“Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là bà con không có nhà, chúng tôi có sức thì giúp. Ai ngờ giúp một lần, rồi thêm lần nữa… và cứ thế làm luôn tới giờ”, - Hiên Cuôn chia sẻ về cái cách mà anh bắt đầu hành trình đặc biệt của mình.
Cõng ước mơ cho bà con từ sự “thiếu thốn” của chính bản thân
Ở xã Đắc Pring (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), nơi dãy Trường Sơn cuộn mình như một dải lụa xanh ngắt, nơi biên giới Việt - Lào chỉ cách vài bước chân qua con suối nhỏ, có một chàng trai âm thầm làm nên điều kỳ diệu. Người dân nơi đây gọi anh bằng cái tên thân thương: “Cuôn thợ cả”. Nhưng với thanh niên trong thôn, anh là người “truyền lửa”. Với bà con, anh là bàn tay dựng nhà, là trái tim lặng lẽ biết sẻ chia. Tên anh là Hiên Cuôn.
Cuộc đời Cuôn là một chuỗi dài những mất mát. Mẹ mất khi anh lên 8 tuổi. Mười bảy tuổi, anh trai cả mất sau một vụ tai nạn. Ngày tiễn người anh trai về bên kia sườn núi, cậu bé gầy gò trở thành trụ cột gia đình, cùng cha gồng gánh từng bữa cơm lo cho các em.
![]() |
Biệt đội thợ xây vùng biên băng rừng, vượt đèo, gùi từng thanh sắt, tấm bồ lô... lên dựng nhà cho người dân trên làng Pêtapót. |
Năm 2013, Hiên Cuôn xung phong lên đường nhập ngũ. Trong môi trường quân đội kỷ luật và nghiêm khắc, cậu thanh niên người Ve ấy được tôi rèn cả về thể chất lẫn tinh thần. Và rồi, sau bao cố gắng, Cuôn được kết nạp vào Đảng. “Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là điều vinh dự nhất đối với tôi. Nó cho tôi lý tưởng, cho tôi trách nhiệm và tôi biết mình không thể sống cho riêng mình nữa”, anh tâm sự.
Xuất ngũ, thay vì ở nhà tìm việc như bao người khác, Cuôn quyết định đi học. Anh vượt gần 200km xuống Tam Kỳ - thành phố tỉnh lỵ của Quảng Nam để học bổ túc THPT và theo học nghề xây dựng. Ba năm ăn mì gói, đi phụ hồ, làm phục vụ quán ăn… để trả học phí. Cuôn nghĩ muốn thoát nghèo thì phải có kiến thức và tay nghề. Mà để có tay nghề thì phải học, dù muộn cũng phải học.
![]() |
Vác trên vai bao xi măng nặng trĩu, thành viên nhóm thợ xây lội suối băng rừng đưa vật liệu về làng Pêtapót dựng mái ấm cho người dân. |
Ba năm sau, Cuôn trở về đúng lúc bà con vùng biên đang có nhu cầu xây nhà cửa ngày một nhiều. Thế nhưng, tìm được một đội thợ xây nơi đây vô cùng khó. Đường sá xa xôi, chi phí thuê thợ miền xuôi lại quá đắt đỏ khiến nhiều gia đình chỉ biết chờ đợi trong vô vọng. Không đành lòng, Cuôn quyết định rủ em trai là Hiên Sĩ và vài thanh niên trong thôn lập nên đội thợ xây, vừa để giúp bà con có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, vừa tạo việc làm cho chính mình và các thanh niên trong làng.
Ban đầu, anh nhận làm những việc nhỏ như san nền, sửa móng cho bà con trong thôn. Sau đó, một hộ nghèo ngỏ ý nhờ dựng lại căn nhà cũ nát. Nhưng khi biết gia đình này không có khả năng chi trả, anh và cả nhóm đã ngồi lại bàn bạc, rồi thống nhất không lấy tiền công. Từ đó, với sự đồng hành của Đoàn huyện và chính quyền địa phương, những căn nhà thứ hai, thứ ba, thứ tư… cứ thế nối nhau. Hễ bà con gọi, là đội của Cuôn lại có mặt.
![]() |
Giữa nắng rừng gió núi, những người thợ không chuyên miệt mài trộn cát, khuân vữa, góp sức hoàn thiện từng viên gạch, mái nhà cho bà con. |
Nhớ lại những kỷ niệm trong những lần đi xây nhà mái ấm, anh bảo đó là căn nhà ở Pêtapót (xã Đắc Pring, huyện Nam Giang) - đây là khu vực nằm biệt lập giữa cánh rừng già ven biên giới Việt - Lào. Đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn. Để vào được đây, cả đội phải vượt qua chặng đường gần 16km xuyên rừng, lội qua suối lạnh, vượt dốc đá trơn trượt, không có nổi một vạch sóng điện thoại. Xe lớn không thể vào, mọi vật liệu xây dựng đều phải vận chuyển bằng xe máy. Những bao xi măng, sắt, thép… từng thứ một được anh em thay phiên nhau chở lên.
“Chúng tôi mất một tuần chỉ để đưa hết vật liệu vào đến nơi. Đến được bản thì dựng lán tạm, căng bạt ngủ giữa rừng. Ăn măng rừng, ngọn bí, lá sắn qua bữa. Đêm đến thì ngủ võng, muỗi vàng, vắt rừng bám đầy người. Nhưng chẳng ai than phiền, vì ai cũng hiểu ngôi nhà ấy không chỉ là nơi trú ngụ, mà là hạnh phúc, là nơi an cư lạc nghiệp của cả một gia đình”, anh Cuôn xúc động kể.
![]() |
Niềm vui của những chàng trai dân tộc Ve khi góp sức cho dân làng. |
“Căn nhà trên Pêtapót được xây cho gia đình anh Kring Gióng, người dân tộc Ve. Nhà chỉ còn mẹ già và đứa con nhỏ. Vợ mất sớm, một mình anh gồng gánh nuôi con, sống tạm bợ trong căn nhà tranh không đủ che mưa, che nắng".
Ngôi nhà cho gia đình anh Kring Gióng được nhóm thợ xây và các thanh niên Đoàn huyện hoàn thiện trong hơn hai tuần. Mỗi ngày, họ bắt tay vào việc từ mờ sáng đến tối mịt, có hôm phải cắt sắt bằng tay vì không có máy móc hỗ trợ. Dù công việc vất vả, nhưng ai nấy đều cố gắng làm hết sức mình để kịp tiến độ trước mùa mưa. “Khi ngôi nhà hoàn thành, gia đình anh Kring Gióng xúc động đến nghẹn lời. Dù chưa nói sõi tiếng Kinh, anh và mẹ già cứ luôn miệng cảm ơn, vừa cười vừa rưng rưng nước mắt. Nhìn cảnh đó, tôi với mọi người ai cũng thấy ấm lòng. Với tôi, niềm vui đó còn quý hơn cả những đồng tiền công”, anh Cuôn chia sẻ.
Xây nhà, xây niềm tin, “xây lại” cả những cuộc đời
Với uy tín và cái tâm của mình, Hiên Cuôn đã tập hợp được một nhóm thanh niên trong thôn sẵn sàng xắn tay vào việc, ai có sức góp sức, ai có nghề góp nghề. Từ chỗ chỉ có vài người, đến nay “biệt đội thợ xây vùng biên” đã có 17 thành viên. Họ sẵn sàng làm miễn phí cho những hộ nghèo, neo đơn dù là sửa chữa nhỏ hay xây mới hoàn toàn. Với những gia đình có điều kiện hơn, nhóm chỉ nhận một nửa tiền công so với giá thị trường. Còn với những trường hợp đặc biệt khó khăn, nhóm của Cuôn góp sức cùng với chính quyền địa phương.
Không chỉ xây dựng mái ấm, chàng trai trẻ còn tổ chức lớp học nghề ngay giữa thôn, không bảng đen, không phấn trắng, chỉ có bãi đất trống, những viên gạch và những lời chỉ dẫn mộc mạc. “Tôi đã chỉ nghề cho gần 30 bạn trẻ. Giờ họ tự tin, có tay nghề, có công việc ổn định, có chỗ đứng trong cộng đồng. Đó là niềm vui nhỏ của tôi”, Cuôn nói.
Là người năng nổ, gương mẫu, Hiên Cuôn được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Chi đoàn thôn 49A và sau đó là Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong xã Đắc Pring. Với vai trò đảng viên, anh được Chi bộ thôn và Đảng ủy xã giao nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, thay đổi nhận thức trong đoàn viên thanh niên. Anh cùng Đoàn xã tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật định kỳ mỗi tuần hai lần, treo băng rôn, lắp loa lên xe máy, chạy khắp thôn tuyên truyền. Có hôm trời mưa gió, các thành viên trong Đoàn xã vẫn đi. Có khi, Cuôn gửi tin nhắn Messenger đến từng nhà, nhắc bà con cẩn thận với các đối tượng lừa đảo, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy…
“Làm mãi thành quen. Giờ bà con gọi tôi là “cái loa biết đi” của thôn luôn rồi!”, Cuôn bật cười.
Trong các buổi sinh hoạt Đoàn, Cuôn thường mang theo những bài báo viết về thanh niên làm ăn giỏi, chăm chỉ lao động để chia sẻ với các đoàn viên. “Mưa dầm thấm đất”, những câu chuyện đời thường nhưng giàu ý nghĩa đó đã dần dần thắp lên trong lòng nhiều bạn trẻ vùng biên niềm tin rằng mình cũng có thể đổi thay.
![]() |
Hiên Cuôn - thủ lĩnh “biệt đội thợ xây” nơi vùng biên giới Việt - Lào. |
“Mình không chọn nơi sinh ra, nhưng mình có thể chọn sống tử tế ở chính nơi ấy.” - Hiên Cuôn.
Nhưng có lẽ, điều khiến Cuôn tự hào nhất không phải là những căn nhà đã hoàn thành, mà là những cuộc đời đã được sang trang mới. “Trước có mấy bạn trong thôn nghiện rượu, sống buông thả, nợ nần chồng chất. Giờ tụi nó bỏ nhậu, chăm làm, biết phụ giúp bà con. Có em còn quay lại dạy nghề cho người khác. Tôi thấy mừng lắm, vì không chỉ xây nhà mà còn giúp họ dựng lại chính mình”, anh Cuôn chia sẻ - Như trường hợp anh Brôl Khuyên từng là một thanh niên buông thả, sống lêu lổng, có lần còn trộm vặt trong bản. Nhưng sau khi theo chân Cuôn làm thợ xây, Khuyên dần thay đổi, bỏ hẳn những thói quen cũ, sống có trách nhiệm, chăm chỉ lao động và nay đã có gia đình nhỏ hạnh phúc. Nhóm của Cuôn còn phối hợp cùng Huyện Đoàn xây cho anh một ngôi nhà mới, giúp anh ổn định cuộc sống.
Những đóng góp thầm lặng ấy dần được ghi nhận. Tháng 10/2024, Hiên Cuôn được trao Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Tháng 12/2024, anh tiếp tục được vinh danh tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc. Cuôn cũng là một trong những Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024 được vinh danh.
![]() |
Hiên Cuôn tại lễ vinh danh Giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2024. |
Thế nhưng, với Cuôn, những giải thưởng đó “chỉ là cái vỗ vai ấm áp”. Điều anh trân trọng nhất vẫn là niềm tin của bà con và sự đồng hành của các bạn trẻ. “Làm tình nguyện thì không mong nhận lại. Tôi chỉ mong thấy vùng biên ngày một tốt hơn. Con cháu sau này lớn lên không còn phải lo chỗ ở, không phải rời thôn, làng đi làm thuê vì thiếu việc”, Cuôn nói.
Mô hình của Cuôn giờ đây cũng đã được nhân rộng sang các xã lân cận như Chà Vàl, Tà Bhing. Bí thư Huyện Đoàn Bùi Thế Anh khẳng định: “Hiên Cuôn là người thắp sáng tinh thần trách nhiệm, thay đổi nếp nghĩ của thanh niên vùng cao. Cậu ấy không chỉ dựng nhà, mà còn dựng nên tương lai cho cả một thế hệ”.
Giữa dãy Trường Sơn mịt mùng mây phủ, nơi tiếng gà gáy còn vọng sang tận bên kia biên giới, Cuôn và các bạn trẻ vẫn lặng thầm đi xây từng mái ấm, gieo từng hy vọng. Họ cứ âm thầm đi, âm thầm xây, đặt từng viên gạch nhỏ để tạo nên những mái ấm trải dài vùng đất Đắc Pring.
Và trong từng tiếng gõ vữa, tiếng đập gạch nơi biên giới, người ta nghe được cả tiếng trái tim của những người trẻ đang sống rất đẹp - sống vì cộng đồng.