Hãy chăm sóc tốt con trẻ!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần 1 thế kỷ trước, tháng 8/1925, Hội nghị Thế giới vì Hạnh phúc Trẻ em tại Thụy Sĩ tuyên bố ngày 1/6 hàng năm là ngày Quốc tế Thiếu nhi. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức năm 1950. Hàng năm, từ 15/5 - 30/6, được coi là “Tháng hành động vì trẻ em Việt Nam”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 1989, thế giới có Công ước về quyền trẻ em, là văn kiện pháp lý quốc tế đề cập toàn diện các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ có quyền được chăm sóc, bảo vệ, giúp đỡ đặc biệt. Ngay từ 1991, Việt Nam là nước đầu tiên châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này.

Tại Việt Nam, ngày 1/6 còn gọi là Tết Thiếu nhi, là ngày lễ vì trẻ em, vì thế hệ tương lai, cũng là ngày nhắc nhở mọi người hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn.

Thế nhưng, ngay trước thời điểm ngày Quốc tế Thiếu nhi 2024, chiều 29/5, chúng ta đã chết lặng khi hay tin bé trai 5 tuổi ở Thái Bình tử vong vì bị lái xe, người đưa rước, giáo viên, nhà trường bỏ quên trên xe đưa đón. Em bé tạm biệt bà ngoại, bước lên chuyến xe định mệnh vào lúc 6h20, ngồi ghế ngay sau tài xế. Theo một số nhân chứng, tới nơi, tài xế mở cửa cho học sinh và cô giáo tự đi vào lớp, sau đó đậu xe sát cổng trường rồi ra về. Tại lớp học, cô phụ trách chụp hình điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của trường để theo dõi, phát hiện vắng học sinh này, nhưng lại không thông báo cho gia đình.

Gần nửa ngày sau đó, 17h, khi tới trường không thấy cháu đâu, người cậu hỏi cô giáo, gọi điện hỏi bà ngoại. Nhận điện thoại chất vấn đã bàn giao cháu lên xe sáng nay, cô phụ trách đưa đón đã liên hệ các giáo viên, rồi vội chạy ra chiếc xe 29 chỗ đậu ở cổng trường từ sáng đến chiều giữa trời nắng nóng. Mọi người phải hợp sức kéo cửa xe, phát hiện em bé đã bất tỉnh và tử vong trước khi tới bệnh viện.

Cái chết tức tưởi của em bé đã làm dư luận bàng hoàng. Đó là một đứa trẻ không có khả năng tự bảo vệ, tự giải thoát, đã lịm dần đi trong chiếc xe bị khóa cửa giữa trời nắng. Đó còn là một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm khi không sống cùng cha, mẹ vì đi lao động nước ngoài, ở cùng bà ngoại trong căn nhà trọ. Một số sự việc bỏ quên học sinh trong xe từng xảy ra trong quá khứ, may mắn chưa có thiệt hại về tính mạng và cả xã hội đã hết sức quan tâm, chấn chỉnh. Vậy mà sự việc đau lòng vẫn tái diễn, phép màu đã không xảy ra, em bé bị bỏ quên không qua khỏi.

Quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em đã tương đối đầy đủ. Quy trình đưa rước trẻ trường nào cũng có. Nhưng sự cố chết người vẫn xảy ra. Không thể đổ lỗi cho thiếu quy định, quy trình. Lỗi ở đây là do những con người cụ thể, sự bất cẩn cụ thể, chắc chắn cơ quan điều tra sẽ làm rõ vấn đề này.

Suy cho cùng, chúng ta đành chấp nhận một sự thật là việc đã rồi, người chết đi không thể sống lại. Chỉ mong sao cái chết tức tưởi của em bé sẽ thức tỉnh lương tâm mọi người. Để tất cả chúng ta, từ các bậc cha mẹ, thầy cô, nhà trường, người đưa rước… trước khi than thở những chuyện công việc vất vả, thu nhập chưa cao; thì hãy làm tốt công việc của mình, chăm sóc con, chăm sóc học sinh cho tốt.

Đọc thêm