Phim cổ trang thách thức nhà làm phim Việt
Khoảng mười năm trước đây, nhiều đạo diễn, biên kịch đã “nuôi giấc mộng” phát triển dòng phim cổ trang Việt Nam. Dựa theo những câu chuyện lịch sử, cổ tích, hàng loạt các phim ra đời. Lấy ví dụ như bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” của đạo diễn Victor Vũ lấy cảm hứng từ vụ án Lệ Chi Viên thời nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Bộ phim sở hữu dàn diễn viên đẹp, kỹ năng diễn xuất khá tốt. Nhưng phần kịch bản bị đánh giá tương đối nông, chưa để lại chiều sâu cho người xem. Trang phục trong phim cũng chưa bám sát lịch sử Việt Nam.
Cho đến năm 2017, phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân ra mắt người hâm mộ. Phim quy tụ dàn diễn viên trẻ, đẹp, mới mẻ. Kịch bản xây dựng mới mẻ, phong phú. Nhưng thực tế, khi công chiếu phim nhận về nhiều lời chê hơn khen bởi còn đó hàng loạt vấn đề. Như dàn diễn viên chưa đồng đều, dấu ấn văn hóa Việt Nam còn mờ nhạt, nội dung phim rời rạc, thiếu liên kết.
Chưa từ bỏ, vẫn còn rất nhiều phim cổ trang Việt Nam liên tục được ra mắt khán giả trong nhiều năm tiếp theo, đa dạng các thể loại, từ tình cảm, tâm lý, hành động đến cung đấu. Như phim “Người vợ thứ ba”, “Người vợ cuối cùng” lấy bối cảnh Việt Nam thế kỷ thứ 17, 18. Những bộ phim này đầu tư kỹ về trang phục, bối cảnh bám sát lịch sử Việt Nam. Các diễn viên chọn có kỹ năng nhập vai tốt. Nhưng hai bộ phim đi theo dòng tâm lý, có màu sắc khá âm u, kén người xem. Trong đó bộ phim “Người vợ cuối cùng” được khán giả đánh giá cao về hình ảnh, diễn viên, nhưng kịch bản còn cũ, dễ đoán,…
Yếu tố kinh dị tạo “điểm nhấn” cho dòng phim cổ trang Việt Nam
Việt Nam có kho tàng văn hóa dân gian độc đáo, hấp dẫn với nhiều câu chuyện ly kỳ, bí ẩn và thú vị. Có lẽ, đây là một nền tảng giúp cho dòng phim kinh dị - trinh thám Việt Nam dễ dàng ghi dấu ấn với khán giả trong nước.
Như năm 2024, hai cái tên của dòng phim kinh dị Việt là “Tết ở làng Địa ngục”, “Kẻ ăn hồn” đã tạo được sức hút mạnh mẽ đối với công chúng. Bên cạnh tình tiết cuốn hút, bối cảnh ma mị cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công cho hai bộ phim.
Không phải một sản phẩm kỹ thuật đồ họa hay kỹ thuật tạo bối cảnh giả, ngôi làng ma mị trong phim hoàn toàn là thật. Ngôi làng có tên Sảo Há, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, là nơi sinh sống của dân tộc người Mông. Khung cảnh làng Sảo Há được nhiều du khách nhận xét là kì bí từ trong phim đến ngoài đời. Phim sử dụng nhiều tập tục sinh hoạt văn hóa, lối sống, tín ngưỡng, tâm linh, quan niệm và lòng tin của người Việt góp phần khiến bộ phim mang màu sắc dân gian đậm nét, phù hợp với nhiều khán giả ở nhiều độ tuổi.
Mới gần đây nhất, bộ phim “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” của đạo diễn Victor Vũ cán mốc 200 tỷ đồng sau gần nửa tháng ra rạp. Trong ngày đầu tuần, phim của Victor Vũ bán được 44.027 vé/2.477 suất chiếu, thu 3 tỷ đồng. Bộ phim lấy bối cảnh ở vùng Tây Bắc. Ê-kíp chọn những địa điểm hoang sơ và hùng vĩ nhất ở các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng như hồ Bản Cài, thác Cò Là, thác Khuổi Nhi… để tạo ra bối cảnh chính cho bộ phim. Các góc quay được tận dụng tối đa để cho khán giả thấy được những cánh đồng hoa bạt ngàn, xanh mơn mởn, những con thác chảy xiết hay ngọn núi hùng vĩ, thiên nhiên đẹp miên man của cảnh vật nơi đây.
Ngoài ra, trang phục, những tín ngưỡng dân gian Việt Nam được đạo diễn lồng ghép khéo léo vào trong tình tiết, nội dung phim. Đặc thù của phim trinh thám là sự liền mạch, kết nối, logic và cú plotwist (gây sốc) được đoàn làm phim thực hiện tương đối tốt. Như hai vụ án này, hàng loạt các manh mối phức tạp, nhiều mối quan hệ nhập nhằng được cài cắm đan xen. Nhịp phim khá nhanh, giữ được sự dồn dập và kịch tính liên tục. Các nút thắt mở tạo ra trong phim, giúp khán giả thấy bí ẩn và tò mò. Lối triển khai tình tiết hấp dẫn, không lan man để khán giả liên tục bị cuốn vào hành trình truy tìm từng mảnh ghép nhỏ để phá án của Thám tử Kiên.
Từ những bộ phim như “Tết ở làng Địa ngục”, “Kẻ ăn hồn”, mới nhất là “Thám tử Kiên -Kỳ án không đầu” có thể thấy, dòng phim trinh thám - kinh dị đang tạo ra những bước chuyển mình cho phim cổ trang Việt Nam. Đây hứa hẹn là một thể loại giúp phim cổ trang Việt sánh ngang với bạn bè quốc tế.