Hiểm nguy nghề móc cống

(PLVN) - Mỗi khi đến gần cống thoát nước ngay giữa lòng thành phố, chắc hẳn ai nấy đều cảm thấy khó chịu vì mùi của chất bẩn bên dưới lòng cống. Vậy mà, vẫn có những con người hàng ngày cặm cụi làm việc dưới môi trường khắc nghiệt ấy để nạo bùn, vớt rác. Đó không đơn thuần là một cái nghề để mưu sinh mà còn là sự hy sinh thầm lặng đáng trân quý.

Hiểm nguy luôn rình rập

Giờ tan tầm, là thời điểm nhiều người dân ở thành phố tất bật công việc để chuẩn bị cho một ngày mới. Đây cũng là thời điểm người công nhân phải “trầm” mình dưới những hố cống để đảm bảo cho hệ thống thoát nước được thông suốt.

Sau khi nắp cống mở ra cho mùi hôi và khí độc vơi bớt, những người “chiến sĩ” dưới lòng cống tranh thủ ăn lót dạ bằng nắm xôi, uống ngụm nước vừa mua vội bên đường và sẵn sàng lao xuống lòng cống, mặc dù bên dưới là bùn lầy đen ngòm, sền sệt và bốc mùi hôi thối.

Mảnh vỡ thủy tinh, rác thải độc hại, hóa chất, kim tiêm… là những thứ người công nhân móc cống thường xuyên hứng chịu, không một ai tránh được khi làm công việc này. Nguy hiểm là vậy nhưng vì cuộc sống họ đành chấp nhận.

Những ai tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu được nỗi cơ cực của công việc. Anh Phạm Đức Minh (50 tuổi, quê tỉnh An Giang) làm nghề tại Cần Thơ bộc bạch: Công việc vất vả, cực nhọc nên anh em trong nghề phải giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng làm để hoàn thành nhiệm vụ.

Chất thải được đưa từ lòng cống lên xe để chở đến nơi xử lý.

Cũng theo anh Minh, mỗi ngày cả đội nạo vét chừng 2 -3 hố, trung bình mỗi hố nạo vét khoảng 1m3 bùn, rác các loại. Ám ảnh nhất của nghề công nhân móc cống như lời anh Minh là nạo vét gần khu vực sản xuất hóa chất, dầu mỡ gần khu vực nhà hàng, chợ, gara sửa xe, hố gas sinh hoạt từ nhà dân chảy ra. “Thấy thôi đã lạnh người, lúc đầu chưa quen lội xuống đó nôn ói không làm được, nhưng dần rồi quen”, anh công nhân chia sẻ.

Nghề đáng trân quý

Là nghề nghiệp vô cùng đặc thù, người công nhân móc cống có thể đối diện với muôn vàn nguy hiểm tiềm ẩn, thương tích gây tổn hại đến sức khỏe lâu dài. Vừa kéo thùng rác đen ngòm, đặc quánh mùi hôi thối lên xe, anh Nguyễn Xuân Du (49 tuổi, làm việc tại TP Cần Thơ) nói: Nguy hiểm nhất là khí độc bên dưới lòng cống, đã có trường hợp công nhân xuống bị nhiễm khí độc bị ngất xỉu, nếu không phát hiện kịp thời rất nguy hiểm đến tính mạng.

“Làm công việc này phải chịu khó lắm mới làm nổi, mặc cảm, dơ bẩn đủ thứ nhưng không làm thì lấy gì mà nuôi vợ, nuôi con. Kiếm tiền trên mồ hôi, công sức của mình thì không gì đáng xấu hổ”, anh Du tự hào. 

Vất vả, độc hại là vậy nhưng mức lương đối với công nhân chính thức cũng chỉ 6-8 triệu đồng/tháng, chưa kể những công nhân làm theo thời vụ thì lương bổng còn ít hơn. Đối với người công nhân móc cống, họ dường như luôn chấp nhận mọi thiệt thòi, trắc trở vì mưu sinh. Công việc tuy gian nan, thế nhưng không khó để bắt gặp nụ cười đầy lạc quan. Đôi khi những câu nói vui, dí dỏm cùng đồng nghiệp cũng tạo niềm tin, lạc quan vào cuộc sống.

Đọc thêm