Hiểm họa 'check-in' ảo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trào lưu mạo hiểm để sống ảo, bất chấp an toàn tính mạng của bản thân, cộng đồng, vi phạm luật giao thông để “check-in”“câu like” đang lan rộng với nhiều hiểm họa.
Nhiều người đứng giữa đường chụp ảnh bất chấp nguy hiểm và luật an toàn giao thông.
Nhiều người đứng giữa đường chụp ảnh bất chấp nguy hiểm và luật an toàn giao thông.

Ảnh thì ảo…

Cuối tháng 3/2022, hình ảnh hàng cây bàng Đài Loan (hay được gọi là cây bàng lá nhỏ) xanh mướt tại nút giao cầu Thanh Trì và quốc lộ 5 (Hà Nội) được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Hàng cây này tạo nên khung cảnh đẹp tựa như “trời Âu”.

Nhiều người dân đã đến đây để chụp ảnh, “check-in”. Họ mặc trang phục đẹp, áo dài thướt tha bất chấp sự hiểm nguy của những phương tiện giao thông chạy ào ào trên đường, điềm nhiên đứng giữa quốc lộ để tạo dáng chụp ảnh. Nhiều lái xe trên quốc lộ 5, cầu Thanh Trì hốt hoảng bẻ lái, phanh gấp để tránh du khách “bỗng dưng” xuất hiện đứng tạo dáng giữa lòng đường.

Tại cầu Cửa Hội nối đôi bờ sông Lam giữa 2 xã Nghi Hải (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) và Xuân Trường (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), bất chấp nguy hiểm, các phương tiện từ ô tô, xe máy vẫn dừng đỗ, quay đầu xe ngay trên cầu, một số người dân đứng hẳn ra lòng đường nằm ngoài khoảng giới hạn tốc độ 50km/h để chụp ảnh. Thậm chí một số du khách còn leo lên dây văng, lan can cầu để chụp ảnh.

Đường đèo Hải Vân có chiều dài 20km nằm giữa ranh giới địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Đây là đoạn đường đèo dốc quanh co, nguy hiểm, lại có lưu lượng phương tiện xe bánh xích, xe công trình và các xe chở vật liệu gây nổ nguy hiểm như xe bồn chở xăng dầu, khí đốt... thường xuyên lưu thông.

Bên cạnh đó, rất nhiều phương tiện xe máy, ô tô chở khách du lịch cũng qua lại tấp nập để trải nghiệm những cung đường hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Nhưng rất nhiều du khách khi điều khiển phương tiện trên đường đèo Hải Vân lại thiếu ý thức chấp hành các quy định đảm bảo an toàn.

Các vị trí “cây thông cô đơn”, khúc cua “tử thần”, hòn đá cụ rùa... là những địa điểm tập trung đông du khách chụp ảnh và thường xuyên xảy ra tình trạng đậu đỗ xe dưới lòng đường gây cản trở cho các phương tiện lưu thông. Thậm chí, một số nhóm du khách để có những bức ảnh đẹp bất chấp đứng lên thanh chắn đường, đứng ra giữa lòng đường tạo dáng.

Những khúc cua “tử thần” trên đèo Hải Vân trở thành điểm “check-in” của du khách trên hành trình chinh phục “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Điều này dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông, nguy cơ tai nạn rình rập. Mặc dù chính quyền và cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, tuy nhiên nhiều du khách vẫn cố tình vi phạm…

Thương vong là thật

Ngày 12/3/2022, Lê Văn Huy Khánh (SN 2007, trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cùng bạn điều khiển xe máy lên bán đảo Sơn Trà. Đến đoạn dốc gần khu nghỉ dưỡng InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort, Khánh cùng bạn xuống xe ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm. Nhưng do mải mê “check-in”, nam thiếu niên bị trượt chân ngã xuống vực cao 15m.

Nhận tin báo, Phòng cảnh sát PCCC & CNCH (Công an TP Đà Nẵng) đã cử một xe cứu nạn cứu hộ cùng hàng chục chiến sĩ triển khai lực lượng tiếp cận nạn nhân và cứu hộ thành công, đưa nạn nhân ra khỏi vực. May nạn nhân chỉ bị gãy xương đùi, không ảnh hưởng tính mạng.

Ngày 10/1/2021, một nam thanh niên đã trèo lên “check-in” ở “mỏm đá tử thần” thuộc xã Pải Lủng (Mèo Vạc, Hà Giang) và trượt chân ngã xuống khe đá, bị đa chấn thương, vỡ xương chậu và rách cơ đùi. “Mỏm đá tử thần” - như cái tên của nó, là nơi đã được chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng nhiều du khách là các nam, nữ thanh niên vẫn phớt lờ cảnh báo, thường xuyên đu một tay lên mỏm đá để thỏa mãn sống ảo.

Ngày 13/7/2016, tại điểm giao cắt giữa đường dân sinh và đường sắt ở thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên), một nhóm thanh niên khoảng 3-4 người đi qua đường sắt. Hai người trong nhóm dừng lại chụp ảnh. Khi tàu đến gần, nhiều người lớn tiếng gọi nhưng 2 nam thanh niên không nghe thấy vì đeo tai nghe. Hậu quả, cả 2 bị tàu cán tử vong.

Trong một giây, bức ảnh selfie “để đời” của họ có thể nhận được hàng nghìn lượt thích hoặc hơn trên mạng xã hội. Nhưng cũng trong một tích tắc đó, một cú sảy chân hay đơn giản là một pha mất thăng bằng do quá tập trung vào việc selfie, có thể đẩy họ đến gần hơn với “tử thần” đang chực chờ.

Thạc sĩ Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học, Trường ĐH Mở TP HCM, cho hay: “Hiện nay, nhiều bạn trẻ ngắm cảnh, cảm nhận, khám phá cảnh quan và con người ở những vùng đất đó thì ít mà chụp hình thì nhiều. Tất cả những điều đó đều là “ảo” nhưng một số người bị sự nguy hiểm tính mạng rình rập lại là thật”.

Vẫn biết tai nạn là chuyện ngoài mong muốn, để lại đau thương cho cả nạn nhân lẫn gia đình, nhưng với những tai nạn đã được cảnh báo mà nạn nhân vẫn phớt lờ thì thêm cả đáng trách. Cái giá của việc bất chấp tính mạng để sống ảo vô cùng đắt. Cộng đồng mạng có thể “thả tim” cho những bức ảnh selfie độc nhất vô nhị.

Nhưng cộng đồng mạng cũng “ném đá” không thương tiếc trước những tai nạn do mải mê sống ảo. Chỉ những người sống ảo bất chấp mới thực sự là nạn nhân của chính mình và ảnh hưởng tới an toàn của cộng đồng xã hội.

Biển cảnh báo nguy hiểm của chính quyền địa phương có lẽ cũng chưa đủ với một số người ưa mạo hiểm. Nên chăng, các cơ quan chức năng cần có biển cấm và quy định hình thức xử phạt thích đáng đối với vi phạm tại các địa điểm “check-in” tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn.