Tỉnh Lai Châu có gần 300km đường biên giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có 2 cửa khẩu, 5 lối mở truyền thống và nhiều đường mòn qua lại hai bên biên giới. Dân cư sinh sống trong khu vực biên giới chủ yếu là dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì, La Hủ, Thái, Giáy, Mảng, Hoa, Khơ Mú, đa số có trình độ dân trí thấp, sự hiểu biết về pháp luật và ý thức về quốc giới còn hạn chế. Điều đáng nói là 100% xã biên giới đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chậm phát triển.
Tại địa bàn sinh sống, người dân khó tìm kiếm được công việc để có thêm thu nhập, trong khi đó, tại Trung Quốc nhu cầu thuê lao động với những công việc không đòi hỏi trình độ như: bốc vác, phụ vữa, trồng chuối, thu hoạch nông sản lại nhiều. Biết là trái pháp luật nhưng nhu cầu kiếm thêm thu nhập cũng như không lường hết được hậu quả nên nhiều người lợi dụng việc đi làm nương, rẫy ở gần biên giới rồi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.
Tình trạng công dân tại Điện Biên xuất cảnh trái phép lao động làm thuê thực sự “nóng” lên từ năm 2015 khi các lực lượng chức năng phát hiện 1.392 trường hợp tại Trung Quốc và Lào, trong đó chủ yếu là sang Trung Quốc với 1.290 người, tăng 420 người so với năm 2014.
Sau khi UBND tỉnh Điện Biên ban hành Công văn số 4332/NC-UBND ngày 9/3/2015 về việc tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê, các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên đã vào cuộc quyết liệt, vì thế tình trạng công dân Điện Biên đi lao động “chui” tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 1.252 người trong năm 2016. Năm 2017, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu đã phát hiện 644 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, trong đó tiếp nhận phía Trung Quốc trao trả 6 vụ/16 đối tượng. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị xác minh, xử lý và bàn giao số người này cho chính quyền địa phương quản lý, giáo dục.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Trà Lĩnh, BĐBP Cao Bằng đã tiếp nhận 13 vụ với 198 công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ trao trả. Cuối tháng 3 vừa qua, trong vòng 1 tuần, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Trà Lĩnh đã tiếp nhận 64 công dân xuất cảnh trái phép trở về bằng đường trao trả.
Cụ thể, ngày 23/3/2018, Đồn BPCK Trà Lĩnh tiếp nhận 12 công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc do Đại đội Công an thành phố Tịnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc trao trả. Ngày 28/3/2018, Đồn BPCK Trà Lĩnh tiếp tục tiếp nhận 52 công dân Việt Nam do Đại đội Công an thành phố Tịnh Tây trao trả. Tại Đồn BPCK Trà Lĩnh, những công dân này khai nhận vì không có việc làm ổn định nên đã tự ý vượt biên theo các đường mòn sang Trung Quốc tìm kiếm việc làm.
Theo chỉ huy Đồn BPCK Trà Lĩnh, số công dân bị trao trả đợt này có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang. Họ vượt biên theo các đường mòn, đường tắt, lối mở trên khu vực biên giới sang Trung Quốc lao động “chui”. Trên đường đi tới nơi lao động ở Trung Quốc thì bị các cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ.
Thiếu tá Bế Hồng Cương, Chính trị viên Đồn BPCK Trà Lĩnh cho biết: “Do không có giấy tờ hợp pháp nên số công dân vượt biên trái phép này đã bị công an Trung Quốc bắt và giam giữ từ 1 đến 3 tháng. Ngay sau khi tiếp nhận, đơn vị đã tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở và yêu cầu những công dân trên phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật khi qua lại biên giới; đồng thời, cảnh báo nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với việc tự ý xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê bất hợp pháp”.
Đa phần các công dân Việt Nam lao động “chui” bên Trung Quốc đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện nghèo khó do không có công ăn việc làm ổn định, nên bị rủ rê vượt biên sang Trung Quốc làm thuê ở những xưởng sản xuất, ngoài đồng mía, phụ hồ... Khi bị phát hiện nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc, người lao động sẽ bị giam giữ, bắt phải lao động công ích rồi mới được trao trả về nước. Nhiều trường hợp còn bị cò mồi, môi giới đưa người đi lao động trái phép đánh đập, ăn chặn tiền công...
Nhiều phụ nữ sang Trung Quốc làm thuê đã bị một số đối tượng xấu hứa hẹn đưa đi bán hàng, phụ quán nhưng đã bán vào các ổ mại dâm hoặc đưa sâu vào nội địa bán làm vợ. Một số người may mắn trốn thoát về được BĐBP giải cứu, nhưng không ít người đến nay vẫn rơi vào tình trạng mất tích. Tuy nhiên, vì mặc cảm, xấu hổ cũng như sợ bị chính quyền xử phạt nên nhiều người khác đã không nói ra.
Đại tá Vừ A Khua - Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Điện Biên cho biết: “Việc ngăn chặn công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê thực sự nan giải khi lao động phổ thông người Mông, người Hoa (Xạ Phang) thường đi qua các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, thông qua mối quan hệ thân tộc, dân tộc để vượt biên sang Trung Quốc.
Những lao động người Thái, Kinh lại tìm cách xuất cảnh trái phép qua đường Lạng Sơn, Quảng Ninh đến làm việc tại các công ty, xí nghiệp đánh cá, xưởng sản xuất tại tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông (Trung Quốc). Chỉ một số ít lao động người Mông ở huyện Mường Nhé vượt biên qua đoạn biên giới Việt - Trung thuộc tỉnh Điện Biên theo lối mở A Pa Chải - Long Phú sang Trung Quốc làm thuê vào những dịp nông nhàn”.
Kỳ 2: Hành lang pháp lý về hợp tác xuất khẩu lao động vùng biên giới, bao giờ?