Hãy để trẻ em biết mình có quyền gì

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quyền về trẻ em được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua trong Nghị quyết 1386 (XVI) ngày 20.11.1959 mà không phải trẻ em nào cũng được biết để tự bảo vệ bản thân.
Nguyên tắc số 6: Trẻ em phải được lớn lên trong sự bảo vệ và dưới trách nhiệm của bố mẹ được kể thông qua câu chuyện "Bố mẹ đâu rồi?"
Nguyên tắc số 6: Trẻ em phải được lớn lên trong sự bảo vệ và dưới trách nhiệm của bố mẹ được kể thông qua câu chuyện "Bố mẹ đâu rồi?"

Hiểu về quyền trẻ em là bộ sách mỏng bao gồm 10 quyển cũng là 10 nguyên tắc đã được Liên Hợp Quốc thông qua, được Aleix Cabrera viết thành 10 câu chuyện thiếu nhi đơn giản, dễ thương dưới nét vẽ minh hoạ của họa sĩ Rosa M. Curto, Trần Lưu Hà Anh dịch, Nhã Nam và NXB Thế Giới phát hành.

Chúng ta hãy cùng nhau đến nguyên tắc số 1 và cũng là nguyên tắc quan trọng nhất: Mọi trẻ em đều phải được đối xử công bằng không có bất cứ sự phân biệt nào. Nói rõ hơn là mọi trẻ em đều được hưởng toàn bộ các quyền trong tuyên ngôn về quyền trẻ em.

Đó là câu chuyện của về ba đứa trẻ từ ba ngôi làng khác nhau tình cờ gặp nhau và có một mục đích: Lĩnh hội được kiến thức của nhà thông thái bậc nhất. Cuộc phiêu lưu của ba người bạn Mỏm Đá, Hoa Mộc Lan và Hoa Thủy Tiên bắt đầu. Từ nguyên tắc số 2 trở đi sẽ là một chuyến phiêu lưu, một câu chuyện nhỏ mà bất cứ trẻ em nào cũng có thể đọc và hiểu.

Nguyên tắc số 2: Trẻ em phải được phát triển trong điều kiện tự do và tôn trọng phẩm giá.

Nguyên tắc số 3: Trẻ em có quyền có họ tên và quốc tịch.

Nguyên tắc số 4: Trẻ em có quyền được tiếp cận đầy đủ về thức ăn, chỗ ở, vui chơi, giải trí và chăm sóc y tế.

Nguyên tắc số 5: Trẻ em khuyết tật có quyền được nhận sự chữa trị, giáo dục và chăm sóc.

Nguyên tắc số 6: Trẻ em phải được lớn lên trong sự bảo vệ và dưới trách nhiệm của bố mẹ.

Nguyên tắc số 7: Trẻ em có quyền được tiếp cận giáo dục để phát triển trong xã hội.

Nguyên tắc số 8: Trẻ em phải là đối tượng đầu tiên nhận sự bảo vệ và cứu trợ.

Nguyên tắc số 9: Trẻ em phải được bảo vệ khỏi mọi hình thức ngược đãi hoặc bóc lột.

Nguyên tắc số 10: Trẻ em phải được bảo vệ khỏi bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào.

Để trẻ em có thể biết được quyền lợi của chính mình mà 10 nguyên tắc được chuyển thành 10 câu chuyện ngắn gọn, súc tích. Các từ ngữ, câu chữ cũng được in cỡ chữ to, hình ảnh đặc biệt dễ thương, các nhân vật trong truyện cũng rất đáng yêu.

Những câu chuyện hấp dẫn cùng hình vẽ đáng yêu trong bộ sách Hiểu Về Quyền Trẻ Em sẽ khiến 10 nguyên tắc cơ bản trong bản Tuyên ngôn đi vào lòng trẻ nhẹ nhàng như những chuyện cổ. Và thấm đẫm khắp các trang sách là một tinh thần chung: "Loài người phải dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất." Phải chăng đó cũng là lý do mà trẻ con đến với thế giới này?

Độ tuổi phù hợp để đọc quyển sách có thể là từ 5 tuổi, ba mẹ có thể đọc cho bé nghe, hoặc bậc tiểu học khi bé vừa đọc chữ chạy. Tuy nhiên, đây cũng là quyển sách dành cho ba mẹ, để ba mẹ đừng quên đi các quyền của con trẻ mà trẻ xứng đáng được hưởng.