Hết tháng 7, cương quyết xả trạm nếu không hoàn thành việc thu phí tự động

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định như vậy tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội với nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông vận tải sáng nay, 9/6.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời tại phiên chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời tại phiên chất vấn.

Ngành giao thông vận tải nhận trách nhiệm về một số dự án chậm tiến độ

Thay mặt ngành giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành thời gian, tâm huyết chỉ đạo sâu sát để ngành giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ được giao; cảm ơn đồng bào, cử tri cả nước đã quan tâm đến sự phát triển của ngành, gửi tới ngành giao thông vận tải nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực, kịp thời.

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải luôn lắng nghe, tiếp thu đầy đủ, thực hiện nghiêm túc, nỗ lực cao để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như các kiến nghị của cử tri và đồng bào cả nước.

Theo Bộ trưởng, giao thông vận tải là mạch máu của nền kinh tế. Ngành giao thông vận tải luôn luôn phấn đấu để cố gắng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao và trong những nhiệm kỳ qua, Đảng và Nhà nước cũng xác định giao thông vận tải là một trong các khâu đột phá.

Đến thời điểm này, một số dự án giao thông trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào khai thác rất hiệu quả. Bên cạnh đó cũng có một số dự án chậm tiến độ, chưa đạt chất lượng, có biểu hiện lãng phí. Trong lúc ngân sách nhà nước khó khăn, chúng ta đã xã hội hóa thực hiện nhiều dự án BOT.

Trong thời gian vừa qua, Quốc hội đã chất vấn ngành giao thông về các dự án BOT, Bộ đã nghiêm túc tiếp thu, thực hiện các kết luận của Quốc hội. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn có một số dự án chậm tiến độ, chưa đạt chất lượng, chậm giải quyết các vấn đề BOT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ngành giao thông vận tải nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm này. Bộ trưởng nêu rõ phiên chất vấn này là cơ hội để ngành giao thông vận tải giải trình những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm.

Đến 30/7, cho xả trạm nếu không triển khai thu phí không dừng

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) đặt vấn đề, Chính phủ triển khai thu phí không dừng từ năm 2015 và áp dụng thống nhất trên cả nước từ năm 2019. Sau nhiều lần gia hạn, đến nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng, trước ngày 30/6 phải hoàn thành cũng khó đạt được. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ nguyên nhân chậm trễ.

Đại biểu cũng chỉ ra rằng, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, nếu trạm thu phí nào không lắp đặt hệ thống thu phí không dừng thì phải xả trạm. "Theo Bộ trưởng điều này có thực hiện được hay không?", đại biểu Đặng Hồng Sỹ đặt câu hỏi.

Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, quá trình triển khai thu phí không dừng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, một phần do thói quen của người dân, tỷ lệ dán thẻ rất ít, dù việc dán thẻ là miễn phí. Ngoài ra, công nghệ này rất mới nên khi triển khai tại Việt Nam vẫn còn gặp một số vấn đề về công nghệ, sai sót kỹ thuật phải điều chỉnh.

Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết giao Chính phủ đến năm 2019 phải triển khai xong việc này. Tuy nhiên, với số lượng làn đường lớn, Bộ đã không đáp ứng được theo đúng tiến độ Nghị quyết đề ra.

Đến năm 2019, các dự án BOT đều có ít nhất 2 làn thu phí không dừng. Tuy nhiên, vì vấn đề tái cơ cấu của Tổng Công ty Đường cao tốc nên chậm tiến độ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến ngày 30/6, toàn bộ các trạm BOT trừ trạm của Tổng Công ty Đường cao tốc phải lắp đầy đủ trạm thu phí không dừng ở các làn. Đến 31/7 sẽ hoàn thành toàn bộ lắp các trạm thu phí đầy đủ ở tất cả các làn đường.

“Hai ngày trước, VEC đã ký hợp đồng tín dụng để triển khai nốt hạng mục thu phí ETC. Theo tiến độ chúng tôi nắm thì cơ bản đảm bảo”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khẳng định Chính phủ đang rất cương quyết, đến 30/6 các trạm thu phí phải lắp đủ làn ETC, chỉ để lại một làn hỗn hợp mỗi trạm. Trạm nào không triển khai xong thì sẽ dừng thu phí.

"Đối với các trạm của VEC, đến 30/7 mà không triển khai xong thì cho xả trạm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Có lợi ích nhóm hay không?

Tranh luận tại Phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đề cập tới việc, năm 2019, Bộ trưởng nói rằng, đến cuối năm 2019, trạm thu phí không dừng sẽ được thực hiện thực toàn quốc.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tranh luận tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tranh luận tại phiên họp.

“Tuy nhiên, từ năm 2019 cho đến nay, chúng ta làm thiếu sự kiên quyết, triển khai nửa vời. Nhiều nơi chỉ làm 1-2 luồng trên tổng số nhiều luồng”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ vui mừng khi được biết Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phát biểu sau ngày 31/7/2022 sẽ phải xả trạm BOT nếu chưa có thu phí không dừng.

“Việc giải quyết việc thu phí không dừng trên tất cả con đường BOT có mục đích quan trọng hơn đó là làm minh bạch hơn hoạt động thu tiền, hoạt động tài chính trong việc thu phí giao thông. Qua đây để tìm nguyên nhân của sự ngần ngại triển khai thu phí không dừng của nhà đầu tư. Cử tri cho rằng, ở đây có sự gian lận, có lợi ích nhóm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết có thật như cử tri nói không và phải có biện pháp gì để ngăn chặn nếu có và từ đó rút ra được những kinh nghiệm gì để triển khai BOT một cách hiệu quả trong giai đoạn tới?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (đoàn Hòa Bình) nhấn mạnh, việc triển khai thu phí không dừng là một chủ trương rất đúng đắn.

Song, trong quá trình triển khai thực hiện còn rất nhiều vướng mắc. “Một trong những vướng mắc trong thời gian vừa qua khi triển khai các dự án BOT, chúng ta xây dựng phương án tài chính thì nhiều dự án không đạt được phương án tài chính theo yêu cầu. Hiện nay, chúng ta lại phát sinh thêm một nội dung liên quan về các trạm thu phí không dừng nên đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ đã điều chỉnh lại những phương án tài chính cho doanh nghiệp chưa để bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư cũng như bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Cùng với đó, đại biểu cũng nêu việc các dự án đầu tư của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện tái cơ cấu không đạt yêu cầu.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết căn cứ pháp lý để thực hiện việc đến ngày 30/6/2022 mà không hoàn thành việc thu phí không dừng thì sẽ xả trạm khi không điều chỉnh các phương án tài chính cho các nhà đầu tư.

Trao đổi lại với phần tranh luận của các đại biểu Quốc hội, lý giải vì sao trước đây Bộ xác định thời điểm hoàn thành thu phí tự động vào năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ, theo Đề án của Chính phủ đã giao, mỗi một trạm BOT ít nhất là 2 làn xe, thu phí tự động.

“Nếu dán thẻ không được nhiều thì việc đi trên các làn đường này cũng khó khăn. Thực hiện dán thẻ từ năm 2016 đến nay mới 3,2 triệu ô tô. Theo Đề án của Chính phủ, tất cả các trạm BT đều có 2 làn xe là thu phí không dừng, đảm bảo đúng theo tiến độ dự án”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tiến độ thực hiện phải từng bước mở rộng dần ra, không thể không có thẻ, chưa dán thẻ mà đã làm nhiều.

Lý giải quy định thời hạn đến 31/7/2022 không hoàn thành việc thu phí tự động thì phải xả trạm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết là dựa trên cam kết của các đơn vị với Chính phủ.

“Đến thời điểm đó, trạm nào thực hiện xong thì tiến hành thu phí, trạm nào không xong thì phải xả trạm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Trả lời câu hỏi có lợi ích nhóm ở trong BOT này không, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa các cơ quan nhà nước cấu kết với các nhà đầu tư.

Đọc thêm