Hoàn thiện hệ thống phần mềm
Tính đến ngày 8/8/2018, Hệ thống quản lý hải quan tự động được thực hiện tại 5 cục hải quan địa phương gồm: Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh với 81 doanh nghiệp (DN) kinh doanh kho, bãi, cảng tham gia.
Trong đó, Cục Hải quan Hải Phòng có 55 DN, Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu có 18 DN; Cục Hải quan TP HCM có 4 DN; Cục Hải quan Hà Nội có 3 DN và 1 DN tham gia tại Cục Hải quan Quảng Ninh. Hệ thống thực hiện quản lý với hơn 1,473 triệu container hàng nhập khẩu và gần 1,058 triệu container hàng xuất khẩu. Ngoài ra, Hệ thống thực hiện quản lý gần 28,5 triệu kiện hàng xuất khẩu, hơn 13,4 triệu kiện hàng nhập khẩu và nhiều hàng rời, hàng lỏng…
Về tiến độ thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (CNTT) và Thống kê hải quan cho biết: 2 mục tiêu quan trọng được lãnh đạo Tổng cục Hải quan đặt ra là đến 30/9/2018 hoàn thành triển khai Hệ thống trên phạm vi toàn quốc với các chức năng quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, lưu trữ, tồn đọng tại các kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không, địa điểm chịu sự giám sát hải quan; Đến ngày 30/11/2018, hoàn thành triển khai trên phạm vi toàn quốc với các chức năng quản lý chi tiết theo mặt hàng về những thay đổi hình thái hàng hóa, chủ sở hữu hàng hóa trong quá trình lưu giữ tại kho ngoại quan.
Đối với Cục CNTT và Thống kê hải quan, một trong những nhiệm vụ phải tập trung thực hiện là hoàn thiện hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu triển khai mở rộng; xây dựng và trình Tổng cục Hải quan ban hành văn bản quy định về định dạng thông điệp dữ liệu trao đổi giữa cơ quan Hải quan và DN kinh doanh kho, bãi, cảng, địa điểm chịu sự giám sát hải quan; tổ chức các khóa đào tạo tập trung cho cán bộ công chức nòng cốt của các cục hải quan địa phương và DN hướng dẫn triển khai mở rộng Hệ thống…
Tổng cục và địa phương cùng tăng tốc
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu Cục Giám sát quản lý về hải quan chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan xây dựng, trình Tổng cục ban hành quy trình thủ tục hải quan hướng dẫn quản lý, giám sát hàng hóa tự động; xây dựng và trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 68/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan để làm cơ sở cho việc triển khai mở rộng Hệ thống. Cục Quản lý rủi ro chủ trì xây dựng yêu cầu chi tiết về quản lý rủi ro đối với quản lý giám sát hàng hóa làm cơ sở phát triển Hệ thống quản lý hải quan tự động…
Đối với các cục hải quan địa phương, trước mắt các đơn vị được yêu cầu khẩn trương tổ chức hội nghị với DN để thông báo, phổ biến chủ trương, yêu cầu, kế hoạch kết nối Hệ thống quản lý hải quan tự động với hệ thống của DN kinh doanh kho, bãi, cảng, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Mặt khác, cần hoàn thành khảo sát, rà soát, đánh giá hiện trạng và xác định các DN triển khai. Trên cơ sở đó hoàn thiện kế hoạch chi tiết triển khai Hệ thống của đơn vị và báo cáo Tổng cục Hải quan.