.

Vinashin đang phải tái cơ cấu một lần nữa. Trong đề án tái cơ cấu mới, tập đoàn này tiếp tục thu nhỏ quy mô, chỉ giữ lại công ty mẹ cùng 12 doanh nghiệp đóng tàu và Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy. Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin và Chính phủ đã triển khai rất quyết liệt việc tái cơ cấu tập đoàn này. Trong 2 năm qua, các cơ quan liên quan đã tổ chức gần 80 cuộc họp, ban hành khoảng 200 văn bản chỉ đạo việc tái cơ cấu nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa rõ. Chín tháng đầu năm nay, doanh thu của Vinashin chỉ gần 1.500 tỉ đồng, chưa bằng 16% kế hoạch cả năm…

Nhưng cùng với việc thắng kiện, sự ra đi của một cán bộ gạo cội với lý do “môi trường làm việc không phù hợp” rồi lại phải “đáo tụng đình” để được chi trả vài đồng trợ cấp là một bài học thực sự xót xa.

Nó làm cho dư luận phải bật lên câu hỏi phải chăng sau hơn 2 năm “thay máu”, con tàu Vinashin vẫn còn quá nhiều rối ren nhất là câu chuyện nhân sự và chính sách “dụng nhân tài”, “dụng con người”?

Được biết, Chính phủ đã sớm nhìn thấy những bất cập này và  việc tái cơ cấu Vinashin lần thứ 2 đang được thực hiện với những quyết sách quyết liệt hơn.

Vinashin đang cần một“thuyền trưởng mới”.

 Một chuyên gia theo dõi quá trình tái cơ cấu Vinashin cho rằng phương án “ngoại binh” đã không hữu hiệu với trường hợp Vinashin, để chèo lái con tàu này, Vinashin cần một vị thuyền trưởng trưởng thành từ Vinashin, am hiểu rõ nhất những vấn đề nội tại củaVinashin, biết khơi dậy nguồn lực sáng tạo của các đơn vị thành viên, tài năng của đội ngũ cán bộ để “định vị” và đưa con tàu Vinashin về một bến đỗ an toàn.

Vinashin hiện vẫn khó trăm bề, nhiều người lao động sau gần trọn đời gắn bó với nghề, với nhà máy cũng đành dứt áo ra đi tìm việc làm mới. Các doanh nghiệp (DN) đóng tàu thuộc Vinashin vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán nợ cũ, thiếu  vốn, thiếu vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất, chỉ trả lương cho công nhân ở mức tối thiểu và vẫn còn nợ nhiều tháng trước.Theo BHXH TP Hải Phòng thì đến tháng 11, riêng Tập đoàn Vinashin đóng trên địa bàn nợ BHXH khoảng 169 tỉ đồng. Trong đó, Tổng Công ty CNTT Nam Triệu là gần 70 tỉ đồng, các đơn vị khác cũng đều nợ từ 10 tỉ đồng trở lên... nên việc giải quyết chế độ nghỉ hưu, mất sức, ốm đau, thai sản, chuyển công tác sang đơn vị khác gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Phương (tổng hợp theo SGTT& NLĐ)

Đọc thêm