Hết doanh nghiệp đấu giá "ma"?

 Nhiều quy định của Nghị định 17 đã hạn chế hơn tình trạng doanh nghiệp “ảo”, tình trạng hạn chế thông đồng, dìm giá. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng “doanh nghiệp ma" như từng xảy ra ở Hà Nội (và chắc chắn không dừng ở một địa phương) thì công cụ pháp lý thôi chưa đủ mà cần thắt chặt các hoạt động thanh kiểm tra.
Một báo cáo của ngành Tư pháp Hà Nội mới đây cho biết, trong nhiều doanh nghiệp bán đấu giá tài sản của thành phố chỉ duy nhất có … 1 “ông” chuyên bán đấu giá tài sản (BĐGTS). Các “ông” còn lại đều là kiêm, và thực hiện nhiều chức năng khác, thậm chí việc bán đấu giá chỉ là “đánh trống ghi tên”.

Trước đó, khi tiến hành kiểm tra hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn Hà Nội, cơ quan quản lý đã “choáng” vì hiện tượng nhiều doanh nghiệp “ma”. Có doanh nghiệp treo biển "to oành" mặt phố, nhưng tìm vào thì chẳng thấy đâu. Có doanh nghiệp thì có đấu giá viên nhưng chưa từng hành nghề, hoặc lấy danh nghĩa đấu giá viên đi làm việc khác…. Thôi thì đủ kiểu, mỗi doanh nghiệp một kiểu làm cho môi trường bán đấu giá trở nên … rối như canh hẹ, khó nắm, khó quản.

Còn có câu chuyện, một doanh nghiệp bán đấu giá ở một địa bàn, vì không có việc làm nên “chạy” về một địa phương khác, quảng cáo, dán băng rôn khắp nơi với những lời mời gọi theo kiểu “khuyến mãi”, tìm hiểu ra mới biết, đã nhiều lần, doanh nghiệp đấu giá này phải đi thuê đấu giá viên ở nơi khác về… điều hành giúp vì không có thực lực. Một kiểu cạnh tranh chẳng giống ai.

Thực tế “đấu giá kiêm” cũng là của chung các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản trong nước. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, vào thời điểm hết 2010, cả nước có tổng số hơn 100 doanh nghiệp BĐGTS, tập trung chủ yếu ở một số thành phố lớn. Đáng chú ý trong số này, chỉ có 6 doanh nghiệp BĐGTS chuyên nghiệp, số còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, tính chuyên nghiệp chưa cao.

Nghị định 17/CP về bán đấu giá tài sản ra đời và có hiệu lực. Điều kiện bổ nhiệm đấu giá viên bị “siết” lại. Hết cái thời chỉ cần có bằng đại học (trong bất kỳ lĩnh vực nào) đều có thể trở thành đấu giá viên mà không cần phải qua đào tạo, bồi dưỡng như Nghị định 05 trước kia, bây giờ muốn trở thành đấu giá viên phải là người đã tốt nghiệp đại học ngành luật hoặc ngành kinh tế và đã qua khóa đào tạo nghề đấu giá theo quy định. Điều kiện ngặt nghèo cũng hạn chế tình trạng bổ nhiệm ồ ạt, dẫn tới kém chất lượng. Hoạt động bán đấu giá tài sản đã trở nên chuyên nghiệp hơn nhờ những con người cũng… chuyên nghiệp.

Cũng bằng Nghị định 17, nhiều quy định đã hạn chế hơn tình trạng doanh nghiệp “ảo”, tình trạng hạn chế thông đồng, dìm giá. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng “doanh nghiệp ma" như từng xảy ra ở Hà Nội (và chắc chắn không dừng ở một địa phương) thì công cụ pháp lý thôi chưa đủ mà cần thắt chặt các hoạt động thanh kiểm tra.

Phải kiên quyết xử lý bằng nhiều hình thức, kể cả rút phép, đình chỉ, hoặc nghiêm trọng hơn là hình sự đối với các doanh nghiệp sai phạm. Có như vậy mới làm “trong sạch” môi trường đấu giá, và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động này. 

Hương Bằng

Đọc thêm