Hết thời “đền giá đất lúa, bán giá villa”

Nếu dự thảo Nghị định về quản lý đất lúa do  Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự thảo được Chính phủ thông qua, các nhà đầu tư bất động sản sẽ không còn dễ biến “bờ xôi ruộng mật” của nông dân thành chung cư cao cấp, biệt thự liền kề kiếm lời như trước…


Nếu dự thảo Nghị định về quản lý đất lúa do  Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự thảo được Chính phủ thông qua, các nhà đầu tư bất động sản sẽ không còn dễ biến “bờ xôi ruộng mật” của nông dân thành chung cư cao cấp, biệt thự liền kề kiếm lời như trước…

Nông dân bớt lo

Nằm hai bên trục Đại lộ Thăng Long, diện tích đất ruộng của các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Từ Liêm… từ lâu đã trở thành dự án của các khu đô thị, khu công nghiệp.

Theo người dân tại huyện Sài Sơn (Quốc Oai) thì “điển hình” cho việc dự án chiếm số lượng lớn diện tích đất nông nghiệp thuộc về Khu du lịch sinh thái Tuần Châu Hà Tây, với tổng số lên đến 178ha. Cũng ngay trong địa phận nhỏ bé xã Sài Sơn, ngoài Khu du lịch sinh thái Tuần Châu Hà Tây, hàng loạt dự án bất động sản khác cũng đã được đăng ký. Theo biển giới thiệu ngay đường vào xã, dự án Khu đô thị mới CEO Quốc Oai cũng “ra đời” với quy mô 23ha đất, dự án Hà Nội Greenwich Village với tổng diện tích 24ha; dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Tây Thiên Minh…

Điểm qua một số dự án tại xã Sài Sơn, cũng đã thấy được hàng trăm ha đất nông nghiệp, tư liệu sản xuất của bà con nông dân bị thu hồi.

"Ruộng chưa ký kết, chưa nhận đền bù, cấm xâm phạm", biển thông báo của người dân về "chủ quyền" đất ruộng tại huyện Thạch Thất.

Tuy không thuộc đất nằm mặt tiền “đại lộ”, nhưng thống kê sơ bộ cũng cho thấy xã Tân Triều (Thanh Trì) đã có 7 dự án đã tiến hành thu hồi đất với số lượng lớn. Lãnh đạo xã này xác nhận, tổng diện tích đất của xã chỉ có 297ha, trong đó có 158ha đất nông nghiệp. Trả lời Pháp Luật Việt Nam trước đây, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Hoàng Trọng Đức nói rằng, xã ông là một trong những địa phương nhường đất thuộc dạng nhiều nhất cho các dự án. Theo đó, dự án lớn nhất thu hồi đất lên đến 36ha, tổng diện tích đất mà người dân bị thu hồi lên đến trên 100ha.

Có thể, quy định mới về việc siết chặt việc chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp sẽ làm người dân “bớt lo”, hạn chế được tình trạng đất ruộng “bờ xôi ruộng mật” - tư liệu sản xuất của người dân được thay thế bằng chung cư, biệt thự…

Một “Nghị định 71”  khác...

Nếu như trước đây, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp còn thông thoáng, thì hiện nay nguyên tắc và thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đối với đất lúa mà dự thảo này quy định sẽ siết chặt với nhiều “tiêu chí” khắt khe hơn.

Theo đó, việc chuyển đất lúa sang mục đích  sử dụng khác phải phù hợp theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Đối với các dự án xây dựng kết cấu đặc thù, phúc lợi xã hội như hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc, công trình phòng chống giảm nhẹ thiên tai, các công trình công cộng, công trình quốc phòng, an ninh ..., quy định cũng phải cần lựa chọn các phương án quy hoạch các giải pháp thiết kế, thi công  hạn chế tối đa việc sử dụng đất chuyên canh lúa

Nghệ An dừng tiếp nhận các dự án đô thị sử dụng đất nông nghiệpBắt đầu từ ngày 1/12/2010, tỉnh Nghệ An chính thức tạm thời dừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị, nhà ở trên địa bàn TP. Vinh sử dụng đất nông nghiệp.

Đặc biệt, dự thảo này quy định “không được phép chuyển đất chuyên canh lúa 2 vụ để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu dịch vụ vui chơi giải trí nếu tại địa phương còn quỹ đất khác để bố trí cho các mục đích sử dụng này”.

Cũng theo dự thảo này, nếu giao, cho thuê đất để thực hiện các dự án khu đô thị và các dự án sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khác thì phải thực hiện phương thức đấu giá quyền sử dụng đất theo cơ chế “sát giá thị trường”. Trong đó, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất sau khi trừ các chi phí hợp lý cho việc tổ chức đấu giá, được chi 70 %  bồi thường cho người có đất bị thu hồi, 30 %  còn lại thu vào ngân sách các cấp để phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng và các mục đích kinh tế- xã hội khác.

Trái ngược với sự phấn khởi của nông dân, theo giới đầu tư bất động sản, quy định “sát giá thị trường” cũng như việc siết chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sẽ trở thành một “rào cản” về mặt thủ tục, giống như Nghị định 71 hạn chế “bán nhà trên giấy” vừa được ban hành trước đây.

Việt Hưng

Đọc thêm