Tăng cường điều động, biệt phái
Một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình hành động về việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, thi hành án hành chính năm 2024 do Tổng cục THADS ban hành là rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc có điều kiện trên 01 năm chưa thi hành xong, những vụ việc có giá trị lớn, vụ việc trên 20 tỷ đồng và 03 năm chưa thi hành xong, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp thi hành dứt điểm.
Tổng cục THADS cũng yêu cầu các Cục THA tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp theo dõi, chỉ đạo, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chính trị, ưu tiên hàng đầu của toàn hệ thống. Dự liệu, lập kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả các vụ việc lớn, phức tạp.
Để thực hiện nội dung chỉ đạo của Tổng cục THADS, nhiều địa phương đã tập trung cho nhiệm vụ “ưu tiên hàng đầu” này. Tại Hà Nội trong 10 tháng năm 2024, đã thi hành xong 619 việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình tham nhũng, kinh tế tương đương với số tiền là 835.486.187 nghìn đồng.
Năm 2024, Cục THADS Hà Nội cho biết, số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều, tăng đột biến so với năm trước. Hàng loạt các đại án về kinh tế tham nhũng, án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi; các vụ đại án lớn với hàng nghìn đương sự, như vụ Tân Hoàng Minh, FLC.....Trong đó số lượng Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án còn thiếu, khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Số lượng các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng có xu hướng ngày càng gia tăng, trong khi đó điều kiện thi hành án những vụ án lớn, đặc biệt là án kinh tế, tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án; đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án.
Việc xác minh, xác định tài sản, quyền sở hữu tài sản, điều kiện thi hành án, xử lý tài sản của các đối tượng phải thi hành án trong các việc thi hành án giá trị thi hành lớn gặp nhiều khó khăn do xuất phát từ chính các mối quan hệ kinh tế, sở hữu chéo, cơ chế, việc thiếu minh bạch trong các giao dịch kinh tế, dân sự su cố tình che giấu tài sản, ngoài ra một số chính sách pháp luật áp dụng còn chưa phù hợp dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức thi hành án
Để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, Cục THADS Hà Nội yêu cầu Trưởng Phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án cần theo dõi, chỉ đạo sát sao đối với loại việc này; định kỳ hàng tháng Chấp hành viên trực tiếp báo cáo Lãnh đạo Cục về tiến độ, kết quả xử lý tài sản đối với từng vụ việc cụ thể tại các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất; Thành ủy, Ban chỉ đạo THADS thành phố; đồng thời chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát, các sở ban ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải quyết.
Đối với TP. Hồ Chí Minh, nơi tổng số việc và tiền phải thi hành của các cơ quan THADS TP HCM tiếp tục đứng đầu cả nước; trong đó có nhiều vụ án lớn và phức tạp, nhiều tài sản khó xử lý. Thời gian qua, Cục THADS thường xuyên chỉ đạo chấp hành viên, tổ chấp hành viên tập trung tổ chức thi hành đối với các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo. Đến nay, đã tổ chức thi hành xong hoàn toàn 02 vụ án Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi: Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh và Vụ án “Vi 4 phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.
Tuy nhiên, từ giữa năm, Cục nhận Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao xét xử đối với Bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (liên quan đến vụ án Trần Phương Bình giai đoạn 2). Bên cạnh đó, một số vụ như vụ dự án bệnh viện Phú Mỹ - vụ Hứa Thị Phấn giai đoạn 1 đang rất khó thi hành do nhiều trường hợp tài sản có vướng mắc về vấn đề pháp lý, tài sản hình thành trong tương lai, tài sản đang có tranh chấp.
Do đó, Cục THADS TP xác định sẽ sắp xếp, bố trí đội ngũ công chức, người lao động tại các đơn vị thuộc Cục và Chi cục THADS quận, huyện, thành phố bảo đảm đúng vị trí việc làm, khối lượng công việc, phù hợp với năng lực chuyên môn, sở trường của từng công chức. Điều động, biệt phái công chức đến các đơn vị có lượng việc phức tạp, nổi cộm, giá trị thi hành án lớn, những vụ án trọng điểm, tín dụng, ngân hàng, tham nhũng, kinh tế, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản. Lập danh sách và có kế hoạch chi tiết giải quyết các vụ việc có điều kiện thi hành án trên 3 năm chưa tổ chức thi hành xong. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện Quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định, bán đấu giá tài sản theo thẩm quyền.
Tập trung cao độ nguồn lực
Tại Đồng Nai, Cục THADS tỉnh Đồng Nai và các Chi cục THADS (Long Thành, Xuân Lộc, Nhơn Trạch và TP Biên Hoà) đang gấp rút thi hành án vụ án Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn (vụ án Alibaba) tuy nhiên tiến độ thi hành án vẫn có nhiều chậm trễ so với dự kiến, trong đó có vướng mắc do tranh chấp xảy ra tại một số thửa đất thuộc tài sản phải thi hành.
Cục THADS Đồng Nai cho biết, sẽ chú trọng kiểm tra, giám sát việc xác minh điều kiện thi hành án, bảo đảm phân loại án chính xác; tổ chức thi hành dứt điểm đối với các vụ việc có điều kiện thi hành. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc giao tài sản đã bán đấu giá thành; phối hợp chặt chẽ với ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đảm bảo việc thi hành án đúng pháp luật, nâng cao kết quả thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
Lực lượng THADS quyết tâm thi hành các vụ đại án (ảnh: Cẩm Tú.) |
Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra; kiểm tra, phúc tra việc thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm, tham nhũng, tiêu cực và khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan THADS, đặc biệt là kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, củng cố, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS. Thực hiện nghiêm các quy định về tinh giản biên chế, bố trí, sắp xếp công chức theo đúng số lượng biên chế được giao.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo THADS 02 cấp, thực hiện tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong công tác THADS. Rà soát, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất các Quy chế phối hợp liên ngành.
Tịa Đà Nẵng, 10 tháng các cơ quan THADS đã thi hành xong là gần 7300 việc (tăng gần 30%) so với cùng kỳ năm 2023; số tiền thi hành xong là gần 2.105 tỷ đồng, tăng trên 351 tỷ đồng . Đã thi hành xong 44 việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, với số tiền là trên 298 tỷ đồng.
Cục THADS Đà Nẵng cho biết, tình hình giải quyết án trọng điểm tại THADS thành phố Đà Nẵng hiện nay là những vụ việc cũ, khó thi hành từ những năm trước còn nhiều vướng mắc nên rất khó để giải quyết. 03 việc do Cục THADS thành phố thi hành đối với Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên thanh, hiện nay đang vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng.
Do đó, Cục THADS sẽ tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Thành uỷ, UBND thành phố Đà Nẵng, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ thời gian, sâu sát, quyết liệt; nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò gương mẫu đi đầu trong công tác.
Tập trung cao độ nguồn lực, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các giải pháp, hướng xử lý phù hợp, tổ chức thi hành các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế (nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo), các vụ việc có điều kiện thi hành từ 01 năm trở lên nhưng chưa thi hành xong, các vụ việc án tín dụng ngân hàng (nhất là từ 20 tỷ trở lên), nhằm nâng cao tỷ lệ thi hành án và hiệu quả thi hành các vụ án kinh tế tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.