Khi diễn viên muốn “dắt mũi” khán giả
Chuyện “phim giả tình thật” giữa Kiều Minh Tuấn và An Nguy – hai diễn viên chính trong bộ phim “Chú ơi đừng lấy mẹ con” đến nay vẫn là một câu hỏi gây lùm xùm ngay cả trong giới nghệ thuật và khán giả. Trước đó, “mối tình chị em” giữa Kiều Minh Tuấn và Cát Phượng đã khiến cộng đồng phải “thổn thức” vì những lời có cánh hai người dành cho nhau và mối tình cảm động vượt qua giới hạn tuổi tác. Để rồi, sau khi hoàn thành bộ phim, Kiều Minh Tuấn và An Nguy lại “đăng đàn” để bày tỏ về tình cảm “không thể vượt qua bản thân” của mình.
Điều đáng nói là, chuyện công khai tình cảm của hai diễn viên này lại diễn ra ngay thời điểm phim chuẩn bị công chiếu. Cũng ngay sau thời điểm An Nguy và Kiều Minh Tuấn công khai thừa nhận tình cảm, người hâm mộ lại phát hiện Kiều Minh Tuấn và Cát Phượng đi du lịch cùng nhau.
Giữa tâm bão mũi dùi dư luận đang hướng về phim, nhà sản xuất Dung Bình Dương lại “đăng đàn” trên facebook nhằm giải thích, đính chính hoàn toàn không có chuyện dùng tình cảm để quảng bá (PR) cho phim. Tuy nhiên, sau những lời lẽ khá bức xúc thì nhà sản xuất này càng khiến dư luận “bán tín bán nghi” khi “kết” thông tin: Muốn biết thực sự tình cảm của An Nguy và Kiều Minh Tuấn thế nào thì hãy chờ phim ra mắt, đi xem thì sẽ rõ (!?).
Hiện, làn sóng tẩy chay phim “Chú ơi đừng lấy mẹ con” đang lan rộng trong cộng đồng mạng. Người ta quay lưng với bộ phim không phải vì chuyện Kiều Minh Tuấn phụ rẫy Cát Phượng và những lời thề thốt trước đó, hay vì cô gái trẻ An Nguy chấp nhận làm “người thứ 3”, mà bởi những nghệ sĩ này đã coi tình cảm như trò đùa, tung hứng, diễn kịch để nhằm “dắt mũi” khán giả, đạt được lợi ích cho mình. Đó là cách truyền thông mà nhiều khán giả đánh giá là “bẩn”.
Một số người trong giới cho rằng, “Chú ơi đừng lấy mẹ con” đã sử dụng mô tip PR cũ trước đây từng dùng mà không lường trước được phản ứng của khán giả. Giờ đây, bộ phim đang đứng trước một cuộc “khủng hoảng truyền thông” không hề đơn giản. Nếu phim có chất lượng, đáng để xem thì may ra còn cứu vãn đôi chút, còn nếu bộ phim chỉ “làng nhàng” thì tác dụng ngược của chiêu PR sai lầm sẽ khiến phim “ngã ngựa”. Và thực tế cho thấy, phim rất có khả năng thất thu khi nhiều “sạn”, diễn nhạt, kém đặc sắc.
“Bổn cũ soạn lại” không còn tác dụng
Thực ra, dùng chuyện tình cảm giữa các cặp đôi trong phim để quảng bá phim là chuyện không hề hiếm trong thị trường phim Việt. Trước kia, phim “Bệnh viện ma” khi chuẩn bị công chiếu, chuyện tình cảm của Hari Won và Trấn Thành cũng bị lộ và đây cũng được coi là chiêu PR phim mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, chuyện tình cảm này sau này cũng được xác thực bằng đám cưới thật. Rồi hàng loạt chuyện tình cảm xuất hiện ngay tại thời điểm dự án phim chuẩn bị “lên sóng” như Will - Kaity Nguyễn với “Em chưa 18”, Hoàng Thùy Linh và Harry Lu khi đóng chung bộ phim “Thần tượng”.
Hay Tết năm ngoái, “Siêu sao siêu ngố” chuẩn bị được công chiếu thì hàng loạt tin đồn tình cảm của diễn viên chính Trường Giang được tung ra, từ mối quan hệ với hot girl Sam cho đến màn cướp sóng cầu hôn với Nhã Phương. Có thể thấy, dùng tình cảm để PR phim là “chiêu” được dùng rất nhiều và có đem lại kết quả cho các nhà sản xuất từ trước đến nay.
Nhưng đến thời điểm gần đây, chiêu PR cũ mòn ấy dường như đã không còn hiệu quả. Không đến nỗi bị phản tác dụng như bộ phim “Chú ơi đừng lấy mẹ con” khi hai diễn viên chính “làm lố” quá mức, phim “Hoán đổi” với sự có mặt của các diễn viên “hot” như Việt Hương, Nhã Phương, đặc biệt là màn đính hôn bí mật giữa Trường Giang và Nhã Phương được hé lộ ngay trước khi phim công chiếu vẫn không khiến khán giả quan tâm.
Nhạt, nhảm và giống “nồi lẩu thập cẩm” là đánh giá chung của nhiều khán giả về bộ phim này, lượng xem không khả quan cho thấy chiêu PR cũ đã bị vô hiệu hóa. Tương tự, “Gạo nếp, gạo tẻ” đang phát sóng thì lộ hình ảnh Thúy Ngân và Trung Dũng “hẹn hò”, cũng không làm khán giả mảy may quan tâm. Ngược lại, một số bộ phim khác cùng thời điểm này như “Song Lang”, “Chàng vợ của em” không tin đồn, không chiêu trò hay scandal, vẫn được khán giả đến rạp xem, kêu gọi ủng hộ và đánh giá cao.
Nhìn nhận lại, những bộ phim có lượng khán giả cao ngất và đến nay vẫn được “điểm tên” mỗi khi nhắc đến phim Việt ấn tượng, hầu hết đều là các phim sạch, hoàn toàn không dính dáng đến các scandal như “Em là bà nội của anh”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Tháng năm rực rỡ”, “Cô ba Sài Gòn”…
Giờ đây, khán giả ngày càng tỉnh táo và văn minh hơn khi phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, đâu là một giá trị đáng quan tâm của bộ phim. Họ thà bỏ thời gian ra để kêu gọi kéo dài thời gian công chiếu cho một bộ phim nghệ thuật có giá trị, hay lan truyền những thông điệp để ủng hộ phim Việt tử tế, hơn là kéo nhau đến rạp nhằm thỏa mãn trí tò mò vì bị “dắt mũi” bởi vài chiêu trò không mấy sạch sẽ của người làm phim thiếu tâm.