Hậu trường gây tranh cãi của các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam

(PLO) - Thời điểm này, hai cuộc thi hoa hậu của Việt Nam là Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 và Hoa hậu Bản sắc Việt Toàn cầu đang rầm rộ tuyển chọn thí sinh trong nước và nước ngoài. Nhưng quy định thẩm mỹ của thí sinh dự thi hoa hậu vẫn đang thực sự gây tranh cãi. 
Hình ảnh gây tranh cãi của Phạm Hương trước và sau khi tham gia Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015.
Hình ảnh gây tranh cãi của Phạm Hương trước và sau khi tham gia Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015.

Dù đã đăng quang Hoa hậu hoàn vũ Viêt Nam 2015, được tung hô là “Hoa hậu quốc dân” nhưng nghi án thẩm mỹ của Phạm Hương vẫn gây nhiều băn khoăn. Trước đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015  đã có thông tin “tố” Phạm Hương phẫu thuật thẩm mỹ. Những hình ảnh của Phạm Hương cách cuộc thi khoảng 5 năm đã bị tung lên mạng đã cho thấy những khác biệt với khuôn mặt của Phạm Hương khi tham gia Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam. 

Tuy nhiên theo thông tin từ Ban tổ chức thì bác sĩ nhân trắc học đã kiểm tra và khẳng định cô chưa phẫu thuật thẩm mỹ. Song nhìn bức ảnh cùng một người nhưng khuôn mặt nhiều khác biệt của Phạm Hương khiến dư luận chưa thỏa mãn. Bằng mắt thường cũng thấy rõ nhất là chiếc cằm chẻ, hơi vuông của Phạm Hương đã biến thành cằm nhọn, khuôn mặt vuông vức thành V-line.

Đặc biệt sau khi đăng quang và tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới, Phạm Hương vẫn bị cộng đồng quốc tế “khẳng định” đã phẫu thuật thẩm mỹ. Trên forum của Missosology từng chia sẻ hình ảnh trước đây và bây giờ của Hoa hậu Phạm Hương, kèm lời khẳng định người đẹp Việt Nam có đụng đến dao kéo để được vẻ đẹp hoàn hảo như hiện tại. 

Dù Phạm Hương đã đăng quang, được tung hô nhưng câu chuyện về gương mặt khác biệt trước và sau của cô vẫn là một dấu hỏi với nhiều người. Thực sự những “nghi án” chỉnh sửa nhan sắc của người đẹp, thí sinh tham gia các cuộc thi hoa hậu không hề ít trong thời gian qua.  

Người đẹp Phạm Mỹ Linh, MC quen thuộc của Giọng hát Việt đã bị loại khỏi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 vì liên quan phẫu thuật thẩm mỹ. Ngay sau khi có bức thư nặc danh tố Phạm Mỹ Linh thẩm mỹ trước khi tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, Ban tổ chức đã quyết định không cho cô tiếp tục tham gia. 

Thí sinh Phạm Mỹ Linh phải dừng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 vì bị "tố" phẫu thuật thẩm mỹ.
Thí sinh Phạm Mỹ Linh phải dừng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 vì bị "tố" phẫu thuật thẩm mỹ.

Rõ ràng Điều 6, Thông tư 03/2013/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hoá ,Thể thao và Du lịch nêu rõ thí sinh “không qua phẫu thuật thẩm mỹ” mới được tham gia các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam. Nên chuyện loại thí sinh đã phẫu thuật thẩm mỹ là chính xác. Thế nên câu chuyện để lọt những thí sinh chỉnh sửa sắc đẹp trong các cuộc thi này thực sự gây bức xúc.

Tuy nhiên với công nghệ thẩm mỹ hiện tại thì không cần động dao kéo, các thí sinh vẫn có thể nâng ngực, nâng mũi, độn cằm, gọt mặt… bằng chất làm đầy như filler, botox… Sự phát triển của ngành thẩm mỹ đã giúp việc chỉnh sửa cơ thể không để lại dấu vết. Nếu như nâng ngực, nâng mũi bằng phẫu thuật bằng silicon thì chỉ cần bằng mắt thường cũng phát hiện được do để lại sẹo. Chẳng cần tới bác sĩ, chuyên gia cũng biết ngay thí sinh đó có chỉnh sửa thẩm mỹ hay không. Nhưng chỉnh sửa cơ thể bằng các chất làm đầy thì không thể phát hiện bằng mắt thường, thậm chí bản thân các bác sỹ thẩm mỹ cũng không thể khẳng định chắc chắn. 

Trao đổi về vấn đề này với bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Nhâm Quỳnh Anh, về góc độ chuyên môn, bác sĩ cho biết rất khó phát hiện việc chỉnh sửa sắc đẹp bằng hình thức tiêm chất làm đầy. Một số chất làm đầy tiêm sau 3 tuần sẽ hòa hợp với cơ thể. Thậm chí hiện nay có cả chất làm đầy như  HA – một chất tương tự với acid của cơ thể. Những trường hợp này còn không thể phát hiện bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X-Quang hay siêu âm. Bác sĩ Quỳnh Anh khẳng định gần như không thể phát hiện bằng mắt thường những trường hợp tiêm chất làm đầy để chỉnh sửa cơ thể. 

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn từng khẳng định dứt khoát không có chuyện thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ được tham gia thi hoa hậu. Theo ông nếu vương miện trao cho cả thí sinh đẹp nhờ thẩm mỹ thì sẽ biến cuộc thi người đẹp thành cuộc thi cho bàn tay làm đẹp. Ông ủng hộ việc tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên và điều này cũng phù hợp với văn hóa Việt Nam. Và hiện tại phía quản lý nhà nước chưa nghĩ tới việc thay đổi quy định này. 

Thế nhưng với những cuộc thi hoa hậu trong nước gần đây và hai cuộc thi đang diễn ra là Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 và Hoa hậu Bản sắc Việt Toàn cầu, vấn đề thí sinh chỉnh sửa sắc đẹp đang nóng thực sự. Nhất là với cuộc thi như Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu đang tiến hành tuyển chọn thí sinh không chỉ ở Việt Nam mà cả nước ngoài thì thật quá khó kiểm soát. Ban tổ chức các cuộc thi này làm cách nào để không để lọt các thí sinh chỉnh sửa nhan sắc?

Như vậy chẳng thể đảm bảo sự công bằng tuyệt đối cho các thí sinh tham gia các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam. Cùng là nhan sắc nhân tạo nhưng người dùng dao kéo không được chấp nhận, người dùng chất làm đầy lại “lọt” qua dễ dàng thì thực sự đáng lo ngại. Vượng miện hoa hậu rất có thể sẽ dành cho thí sinh đã chỉnh sửa nhan sắc. 

Đọc thêm