Hệ lụy di dân tự do

(PLO) - Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, 6 tháng đầu năm 2016, các tỉnh vùng Tây Bắc có 78 hộ/343 khẩu di cư tự do. Con số đó cho thấy tình trạng di cư tự do thời gian qua có xu hướng giảm dần, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, gây khó khăn không nhỏ cho địa phương nơi di cư đến.  
Bản di dân “nhiều không” xã Mù Cả.
Bản di dân “nhiều không” xã Mù Cả.

Vỡ mộng ở vùng đất mới

65 hộ/355 khẩu dân tộc Mông có 8 năm sinh sống trong vùng lõi rừng đầu nguồn sông Đà thuộc xã Mù Cả, huyện Mường Tè (Lai Châu). Họ từ các tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên “nhảy dù” vào xã Mù Cả và sinh sống tại ba điểm dân cư là Cu Ma Cao, Cu Ma Thấp và Lù Khò thuộc đất của bản Phìn Khò. Bà con di cư đến Mù Cả từ cuối năm 2008 với 7 hộ/32 khẩu. Sau đó, họ kéo anh em họ hàng, người thân cùng di cư đến. Đến năm 2012, số hộ di cư vào đây đã lên đến 65 hộ.

Thời điểm đó, chính quyền địa phương đã đến vận động bà con quay về nơi ở cũ nhưng người dân lắc đầu, không chịu đi vì nơi cũ nương rẫy đã bạc màu, không canh tác được. Tỉnh Lai Châu tổ chức đưa bà con về lại nơi ở cũ, bàn giao cho chính quyền nhưng chỉ được một thời gian bà con lại quay trở lại.

Do di dân tự do nên họ không thể nhập khẩu. Không có hộ khẩu thì con cái sinh ra không được khai sinh, không có bảo hiểm y tế và không được đến trường. Hiện số trẻ em di dân tự do dưới 6 tuổi có gần 60 trẻ (sinh ra sau khi bà con di cư vào) không được khai sinh. 50% số trẻ dưới 6 tuổi không được đến trường. Năm 2013, huyện Mường Tè đã chỉ đạo Phòng Giáo dục cho giáo viên vào mở lớp tạm ở điểm dân cư Cu Ma Cao. Tại hai điểm còn lại do chưa đủ số lượng học sinh theo quy định của ngành cho nên chưa mở lớp được. Các hộ dân đều không được hưởng các chế độ hộ nghèo, chế độ cho khu vực biên giới, không làm được giấy chứng minh nhân dân… 

Để bảo đảm quyền lợi của bà con, nhất là trẻ em, huyện Mường Tè đã “linh động” cho các hộ nêu trên được đăng ký tạm trú có thời hạn. Theo quy định chỉ cần có tạm trú thì trẻ em sinh ra sẽ được đăng ký khai sinh và được cấp bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời.

Theo quy định, muốn nhập khẩu, các hộ dân phải có giấy tờ xác nhận cắt, chuyển khẩu ở nơi đi nhưng tất cả đều không có giấy tờ gì. Thêm nữa, nếu nhập khẩu cho bà con thì sợ sẽ trở thành tiền lệ, những hộ dân khác dựa vào đó sẽ ồ ạt di cư đến nên chính quyền e dè việc nhập khẩu cho bà con. Một vấn đề khác cần quan tâm đó là nguy cơ mất rừng đầu nguồn. Đây là diện tích rừng phòng hộ xung yếu và là vùng rừng phải quản lý chặt vì liên quan trực tiếp đến nguồn nước ở hạ lưu. Sinh kế của bà con đe dọa trực tiếp đến diện tích rừng phòng hộ ở thượng nguồn.

Khi di cư đi kèm phá rừng

Theo báo cáo của các địa phương vùng Tây Bắc, các dân tộc có tỉ lệ cao di cư tự do là: dân tộc Mông chiếm 75,5% tổng số dân di cư tự do, dân tộc Dao chiếm 8,5 %, dân tộc  Nùng chiếm 7,9 %, dân tộc Tày chiếm 5,2 %, dân tộc Thái chiếm 0,4 %. Các tỉnh có tỉ lệ di cư tự do cao là:  tỉnh Điện Biên chiếm 33,3%, tỉnh Cao Bằng chiếm 15% , các tỉnh còn lại đều có tỉ lệ dưới 10% tổng số dân di cư tự do. Di cư tự do bao gồm cả đi và đến, ở nội vùng Tây Bắc chủ yếu là di cư đến Mường Nhé, Điện Biên, các tỉnh Tây Nguyên, một số di cư sang  Lào, Trung Quốc.

Đời sống của dân di cư tự do rất khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sạch sinh hoạt, tình trạng bệnh tật... còn phổ biến. Việc không đăng ký hộ khẩu hoặc chưa được đăng ký hộ khẩu đang là trở ngại cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng hộ gia đình di cư tự do. Vì vậy, đồng bào vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tại vùng Tây Bắc, hộ di cư thiếu đất sản xuất chiếm 58 %, hộ nghèo 84,7%, hộ nhà tạm chiếm 45,1%, hộ chưa có nước sinh hoạt chiếm 70%, hộ chưa có điện sinh hoạt chiếm 83,5%. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông tỷ lệ đói nghèo chiếm đến 84,7%, đặc biệt ở Mường Nhé, Điện Biên tỷ lệ hộ đói nghèo lên đến 97,8%.

Điện Biên có trên 80% diện tích đồi núi. Năm 2008, tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Điện Biên đạt 46%. Đến thời điểm này, tỷ lệ che phủ rừng Điện Biên giảm xuống thấp nhất khu vực, chỉ đạt 38,5%, trong khi đó, toàn tỉnh có khoảng 814.000ha rừng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên thấp là do người dân phá rừng làm nương. Cao điểm là mùa phát rẫy. Do không có đất sản xuất, cái đói buộc họ phải phá rừng để sinh tồn. Tình trạng chặt phá rừng trái phép diễn ra trên hầu hết tất cả các huyện trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là huyện Mường Nhé. 

Từ năm 2015 đến 10/6/2016, trên địa bàn huyện Mường Nhé đã phát hiện 313 vụ phá rừng với diện tích trên 296 ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Có trên 60% trong tổng số hơn 7.800 hộ dân của toàn huyện là người Mông, di cư tự do vào địa bàn từ năm 2005 đến nay. Để có lương thực tồn tại, họ đã phá rừng trái phép để làm nương. Mỗi hộ phá ít nhất 3ha mới đủ đất để canh tác cây lương thực có hạt. Sau 2 năm, khi đất bạc màu, họ phá tiếp 3ha nữa để làm nương luân canh. Tuy nhiên, trong số 313 vụ phá rừng, chính quyền địa phương mới chỉ xử lý được 20 vụ, đối tượng là người địa phương. Các vụ việc do người di cư tự do thực hiện thì chính quyền chưa xử lý được vụ việc nào, trong khi tình trạng chống người thi hành công vụ quản lý, bảo vệ rừng ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Hiện nay Mường Nhé vẫn còn 395 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu từ 8 tỉnh đến định cư sau thời điểm 30/4/2011. Đây là những trường hợp không được bố trí sắp xếp ổn định tại chỗ theo Đề án 79 của Chính phủ, mà phải trả về địa phương nơi xuất cư. Tuy nhiên, từ trước đến nay, có 4/8 tỉnh hiện vẫn chưa cử đại diện đến để giải quyết, 4 tỉnh còn lại có các đoàn công tác đến “xem rồi về”.

6 tháng đầu năm 2016, tỉnh Cao Bằng có 11 hộ/52 khẩu di cư đến Bắc Kạn, Gia Lai. Tỉnh Yên Bái có 2 hộ/9 khẩu di cư đến Lâm Đồng. Sơn La có 13 hộ/37 khẩu di cư sang Lào và nội tỉnh, hồi cư 17 hộ/51 khẩu, các địa phương của tỉnh đã vận động được 41 hộ/262 khẩu không di cư, ổn định cuộc sống tại chỗ. Tỉnh Điện Biên có 21 hộ/101 khẩu di cư đến Đắk Lắk, Đắk Nông và nội tỉnh, 5 hộ/25 khẩu di cư sang Lào và 53 hộ/254 khẩu di cư từ nơi khác đến Điện Biên. Tỉnh Lào Cai có 11 hộ/55 khẩu di cư, trong đó sang Trung Quốc 1 hộ/5 khẩu, còn lại di cư đến Đắk Lắk và Lai Châu, 6 hộ/36 khẩu hồi cư. Tỉnh Lạng Sơn có 5 hộ/20 khẩu dân tộc Mông, Dao di cư đến các tỉnh Tây Nguyên và 1 hộ/5 khẩu di cư đến Hà Giang, hồi cư 9 hộ/39 khẩu từ tỉnh Đắk Nông về. 

Đọc thêm