Hết "cửa" kêu oan vì Viện tối cao làm sai (Kỳ 2)

 Những quyết định rõ ràng là sai nhưng người ra quyết định không thừa nhận, còn người bị oan thì không còn cửa nào để khiếu nại đành “sống chung với oan sai”.

[links()]

Những quyết định rõ ràng là sai nhưng người ra quyết định không thừa nhận, còn người bị oan thì không còn cửa nào để khiếu nại đành “sống chung với oan sai”.

Một buổi xin lỗi oan sai. Ảnh minh họa
Một buổi xin lỗi oan sai. Ảnh minh họa
Khởi tố sai, đình chỉ cũng sai…

Trong loạt bài “quyền lực tố tụng bị lạm dụng”, Báo PLVN đã phản ánh một loạt tranh chấp dân sự bị “hình sự hóa” bằng các quyết định khởi tố không đúng pháp luật. Thậm chí, có những giao dịch dân sự bình thường cũng bị chụp mũ “tội phạm” khiến nhiều người dân thân bại, danh liệt.

Trở lại vụ doanh nhân Vũ Đắc Lý bị gán mác xã hội đen và bị bắt trong khi đang thực hiện giao dịch dân sự. VKSNDTC đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam của Cơ quan CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, Bộ Công an. Vụ án được giao về VKS huyện Hoài Đức để giữ quyền công tố tại tòa án cấp huyện nhưng đã bị TAND huyện Hoài Đức cho rằng bị cáo không có tội. Nếu cứ xét xử, việc VKSNDTC phải bồi thường oan sai là điều khó tránh khỏi. Vì thế, mượn cớ “liên ngành thống nhất ý kiến” bị cáo Lý có tội nhưng không đến mức xử lý nên tha, VKSNDTC ra quyết định đình chỉ vụ án bằng một cái cớ không đúng luật là “miễn trách nhiệm hình sự”.

Tương tự vụ án thương nhân Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Cty Thành Luân cũng bị VKSNDTC phê chuẩn quyết định khởi tố vì một tranh chấp thanh toán trong hợp đồng đại lý với Cty Tân Á. Thậm chí, khi hai bên đã “chốt” biên bản thanh lý hợp đồng là “không còn nợ gì nhau”, ông Lượng vẫn bị khởi tố. Trong vụ án này, có dấu hiệu lạm dụng quyền lực tố tụng của điều tra viên nhưng VKSNDTC không hiểu sao vẫn phê chuẩn các quyết định tố tụng trái pháp luật. Rút cục, cơ quan này phải giải quyết hậu quả bằng quyết định “miễn trách nhiệm hình sự” trái pháp luật.

Vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra tại vũ trường New Century cũng xảy ra sai phạm tương tự. Ông Nguyễn Đại Dương cùng kế toán trưởng của vũ trường là Phùng Lam Sơn mặc dù không có hành vi tổ chức sử dụng ma túy trái phép nhưng vẫn bị khởi tố về tội này. Sau nhiều lần ra cáo trạng nhưng không đủ chứng cứ buộc tội, VKSNDTC cũng dùng “chiêu” miễn trách nhiệm hình sự để tránh bồi thường oan sai.

Ai phán xét?

Các quyết định không đúng trên của VKS đều bị khiếu nại, nhưng phần lớn các quyết định này vẫn được giữ nguyên vì cơ quan  ra quyết định cũng là cơ quan xét khiếu nại. Câu trả lời theo “công thức” được áp dụng với tất cả các trường hợp trên là “quyết định của VKS đã rất đúng pháp luật, không xem xét lại”.

Nhưng chính các quy định về miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 25 Bộ luật Hình sự mà VKSNDTC viện dẫn trong các quyết định trên đã cho thấy các quyết định “miễn trách nhiệm hình sự” này là không có căn cứ, mà chỉ là cách để cơ quan này chối bỏ trách nhiệm đối với các vụ án oan. Những “khổ chủ” đi khiếu nại đã đưa ra các căn cứ pháp lý để chứng minh VKSNDTC sai. Có điều, không có cơ quan nào xem xét và ra phán quyết rằng VKSNDTC đã sai vì đơn giản, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cao nhất và sau cùng theo pháp luật lại chính là… VKSNDTC.

Vừa là người ra quyết định sai, vừa là người giải quyết khiếu nại nên hầu hết các quyết định sai trái của VKSNDTC đều không được xem xét lại. Người bị hàm oan khiếu nại đến Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nhưng các cơ quan này dù có biết cũng không thể giải quyết vì không có thẩm quyền. Rút cục, việc khiếu nại của người bị oan vẫn chỉ là “con kiến kiện củ khoai” và họ phải chấp nhận sống chung với oan sai.

Nếu như cáo trạng của VKS có thể bị mổ xẻ tại phiên tòa để làm rõ tính đúng sai thì các quyết định “miễn trách nhiệm hình sự” dù có trái pháp luật nhưng lại không có cơ hội để xem xét lại. Nguyên nhân của thực trạng này như thế nào? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Chí Đại về vấn đề này.

- Thưa ông, thực tế có vụ việc nào mà quyết định “miễn trách nhiệm hình sự” của VKS bị xem xét lại không?

Hết "cửa" kêu oan vì Viện tối cao làm sai (Kỳ 2) ảnh 2
 
 - Ở cấp tỉnh, cấp huyện thì có trường hợp VKS ra quyết định “miễn trách nhiệm hình sự” để trốn tránh trách nhiệm bồi thường nhưng đã bị hủy bỏ và buộc phải thừa nhận truy tố oan, đó là vụ án Phùng Thị Thu tại Thái Bình. Lúc đầu, VKS tỉnh Thái Bình cũng áp dụng Điều 25, BLHS về miễn trách nhiệm hình sự để đình chỉ vụ án nhưng thực chất thì cơ quan này đã truy tố oan bị can. Vì thế, trong năm 2010, VKSNDTC đã hủy bỏ quyết định trái pháp luật trên và buộc VKS tỉnh Thái Bình đình chỉ vụ án, xin lỗi bị can.

 Đối với các vụ án do chính VKSNDTC ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự thì tôi chưa thấy có vụ quyết định nào bị xem xét lại.

- Theo ông thì lý do nào mà các quyết định của VKSNDTC lại không bị xem xét lại?

- Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, khiếu nại đối với quyết định của Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng hay viện trưởng VKS do Viện trưởng giải quyết. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp và quyết định giải quyết khiếu nại của VKS cấp trên trực tiếp là quyết định giải quyết khiếu nại sau cùng.

- Nhưng đối với VKSNDTC thì quyết định của Kiểm sát viên đều là thừa ủy quyền của Viện trưởng. Nếu bị khiếu nại thì do chính Viện trưởng giải quyết. Nếu không đồng ý thì cũng phải khiếu nại đến chính Viện trưởng mà không thể gửi lên trên vì đã… “đụng trần”. Thực tế, người tham mưu giải quyết lại chính là kiểm sát viên đã ký quyết định. Họ không bao giờ nhận sai vì nó liên quan đến công danh, địa vị của chính kiểm sát viên đó. Vì thế mà hầu hết các quyết định sai sẽ không được xem xét lại.

- Các quyết định hành chính thì có thể bị kiện ra tòa án. Vậy, các quyết định sai trái mà VKS đưa ra có thể bị kiện ra tòa để giải quyết không, thưa ông?

 - Theo quy định của pháp luật hiện nay thì các quyết định tố tụng không được khởi kiện ra tòa. Nếu cơ quan giải quyết khiếu nại không chấp nhận khiếu nại, thì người khiếu nại chỉ còn cách chấp nhận.

 - Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm