Pháp luật và quyền lực như một cặp bài trùng. Quyền lực làm cho người nắm quyền nhiều khi quên rằng pháp luật đối xử với họ khi họ có quyền khác so với khi họ không còn quyền, nhất là khi lại còn có tác động của khía cạnh chính trị. Vì thế, một khi người nắm quyền trong thời gian cầm quyền đứng trên pháp luật hoặc khi thời thế chính trị thay đổi thì thường họ không tránh khỏi hậu họa khi không còn có quyền. Trường hợp cựu Tổng thống Ai cập Hosni Mubarak và cựu Thủ tướng Ucraina Julia Timoshenko là hai ví dụ mới nhất và sẽ không phải là những trường hợp cuối cùng.
|
Bức ảnh chụp ông Hosni Mubarak cùng gia đình "thời hoàng kim". |
Ông Mubarak không những bị làn sóng biểu tình của người dân lật đổ sau khi đã trị vì xứ sở Kim tự tháp hơn 30 năm mà còn phải đối mặt với việc bị đưa ra xét xử trước tòa và nguy cơ bị kết án treo cổ. Cũng vẫn bộ máy tư pháp ấy và giới quân sự ấy mà khi ông Mubarak đương chức đương quyền nào thấy có ai trong số ấy dám ho he gì với ông Mubarak đâu. Đúng là “dậu đổ bìm leo”, ông Mubarak giờ bị gán cho đủ thứ tội. Quyền xưa không cứu được phận nay cho ông Mubarak, đơn giản vì thời còn cầm quyền ông Mubarak đã coi mình chính là và mới là luật pháp. Bây giờ hết thời nên thất thế và vì thế bị thiệt vào thân.
Bà Timoshenko ở Ucraina cũng vậy. Bà chính khách đã từng nhiều lần đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Ucraina giờ lâm vào vòng lao lý vì bị cáo buộc là đã không bảo vệ lợi ích quốc gia trong quá trình đàm phán và ký kết thỏa thuận mua khí đốt của Nga. Thời bà Timoshenko còn đương nhiệm, thỏa thuận ấy được tán dương như một thành công về ngoại giao. Lý do đưa đến sự thay đổi đến mức như thế là sự thay đổi thời thế ở Ucraina. Phe cầm quyền của bà Timoshenko thời nào hiện là phe đối lập và đối thủ chính trị gần như không đội trời chung với bà chính là đương kim Tổng thống Viktor Yanukovitsh. Ông Yanukovitsh đã từng có thời làm Tổng thống Ucraina và bị bà Timoshenko cùng ông Viktor Yutshenko – sau này cũng trở thành Tổng thống Ucraina– lật đổ trong cái gọi là “Cuộc Cách mạng màu da cam ở Ucraina”. Rồi khi cách mạng hết thiêng và sắc màu cách mạng nhạt phai thì bà Timoshenko lại trở thành đối tượng xử lý của pháp luật. Dù ông Yutshenko có hay không đứng đằng sau chuyện này thì cũng đều rất tai hại đối với tương lai chính trị của bà Timoshenko.
Trong những trường hợp trên, pháp luật có thể được sử dụng như một công cụ phục vụ mục đích chính trị của người đương chức đương quyền hoặc nếu không phải vậy thì cũng vẫn có lợi cho người đương chức đương quyền.
Mạc Thầy