“Hiến kế” tháo gỡ khó khăn ngành hàng cá tra

(PLVN) - Chiều qua (7/5), tại An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị bàn về tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra trong bối cảnh dịch Covid-19. 
Ông Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh An Giang thăm một mô hình nuôi cá tra
Ông Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh An Giang thăm một mô hình nuôi cá tra

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh cùng các DN sản xuất và kinh doanh thương mại ngành hàng cá tra.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, năm 2019, ngành hàng cá tra đối mặt nhiều khó khăn khi nguồn cung tăng, giá cá tra nguyên liệu, giá xuất khẩu giảm mạnh. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng. Tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 đạt 6.205ha (tăng 15% so với năm 2018), sản lượng đạt 1,72 triệu tấn (tăng 21,1% so với cùng kỳ 2018), kim ngạch xuất khẩu đạt 2,0 tỷ USD (giảm 11,4% so với 2018). 

Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diện tích nuôi mới cá tra năm 2019 là 3.824ha, diện tích thu hoạch 3.947ha, sản lượng đạt hơn 1,26 triệu tấn với năng suất trung bình 320 tấn/ha, cao hơn 1 tấn/ha so với năm 2018. Các tỉnh có số lượng giống thả cao như Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ. 

Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số quốc gia châu Âu, Hàn Quốc, là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến ngày 30/3/2020 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ 2019.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong bối cảnh chung của dịch Covid-19, các DN sản xuất, kinh doanh thương mại ngành hàng cá tra gặp nhiều khó khăn về vốn và lãi suất. “Lượng hàng còn tồn đọng trong kho tăng mạnh. Các kho lạnh đều đầy. Nhiều DN phải thuê kho lạnh để chứa hàng hoặc trang bị thêm các kho lạnh mới. Vì mặc dù xuất khẩu không được nhưng cá đến kích thước phải thu hoạch và phải có chỗ chứa”, ông Quốc nói.

Ngoài vấn đề ảnh hưởng do dịch, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, một trong những nguyên nhân khó khăn của ngành hàng cá tra là do tình hình liên kết giữa sản xuất (hộ nuôi cá tra) và tiêu thụ (DN thu mua cá tra) chưa gắn kết, còn mang tính thời vụ; việc chia sẻ lợi nhuận và rủi ro không hài hòa giữa các bên tham gia chuỗi liên kết, thiếu tính bền vững. Đặc biệt sự tác động rõ nhất là khi có biến động thị trường. Việc triển khai thực hiện quy hoạch nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL chưa đồng bộ. 

Theo dự báo, ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý III/2020 và riêng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối tháng 5/2020. Vì vậy cần có kịch bản điều tiết sản xuất để tránh xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Song song đó, Ấn Độ cũng là một thị trường tiềm năng của ngành hàng cá tra Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Võ Đông Đức, TGĐ Cty Caseamex cho biết, hiện các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, gián đoạn nhiều lĩnh vực, đặc biệt đầu ra gần như bế tắc. Vì đó, ông Đức kiến nghị, cần có giải pháp để DN nhanh chóng được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Để ngành cá tra khắc phục khó khăn và tiếp tục phát triển, ông Quốc đề nghị cần có giải pháp thúc đẩy chất lượng ngành cá, triển khai cải thiện chất lượng con giống. Bên cạnh đó hỗ trợ DN tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường mới, xây dựng kênh phân phối thị trường nội địa.  

Nói về vai trò của ngành hàng cá tra, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang khẳng định, với An Giang đầu tư, phát triển con cá tra cũng là đầu tư phát triển kinh tế địa phương, cá tra gặp khó khăn là kinh tế tỉnh gặp khó khăn. Vì vậy, tỉnh sẽ tính toán và đưa ra nhiều giải pháp để phát triển cá tra và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Việt Nam đã hình thành một ngành kinh tế về con cá tra. “Con cá tra đi 119 nước và mang lại 2 tỷ USD/năm. Không chỉ hình thành một ngành hàng mà còn giúp phát huy tiềm năng lợi thế của một vùng châu thổ”, ông Cường nói trong thời gian tới, cần tập trung vào các thị trường trọng điểm Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản… và mở các thị trường tiềm năng mới.

“Đặc biệt, phải chú ý phát triển thị trường nội địa. Trong tháng 6, Bộ sẽ mời đại diện hiệp hội ngành hàng, các công ty lớn làm việc với các tập đoàn phân phối để tập trung phát triển thị trường nội địa”, ông Cường nhấn mạnh.

Đọc thêm