Hé lộ 'động cơ' khiến Mỹ, Anh đồng thời cấm mang laptop, Ipad lên máy bay

(PLO) -Chính phủ Mỹ và Anh trong tuần qua đã khiến thế giới xôn xao khi thông báo cấm hành khách mang theo các thiết bị điện tử như máy tính xách tay, máy tính bảng... lên các chuyến bay từ Trung Đông và Bắc Phi tới các nước này. Một số nguồn tin cho biết động thái này được đưa ra sau vụ phát giác thuốc nổ trong một chiếc iPad.
 

 

Hé lộ 'động cơ' khiến Mỹ, Anh đồng thời cấm mang laptop, Ipad lên máy bay

Lệnh cấm bất ngờ

Theo lệnh cấm được giới chức Mỹ công bố hôm 21/3, các hành khách chỉ được mang điện thoại di động và các thiết bị điện tử cỡ nhỏ lên khoang hành khách. Còn các thiết bị có kích cỡ lớn hơn một chiếc điện thoại như laptop, máy tính bảng, máy ảnh, máy in di động và máy chơi game phải gửi theo hành lý ký gửi. 

9 hãng hàng không của 8 nước bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Jordan, Ai Cập, Ả  rập Xê-út, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Kuwait bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này. Lệnh cấm được giới chức Mỹ đưa ra không lâu sau thất bại trong việc thực hiện lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump. 

Theo Bộ An ninh nội địa Mỹ, lệnh cấm chỉ áp dụng đối với các chuyến bay của các hãng hàng không nước ngoài chứ không ảnh hưởng tới các hãng hàng không của Mỹ và cũng không áp dụng đối với thành viên phi hành đoàn. 

Giới chức Mỹ cũng không cho biết lệnh cấm sẽ được duy trì trong bao lâu cũng như việc liệu có thêm các sân bay khác “gia nhập” vào danh sách trong thời gian tới hay không. Tổng cộng 50 chuyến bay tới Mỹ mỗi ngày bị ảnh hưởng bởi quy định mới. 

Chỉ ít giờ sau khi Mỹ công bố lệnh cấm nói trên, Anh cũng đưa ra các tuyên bố tương tự. Theo đó, bắt đầu từ ngày 25/3, Anh cấm mang theo máy tính bảng, máy tính xách tay, bảng điều khiển trò chơi và các thiết bị điện tử khác có kích thước lớn hơn so với điện thoại di động lên máy bay. 

Lệnh cấm của Anh áp dụng đối với các chuyến bay đến nước này từ 6 nước  có đa số người dân theo đạo Hồi là Ai Cập, Jordan, Lebanon, Ả rập Xê-út, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ. Khác với lệnh cấm của Mỹ, lệnh cấm của Anh không chỉ áp dụng đối với các hãng hàng không của nước này mà còn áp dụng đối với cả các hãng hàng không của trong nước. 

Sau Mỹ, Anh, Pháp cũng cho biết, họ đang xem xét việc áp dụng biện pháp tương tự nhưng chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Một người phát ngôn của chính phủ Hà Lan cũng cho hay họ đang theo dõi sát sao tình hình. Còn Bỉ thông báo sẽ chỉ áp dụng lệnh cấm tương tự trong trường hợp có quyết định từ Cơ quan an toàn hàng không châu Âu – cơ quan đưa ra các quy định về an toàn hàng không của cả châu Âu. 

Phát hiện bom trong iPad giả

Tờ Guardian của Anh ngày 26/3 dẫn các nguồn tin an ninh cho biết lệnh cấm của Anh và Mỹ được đưa ra căn cứ trên nhiều yếu tố và vụ việc. Một trong các vụ việc đó, theo một nguồn tin, là vụ phát hiện âm mưu đánh bom máy bay bằng thuốc nổ được giấu trong một chiếc iPad giả được thiết kế nhìn giống y hệt một chiếc máy tính bảng thực thụ. Song, nguồn tin này từ chối cho biết chi tiết các thông tin về âm mưu đã bị phát giác như thời gian, địa điểm cũng như tổ chức đứng sau âm mưu này.

Việc phát hiện âm mưu nói trên đã xác nhận lo ngại lâu nay của các cơ quan tình báo của không chỉ Anh, Mỹ mà còn của cả các nước khác trên thế giới rằng các nhóm Hồi giáo cực đoan đang tìm cách đưa thuốc nổ theo hành lý xách tay lên máy bay sau hàng loạt những âm mưu đánh bom để trong giày hay quần lót thất bại.

Nổi tiếng nhất trong các vụ việc như vậy phải kể đến vụ tên Asiri, 34 tuổi, người gốc Ả rập Xê-út đã mang thuốc nổ trong quần lót lên chuyến bay tới Detroit, Mỹ với âm mưu cho nổ tung chuyến bay vào đúng ngày Giáng sinh năm 2009. May mắn là quả bom đã không phát nổ. 

Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng xác nhận lệnh cấm đối với một số thiết bị điện tử một phần xuất phát từ việc quan chức tình báo của Mỹ hiện nghi ngờ IS đang tìm cách chế tạo các loại chất nổ có thể giấu trong các thiết bị điện tử để tấn công những chiếc máy bay. 

Chiếc máy bay của Somalia bị thủng.
Chiếc máy bay của Somalia bị thủng.

Lo ngại này là có thực bởi, hồi tháng 2/2016, một chiếc máy bay của hãng hàng không Daallo Airlines của Somalia đã bị thủng một bên và buộc phải quay trở lại sân bay với 2 hành khách bị thương sau khi một quả bom phát nổ trên máy bay. 

Theo các điều tra viên trong vụ việc, quả bom đã được đặt trong một chiếc laptop và được đặt trong trên hành lý xách tay của hành khách trên máy bay tên Abdullahi Abdisalam Borleh, người Somalia. 

Do sức công phá của quả bom được chế từ thuốc nổ TNT chứa trong laptop, thủ phạm đã văng ra khỏi máy bay và rơi xuống đất tử vong. Đáng chú ý là, các nguồn tin trong cuộc điều tra về vụ việc cho biết, thiết bị nổ trong chiếc laptop rất phức tạp và đã vượt qua được máy kiểm tra X-quang ở sân bay Mogadishu mà không bị phát giác. 

Trong vụ việc này, theo các chuyên gia, may mắn là quả bom phát nổ chỉ 20 phút sau khi máy bay cất cánh. Nếu vụ nổ xảy ra muộn hơn, khi máy bay đã đạt được độ cao ổn định, bình nhiên liệu của máy bay rất có thể sẽ bị nổ và máy bay sẽ rơi ngay lập tức bởi chiếc laptop được đặt ở gần khu vực bình chứa nhiên liệu.

Lẽ ra, chuyến bay đã cất cánh trước đó hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng vì một số trục trặc nên đã bị hoãn lại và việc khởi hành chậm đó có thể đã cứu tất cả những người có mặt trên chuyến bay.  

Có hay không yếu tố cạnh tranh?

Các quan chức Mỹ và Anh cho biết họ đưa ra quyết định của mình dựa trên các đánh giá độc lập và vì lợi ích cao nhất của công dân. “Mỗi nước có quyết định khác nhau dựa trên các tiêu chí và đánh giá khác nhau. Quyết định thực thi các biện pháp bổ sung ở một số sân bay của chúng tôi dựa trên đánh giá của chúng tôi về môi trường đe dọa và việc chúng tôi phải bảo vệ hành khách khỏi nguy cơ khủng bố” – ông David Lapan, quyền Phó trợ lý Bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ, cho biết. 

Tuy nhiên, theo CNN, một số ý kiến ở khu vực Vùng Vịnh cho rằng việc Mỹ đưa Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Qatar vào danh sách của nước này là để bảo vệ các hãng hàng không của Mỹ. 

“Rõ ràng một lý do quan trọng sau lệnh cấm là để kiềm chế cạnh tranh từ các hãng hàng không ở Vùng Vịnh và để khuyến khích các hành khách tới Mỹ bay trên các máy bay của các hãng hàng không của Mỹ” – ông Al Qassemi, một quan chức và là một nhà bình luận nổi tiếng ở UAE, nhận định trên báo chí. 

Nhận định của vị quan chức trên được đưa ra dựa trên thực tế là một số hãng hàng không của UAE và Qatar thời gian qua được chính phủ các nước này đầu tư khá nhiều tiền để phát triển. Các hãng hàng không này cũng được hưởng quyền tự do bay tới Mỹ qua các hiệp ước về bầu trời mở. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế nằm ở giữa châu Âu, châu Phi và châu Á, một số hãng đã mở các đường bay xuyên lục địa từ Dubai tới các điểm quá cảnh ở Milan và Athens rồi tới Mỹ khiến các hãng hàng không lớn của Mỹ lo ngại mất khách. 

“Giả sử có công nghệ mới nguy hiểm thật thì một kẻ khủng bố có thể dễ dàng phá hoại khi máy bay đang tới Mỹ hoặc Anh từ bất cứ sân bay nào trên thế giới, bao gồm cả châu Âu hay thậm chí từ chính Mỹ hay Anh chứ không chỉ từ Trung Đông” – ông Greeley Koch, Giám đốc điều hành Hiệp hội các công ty du lịch, cũng nhận định và cho rằng nếu chính phủ các nước Mỹ, Anh không sớm đưa ra lý giải của mình thì hạn chế sẽ chỉ càng dấy lên những hoài nghi của các doanh nghiệp lữ hành về ý định của các chính phủ các nước. 

Song, Bộ An ninh nội địa Mỹ đã bác bỏ thông tin cho rằng lệnh cấm là có liên quan đến vấn đề chủ nghĩa bảo hộ. Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Chris Grayling cũng khẳng định lệnh cấm mà họ đã ban bố là phù hợp và nhằm mục đích đảm bảo tốt nhất an toàn cho công dân Anh.

Đọc thêm